Dự báo nguồn cung thịt lợn cuối năm thiếu khoảng 200 nghìn tấn
Cùng với các giải pháp đang triển khai, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, phân phối thực phẩm, nhất là các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt lợn thiếu hụt để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Liên kết chặt chẽ để bình ổn thị trường
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), từ tháng 6, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 25-30% so với tháng 9) và hiện đang ở mức khá cao.
Nguyên nhân của việc tăng giá nêu trên là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019 và đến cuối tháng 6 đã lan rộng, bùng phát trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế, chưa có vắc xin phòng chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay).
Ngoài ra, việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh nhằm phòng tránh lây lan dịch bệnh đã hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá thịt lợn tăng tại một số địa phương và ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất lớn về con giống, cùng đó là gia tăng chi phí cho phòng dịch, kiểm dịch...
Theo Tổng cục Thống kê, đàn lợn cả nước tháng 10/2019 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường tăng.
Nhận định từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng lượng thịt các loại trong năm 2019 đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%. Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm; sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.
Dù vậy, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay: Số lượng lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại làm nguồn cung giảm mạnh mà ngay các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh nên cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối năm.
Xác định được khó khăn của thị trường, với chức năng nhiệm vụ được giao, để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã, đang triển khai một số nội dung như có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ tại các báo cáo tháng 6, tháng 8, tháng 9 và tháng 10 của Tổ Điều hành Thị trường trong nước về một số biện pháp nhằm bình ổn thị trường hàng hóa; trong đó chú trọng mặt hàng thịt lợn.
Đồng thời, tháng 10/2019, Bộ Công Thương cũng có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung dịp cuối năm và Tết Nguyên đán đối với mặt hàng thịt lợn để Bộ Công Thương có căn cứ điều hành thị trường hợp lý, bảo đảm cân đối cung cầu, thị trường mặt hàng thịt lợn.
Không những thế, Bộ cũng đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 21/10/2019 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020...
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung, chủ động xây dựng phương án bình ổn thị trường.
Ngoài ra, các sở tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường truyền thông nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt lợn và sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thế thịt lợn nóng nhằm giảm sức ép nguồn cung trong nước...
Để kiểm soát thị trường thịt lợn, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch.
Bù đắp nguồn cung
Theo Vụ Thị trường trong nước, tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 11/11, hai Bộ đã thống nhất sơ bộ số liệu dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu khoảng 200 nghìn tấn.
Tiếp đó, trong cuộc họp ngày 18/11 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá đầy đủ, thực chất mức độ thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt lợn và có kế hoạch tái đàn.
Mặt khác, Bộ đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn cụ thể từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với Việt Nam để bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, minh bạch thông tin, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hiện nay, theo chức năng nhiệm vụ được giao, việc công nhận thị trường được nhập khẩu thịt lợn và lợn thịt chính thức vào Việt Nam và việc kiểm soát nhập khẩu mặt hàng thịt lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam gồm: Argentina, Australia, Bỉ, Áo, Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungari, Ấn Độ, Ireland, Litva, Italy, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, New Zeland, Ba Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Mexico.
Vì vậy, Bộ Công Thương khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, phân phối thực phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt lợn thiếu hụt để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề xuất các địa phương, bộ, ban ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm.
Các địa phương cũng tập trung giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng nhằm vừa giữ được nguồn cung cho thị trường trong nước vừa tránh tình trạng lây lan dịch bệnh trong nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành thú y tạo điều kiện cho các sản phẩm thịt lợn, lợn thịt an toàn lưu thông qua các địa phương để bảo đảm nguồn cung cho các vùng, miền nhằm hạn chế tình trạng tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng lưu ý các địa phương cần định hướng cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường việc đưa ra các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn mới (như thịt kho tàu, nhân bánh trưng, chân giò muối…) được chế biến từ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường./.
Tin liên quan
-
Thị trường
Hà Nội đảm bảo đủ hàng, không tăng giá đột biến dịp Tết
15:57' - 20/11/2019
Để đảm bảo hàng hóa cho người dân Thủ đô trong những ngày cuối năm và Tết Canh Tý 2020, Sở Công Thương Hà Nội đã trữ hàng, đẩy mạnh sản phẩm thay thế một phần nhu cầu thịt lợn do thiếu hụt nguồn cung.
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Đảm bảo cung - cầu về thịt lợn
20:38' - 18/11/2019
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, khan hiếm, tăng giá một mặt là do một bộ phận thương lái găm hàng, nhưng có mặt khác là do cơ quan quản lý kiểm soát chưa chặt chẽ việc nhập khẩu thịt lợn.
-
Hàng hoá
Giải pháp nào bảo đảm ổn định thị trường thịt lợn trong nước?
19:02' - 18/11/2019
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần kiểm soát cả nhập và xuất để bảo đảm ổn định thị trường trong nước, người chăn nuôi có lãi, cũng như an toàn dịch bệnh.
Tin cùng chuyên mục
-
Thị trường
Lo ngại nguy cơ căng thẳng nguồn cung, giá dầu thô tăng mạnh
09:00' - 22/11/2024
Toàn bộ 5 mặt hàng nhóm năng lượng đồng loạt tăng giá trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị thêm nhiều diễn biến phức tạp.
-
Thị trường
Giá cà phê tăng nhờ lo ngại nguồn cung
08:44' - 22/11/2024
Hai mặt hàng cà phê vẫn ghi nhận diễn biến tích cực khi mở cửa với mức gapup, phản ánh những lo ngại về nguồn cung tại các thị trường xuất khẩu chính.
-
Thị trường
250 gian hàng tại Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2024
22:16' - 21/11/2024
Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam năm nay diễn ra từ ngày 20 đến 24/11, với quy mô 250 gian hàng, thu hút hơn 200 đơn vị đến từ 63 tỉnh thành tham gia.
-
Thị trường
Đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa Tết
19:14' - 21/11/2024
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 20/11/2024 về việc thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
-
Thị trường
TH lan tỏa “Vị Hạnh Phúc – Xuân Sung Túc” với bộ sản phẩm đồ uống Tết Ất Tỵ 2025
16:40' - 21/11/2024
Với thông điệp “Vị Hạnh Phúc - Xuân Sung Túc”, TH mong muốn mang đến cho khách hàng nguồn năng lượng tích cực từ những sản phẩm tốt cho sức khỏe.
-
Thị trường
Giá xăng dầu giảm nhẹ từ chiều nay 21/11
14:52' - 21/11/2024
Xăng E5RON92 không cao hơn 19.343 đồng/lít (giảm 109 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.185 đồng/lít.
-
Thị trường
Giá kim loại quý quay lại đà giảm do áp lực từ đồng USD
08:40' - 21/11/2024
Giá bạc giảm 0,82% về 31 USD/ounce. Giá bạch kim quay đầu giảm 1,31% xuống mức 965,8 USD/ounce, chấm dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp trước đó.
-
Thị trường
Giá cà phê thế giới tăng vọt do lo ngại nguồn cung
08:36' - 21/11/2024
Giá hai mặt hàng cà phê Arabica leo đỉnh cao nhất kể từ năm 2011 và Robusta trở lại mức cao nhất trong hơn một tháng do lo ngại về nguồn cung từ Brazil và Việt Nam.
-
Thị trường
Xuất khẩu lô hàng tổ yến đầu tiên qua lối thông quan cầu Bắc Luân II
21:54' - 20/11/2024
Ngày 20/11, lô hàng tổ yến đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua lối thông quan cầu Bắc Luân II tại Quảng Ninh.