Cần “đóng biển đồng” vào doanh nghiệp gian lận hóa đơn điện tử

20:44' - 19/07/2023
BNEWS Các ý kiến hy vọng, Tp. Hồ Chí Minh sẽ đóng biển đồng vào từng doanh nghiệp biển thủ thuế để mọi người biết và lên án hành vi đáng phê phán này.
Theo quy định, kể từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Điều này được xem là sự cải cách rất lớn trong hoạt động quản lý thuế, không chỉ thuận tiện mà còn giúp tiết giảm chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Mặc dù mới áp dụng đồng loạt chưa lâu, nhưng đã xuất hiện không ít hành vi gian lận hóa đơn điện tử đáng báo động.

 
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành thuế Tp. Hồ Chí Minh trong nửa cuối năm, tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh chiều 19/7, ông Đặng Khắc Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Thạnh cho biết, thời gian qua thực hiện chỉ đạo của ngành thuế, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã tích cực vận động doanh nghiệp, hộ kinh doanh kê khai sớm sử dụng hóa đơn điện tử, với tỷ lệ đạt 100%. Sau 1 năm thực hiện, số hóa đơn điện tử có mã xác thực trên địa bàn ghi nhận hơn 17,8 triệu hóa đơn và trên 453.000 hóa đơn chưa có mã xác thực.

Cùng với số lượng hóa đơn điện tử được đưa vào sử dụng rất lớn, các doanh nghiệp hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực và hình thức kinh doanh. Từ thực tiễn quản lý, ông Phúc cho biết đã xuất hiện hàng loạt các rủi ro đối với hành vi sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp của doanh nghiệp. Vì mục tiêu lợi nhuận, có không ít doanh nghiệp mong muốn tìm lợi nhuận từ việc nộp ít thuế, hay nói cách khác là doanh nghiệp tìm cách trốn thuế. Từ đó, dẫn đến việc hàng loạt doanh nghiệp ra đời để phục vụ mục đích mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Không chỉ vậy, đại diện Chi cục Thuế quận Bình Thạnh cho hay, các đối tượng này lợi dụng các quy định thông thoáng về kê khai nghĩa vụ thuế, phát hành sử dụng hóa đơn điện tử để mua bán hóa đơn và thực hiện các hành vi trốn thuế.

Ngoài ra, một vấn đề khách quan khác là ngành thuế triển khai hóa đơn điện tử với mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo rủi ro tra soát hóa đơn điện tử phục vụ cho công tác quản lý thuế lại chưa hoàn thiện và hoạt động hiệu quả. Việc đối chiếu, rà soát phần lớn mang tính thủ công nên mất rất nhiều thời gian. Chưa kể số lượng công chức thuế ít, trong khi khối lượng công việc nhiều dẫn đến việc kiểm soát hóa đơn điện tử chưa hiệu quả.

Tham dự tại hội nghị, ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng cho biết ngành thuế đang tồn tại một vấn đề mới nảy sinh là tội phạm về thuế ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến tâm lý chung của đội ngũ công chức thuế.

“Hóa đơn điện tử ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngành thuế trong bối cảnh công nghệ 4.0. Tuy nhiên, các đối tượng xấu đã lợi dụng điều này để trục lợi. Tôi hy vọng Tp. Hồ Chí Minh sẽ đóng biển đồng vào từng doanh nghiệp biển thủ thuế để mọi người biết và lên án hành vi đáng phê phán này”, ông Tuấn chia sẻ.

Trong số các nhiệm vụ của ngành thuế thành phố nửa cuối năm 2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng lưu ý ngành thuế phải rà soát, tham mưu các sở, ngành liên quan trong việc chống thất thu thuế, chống các hình thức gian lận trục lợi thu bất chính; trong đó có hành vi thành lập doanh nghiệp “ma” để phát hành hóa đơn điện tử khống nhằm gian lận thuế. Đây là một trong những hành vi gây thất thoát ngân sách phải được giám sát thường xuyên.

Thực tế cho thấy, vấn đề gian lận hóa đơn điện tử đang được một số cá nhân, tổ chức lợi dụng trục lợi, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Vụ mua bán trái phép hóa đơn và làm, mua bán, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố vào cuối năm 2022 cho thấy mức độ phức tạp cũng như hành vi gian lận ngày càng tinh vi. Trước tình hình này, Tổng cục Thuế cũng như các Cục Thuế trong cả nước đã có cảnh báo gian lận hóa đơn điện tử đến người dân, doanh nghiệp.

Mới đây, Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu các Cục thuế tập trung vào việc rà soát các hóa đơn xuất bán ra của 524 doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn điện tử; rà soát, kiểm tra doanh nghiệp sử dụng hóa đơn của các đơn vị này. Theo danh sách này, nhiều nhất là trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có 491 doanh nghiệp; Hà Nội có 33 doanh nghiệp.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây, Cục Thuế thành phố cũng đã tăng cường triển khai rà soát, xử lý thuế đới với các hành vi mua, bán hóa đơn trái pháp luật.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Thuế đã ban hành thông báo cho hơn 21.000 doanh nghiệp để thực hiện rà soát, giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn liên quan đến các doanh nghiệp mà cơ quan chức năng đang xử lý về hành vi mua, bán hóa đơn trái pháp luật.

Cục Thuế thành phố cũng đã đẩy mạnh quản lý hóa đơn dựa trên kết quả phân tích rủi ro, xác định người nộp thuế có dấu hiệu nghi ngờ gian lận trong sử dụng hóa đơn để đưa vào kế hoạch kiểm tra, thanh tra.

Ngoài ra, áp dụng chức năng kiểm soát hóa đơn điện tử ngăn chặn tình trạng xuất hóa đơn khống trên ứng dụng hóa đơn điện tử, Cục Thuế thành phố cũng đã thực hiện lọc danh sách người nộp thuế thuộc diện giám sát hóa đơn vượt ngưỡng an toàn, phân công đến từng công chức của các phòng thanh tra - kiểm tra, các chi cục thuế quản lý doanh nghiệp để tiến hành kiểm tra người nộp thuế theo quy định.

Trong thời gian tới, ngành thuế Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục rà soát, xử lý việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp; tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, hải quan, ngân hàng... để xác minh, trao đổi thông tin phục vụ quản lý, phòng chống gian lận trong hoàn thuế... ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục