Nhu cầu cải cách hành chính tư pháp rất lớn

14:47' - 24/09/2015
BNEWS Chính phủ cần có sự phối hợp nhiều hơn với Tòa án nhân dân tối cao để triển khai thực hiện các chỉ số thuộc tư pháp. Nếu không, Nghị quyết 19 sẽ chưa tác động đến được những chỉ số này.

TS. Nguyễn Đình Cung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS

Đánh giá về 6 tháng triển khai Nghị quyết 19 tại hội thảo sáng 24/9, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, hai vấn đề quan trọng là điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu nếu “gỡ” được, chắc chắn môi trường kinh doanh và mức độ thuận lợi trong hoạt động kinh doanh của Việt Nam sẽ cải thiện một cách vượt bậc.

Theo đánh giá của Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Ciem, về cải cách hành chính tư pháp qua khảo sát các doanh nghiệp cho thấy, đây thuộc lĩnh vực có nhu cầu cải cách rất lớn.

Chỉ nhấn mạnh đến cải cách hành pháp mà quên hoặc không để ý rằng, ngành tư pháp cũng có những vấn đề cần phải cải cách.

Do đó, Chính phủ cần có sự phối hợp nhiều hơn với Tòa án nhân dân tối cao để triển khai thực hiện các chỉ số thuộc tư pháp. Nếu không, Nghị quyết 19 sẽ chưa tác động đến được những chỉ số này.

Về các chỉ số khác của lĩnh vực hành pháp được đánh giá là có tiến triển không đều. Cụ thể, không đều giữa các bộ ngành với nhau và không đều giữa các địa phương với nhau. Có địa phương rất năng động, tiên phong như Tp. Hồ Chí Minh và có Bộ cũng rất khá như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá, theo quan sát tại hai Bộ là Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù Bộ Công Thương xây dựng nhiều các quy định về điều kiện kinh doanh lẫn các quy định về quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt hơn các nội dung của Nghị quyết 19.

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung khẳng định, nếu tốc độ thực hiện như 6 tháng qua thì có thể rất nhiều mục tiêu như mục tiêu giấy phép xây dựng, mục tiêu đăng ký tài sản, thông quan qua biên giới, hai chỉ tiêu của tư pháp chắc chắn không đặt được.

Bên cạnh đó, những chỉ tiêu liên quan đến một Bộ như bảo vệ nhà đầu tư, nộp bảo hiểm xã hội... được triển khai thuận lợi, dễ dàng hơn, trong khi những chỉ tiêu liên quan đến nhiều bộ, nhiều ngành, nhiều cơ quan như giấy phép xây dựng, đăng ký tài sản, thông quan qua biên giới... lại triển khai rất “ì ạch”.

Ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia dự án GIG cho biết, riêng về lĩnh vực hải quan, theo đánh giá chung của doanh nghiệp khi được khảo sát thì thủ tục quản lý chuyên ngành chưa có chuyển biến đáng kể.

Khảo sát tại các Chi cục Hải quan lớn là Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương cho thấy, tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành chiếm 30-35% tổng số lô hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, một nghịch lý hiện nay là nhiều mặt hàng xuất khẩu lại là những mặt hàng bị kiểm tra chuyên ngành gắt gao nhất, của nhiều cơ quan.

Theo Chủ tịch Hội tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc, dù được đánh giá là có chuyển biến khá tích cực, nhưng vẫn có có nhiều vấn đề tồn tại mà cộng đồng doanh nghiệp hy vọng sớm được cải thiện như bảo hiểm thai sản giải quyết theo quý, chậm trễ chi trả gây khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động nữ; ứng dụng cộng nghệ thông tin trong khai báo, nộp hồ sơ bảo hiểm xã hội thường xuyên bị nghẽn mạng và gặp trục trặc.

Hội thảo này do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) phối hợp với dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện - GIG” (do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ -Usaid tài trợ) tổ chức  nhằm hoàn thiện dự thảo báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 19/2015/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Quang Toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục