Cân đối nguồn cung thịt lợn đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

18:56' - 02/12/2019
BNEWS Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, do dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung trong nước bị giảm, giá thịt lợn trong nước tăng cao.
Các quầy bán thịt lợn tại chợ Phường 5, thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Ảnh: TTXVN

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 tổ chức chiều 2/12 tại Hà Nội, liên quan tới nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm và liệu có phải nhập khẩu thịt lợn, giải pháp nguồn cung thịt lợn nhập khẩu được tính toán, kiểm soát như nào, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trên cơ sở tính toán từ các bộ, ngành dự kiến thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn, tuy nhiên điều này không quá lo ngại vì đã có kế hoạch xử lý phù hợp.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay, số lợn buộc tiêu huỷ là 152.000 con, giảm 65% so với tháng 10/2019 và giảm 88% so với tháng 5/2019, là tháng cao điểm. Đã có hơn 60% số xã có dịch đã qua 30 ngày; trong đó có 14 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.

“Đây là điều kiện tốt cho các địa phương tái đàn lợn an toàn sinh học. Thời gian qua, Bộ đã tổ chức 6 hội nghị chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn tái đàn lợn, để nhân rộng các mô hình gia trại, trang trại, doanh nghiệp và địa phương áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm tăng cường sức đề kháng, do đó hạn chế dịch tả lợn châu Phi. Nhiều địa phương cũng đã chỉ đạo tái đàn có kết quả để cung cấp lợn thịt cho thị trường”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Theo báo cáo từ các tỉnh thành gửi về, số lượng lợn còn 25 triệu con; trong đó đàn lợn nái là 2,7 triệu con, đàn lợn cụ kị còn 109.000 con, chỉ giảm 10%. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, như vậy cơ sở để giữ giống tái đàn, phát triển lợn giống có thể yên tâm và đủ nguồn giống chất lượng cao cung cấp cho các địa phương tái đàn.

Trong 10 tháng năm 2019, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu là 54.000 tấn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương tập trung nguồn lực nhiều hơn bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý 2020 tới đây. Cùng đó, có kế hoạch nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và tiêu dùng, giữa các khu vực.

Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tập trung vào các giải pháp như: phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi. Việc tái đàn ở các doanh nghiệp lớn, trang trại, gia trại, hộ gia đình phải cam kết đảm bảo an toàn sinh học. Tiếp đến phải nhân rộng nhanh các mô hình an toàn sinh học trong sản xuất. Giải pháp tiếp theo là đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm đảm bảo ba nguyên tắc: an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; cân đối cung cầu; đảm bảo an sinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh giải pháp tăng cường thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, những giải pháp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để giảm thiệt hại. Giải pháp cuối cùng là ngăn chặn không cho lợn và sản phẩm lợn bán bất hợp pháp qua biên giới và nhập lậu lợn và sản phẩm lợn vào Việt Nam.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, thịt lợn là một trong những mặt hàng thực phẩm thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, nhất là dịp cuối năm. Vì vậy, Bộ Công Thương luôn theo dõi sát thị trường, cung-cầu mặt hàng thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung nhằm có những tham mưu ổn định thị trường.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, do dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung trong nước bị giảm, giá thịt lợn trong nước tăng cao.

“Đến giờ phút này nếu chúng ta không cẩn trọng, tới dịp Tết và cả sau Tết giá thịt lợn vẫn là vấn đề rất lớn, không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân mà còn đến cả CPI, sự ổn định của nền kinh tế. Với Trung Quốc, giá thịt lợn tăng 100% vào tháng 9-10, ảnh hưởng đến 1% của GDP của nước này”, Thứ trưởng Hải cảnh báo.

Đối với nhiệm vụ đảm bảo về cung cầu, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, những nơi chăn nuôi nguồn lợn lớn nhất của Việt Nam như Đồng Nai, Hà Nam và một số tỉnh, thành phố khác để nắm được tình hình thị trường.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các địa phương, nhất là các địa phương biên giới ở phía Bắc, Tây Nam để ngăn chặn việc đưa lợn sang nơi khác, ảnh hưởng đến giá cả và thịt lợn ngày càng thiếu hụt.

"Phải kiểm soát chặt lợn nhập lậu từ Thái Lan và Campuchia vào Việt Nam vì cần lưu ý trong 24 quốc gia cho phép nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam không có hai quốc gia này. Do đó, dễ gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm và có khả năng mang dịch bệnh vào ảnh hưởng tới đàn lợn trong nước", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong khi chờ số liệu tính toán chính thức lượng thịt lợn cần nhập, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với các doanh nghiệp để đảm bảo lượng lợn có thể nhập khẩu ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ với các nước đã ký hiệp định thương mại với Việt Nam để đảm bảo nguồn cung thịt lợn từ nay đến Tết và cả sau Tết./.

>> Hướng nhập khẩu thịt lợn nhưng phải đảm bảo lợi ích các bên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục