Cần hơn 403.000 tỷ đồng cho kết cấu hạ tầng cảng hàng không trong 10 năm tới

16:29' - 04/11/2022
BNEWS Về nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không giai đoạn 2021-2030, theo quy hoạch cần khoảng 403.106 tỷ đồng.

Nhằm giúp các địa phương, các nhà đầu tư nắm bắt thêm thông tin phục xây dựng Đề án và nghiên cứu đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, chiều 4/11, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức Toạ đàm “Huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cảng hàng không, những bài học kinh nghiệm”. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, triển khai Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác 1121, Bộ Giao thông Vận tải đã gửi đề cương “Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không” tới UBND các tỉnh, thành phố để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Đề án theo nhiệm vụ được giao, làm cơ sở triển khai thu hút nguồn lực đầu tư các cảng hàng không.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: "Trong các lĩnh vực giao thông vận tải, hàng không là lĩnh vực kinh tế vận tải áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại với hoạt động mang tính quốc tế cao, gắn liền với an toàn và an ninh, buộc phải hoạt động đồng bộ theo quy trình chặt chẽ. Với việc hình thành và phát triển hệ thống cảng hàng không của Việt Nam gắn liền với hoạt động quân sự, nên việc quản lý đất đai, quản lý tài sản và mô hình vận hành, khai thác tương đối phức tạp".

"Qua buổi tọa đàm ngày hôm nay, Bộ Giao thông Vận tải rất mong các cơ quan, các địa phương, các nhà đầu tư có thêm thông tin, nhận thức về cách thức, trình tự, thủ tục và những thách thức trong quá trình tổ chức thực hiện huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo phương thức PPP (đối tác công tư) nhằm đồng hành, chia sẻ với Bộ Giao thông Vận tải trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không trong thời gian tới", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chia sẻ.

 

Tham luận tại tọa đàm, ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho biết, theo dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo các tiêu chí: Dự báo nhu cầu vận tải bằng đường hàng không; điều kiện tự nhiên để bố trí cảng hàng không; tiềm năng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh cho khu vực; khả năng phục vụ khẩn nguy cứu trợ; khoảng cách từ cảng hàng không đến trung tâm đô thị, khoảng cách đến cảng hàng không lân cận.

Về định hướng phát triển, ông Phạm Hoài Chung cho biết, đối với sân bay chuyên dùng phải đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; các địa phương chủ động quy hoạch vị trí các sân bay chuyên dùng trong quy hoạch tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng phê duyệt vị trí và địa phương chủ trì huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện; nghiên cứu, xây dựng cơ chế chuyển sân bay chuyên dùng thành cảng hàng không quốc nội khi sân bay chuyên dùng có nhu cầu khai thác các chuyến bay thường lệ và có cơ sở hạ tầng bảo đảm phục vụ hành khách.

Chia sẻ về việc tổ chức vận hành khai thác các cảng hàng không, sân bay hiện nay, ông Đào Xuân Hoạch, Trưởng phòng quản lý cảng hàng không, sân bay (Cục Hàng không Việt Nam) cho hay, các cảng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang vận hành khai thác gồm: Các công trình, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay; các công trình đường cất hạ cánh, đường lăn và một số công trình thuộc sân bay; các công trình hạ tầng thiết yếu còn lại.

Về nguồn thu hàng không, ông Đào Xuân Hoạch cho biết, Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay.

16 giá dịch vụ được quy định; trong đó, 2 giá dịch vụ của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM); còn lại là của doanh nghiệp khai thác cảng hàng không, sân bay. Trường hợp đơn vị khai thác cảng hàng không sân bay nhượng quyền khai thác cho đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không thì đơn vị được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không sẽ thu giá dịch vụ do đơn vị đó cung cấp và nộp giá nhượng quyền cho người khai thác

Dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định mức giá gồm: Dịch vụ điều hành bay đi, đến; Dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; Dịch vụ phục vụ hành khách.

Cũng theo ông Đào Xuân Hoạch, dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định khung giá gồm: Dịch vụ thuê sân đậu tàu bay; dịch vụ thuê quầy làm thủ tục hành khách; dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; dịch vụ thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói); dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay; dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không.

Dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá gồm: Dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách; dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa; Dịch vụ cơ bản thiết yếu tại nhà ga hành khách.

Đề cập đề nguồn lực đầu tư cảng hàng không, sân bay, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn trong khi đó nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn chế, dẫn tới bị quá tải tại một số cảng hàng không lớn như: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất.

Đề cập đến một số tồn tại trong việc huy động nguồn vốn đầu tư, ông Nguyễn Anh Dũng chia sẻ, hiện nay ACV quản lý phần lớn cảng hàng không, về lâu dài sẽ dẫn tới áp lực lên nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, hạn chế khả năng huy động nguồn vốn xã hội, chưa phát huy được tính chủ động, nguồn lực của các địa phương và khả năng quản trị của nhà đầu tư.

Trong khi đó đối với các cảng hàng không mới, phương án tài chính khi đầu tư theo phương thức PPP thường khó hấp dẫn nhà đầu tư do thời gian hoàn vốn kéo dài (trung bình từ 40-50 năm), cần sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước.

Đối với các cảng hàng không do ACV đang khai thác, có một số khó khăn vướng mắc khi thực hiện huy động vốn đầu tư như: Đầu tư công trình trên đất và tài sản do quốc phòng quản lý; xử lý tài sản của ACV, tài sản do quân sự quản lý; lựa chọn hình thức đầu tư: Hình thức chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác kêt cấu hạ tầng gắn với đầu tư, phát triển hay hình thức sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng tham gia dự án PPP.

Về nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không giai đoạn 2021-2030, ông Dũng cho biết, theo quy hoạch là khoảng 403.106 tỷ đồng (trừ các công trình do VATM đầu tư). Theo kế hoạch, ACV cân đối được khoảng 265.150 tỷ đồng; Bộ Giao thông Vận tải cân đối được 9.841 tỷ đồng. Theo đó, cần huy động thêm khoảng 128.115 tỷ đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư khai thác cảng hàng không Vân Đồn, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho hay, với tổng vốn đầu tư 7.485 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách 734 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 6.750 tỷ đồng, sân bay Vân Đồn chỉ trong 24 tháng thi công đã hoàn thành. Hiện sân bay Vân Đồn được xếp là cảng hàng không quốc tế cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng thế giới) và sân bay quân sự cấp 2.

"Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã thay đổi diện mạo của huyện Vân Đồn. Cụ thể, ngân sách huyện Vân Đồn năm 2015 là 130 tỷ đồng. Từ năm 2020, ngân sách huyện vượt 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Từ năm 2022, huyện vân Đồn là địa phương thứ 6/13 địa phương của tỉnh Quảng Ninh tự cân đối ngân sách", ông Phạm Ngọc Sáu thông tin.

Ngoài những tham luận trên, tại tọa đàm, nhiều đại biểu đã cùng nhau chia sẻ thông tin, nhận thức về cách thức, trình tự, thủ tục về đầu tư, khai thác cảng hàng không; chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, khai thác cảng hàng không theo phương thức PPP; trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và định hướng giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục