Cần linh hoạt chính sách thuế xuất khẩu phân bón

09:04' - 05/06/2022
BNEWS Khi giá phân bón tăng cao, hiện tượng phân bón giả, phân bón kém chất lượng sẽ xuất hiện càng ngày càng nhiều. FAV đề nghị các cơ quan quản lý tăng cường các chế tài xử phạt để lành mạnh thị trường.

Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua do tác động kép của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine, Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất áp thuế xuất khẩu phân bón 5% nhằm tăng nguồn cung cho thị trường trong nước và góp phần “hạ nhiệt” giá vật tư đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp này.

 
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: FAV dự báo như thế nào về thị trường phân bón Việt Nam trong những tháng còn lại của năm, thưa ông?

Tổng thư ký Phùng Hà: Theo tính toán hiện nay, cả nước phải dùng khoảng 11 triệu tấn phân bón gồm cả phân vô cơ và hữu cơ. Hiện năng lực sản xuất của Việt Nam  được khoảng 7 triệu tấn, còn lại nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn.

Trong đó, với phân đạm ure, hiện Việt Nam có 4 nhà máy với tổng công suất khoảng 2,65 triệu tấn/năm nhưng nhu cầu trong nước chỉ khoảng từ 1,8 - 2 triệu tấn/năm.

Với phân bón chứa lân như supe lân hay lân nung chảy, hiện Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất supe lân, 3 nhà máy sản xuất lân nung chảy nên hoàn toàn cân đối được cung cầu và có thể xuất khẩu.

Với phân phức hợp DAP, hiện Việt Nam sản xuất được khoảng 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Với phân kali thì phải nhập khẩu toàn bộ. Kali chủ yếu nhập khẩu từ Nga và Belarus nhưng hiện giờ nguồn cung bị gián đoạn nên các nhà cung ứng phân bón đang chuyển sang thị trường mới là Israel và Canada.

Với phân tổng hợp NPK, tổng sản lượng sản xuất của cả nước đạt từ 3,5 - 4 triệu tấn nên đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Phóng viên:Thưa ông, Bộ Tài chính đã đề xuất mức thuế 5% với mặt hàng phân bón xuất khẩu để góp phần tăng nguồn cung trong nước và giúp hạ nhiệt giá phân bón. Vậy theo ông đây có phải là giải pháp phù hợp với thị trường phân bón Việt Nam hiện nay?

Tổng thư ký Phùng Hà: Đề xuất này của Bộ Tài chính nếu được thông qua chưa chắc đã đạt được mục tiêu đề ra. Thực tế là phân đạm ure hay lân nung chảy trước đây phải đóng thuế chi phí tài nguyên (do tổng giá trị tài nguyên và chi phí năng lượng lớn hơn 51%) nên bây giờ nếu phải đóng thuế xuất khẩu 5% thì cũng không thay đổi.

Đối với phân bón NPK hoặc phân bón chứa lân thì hiện nay sản xuất trong nước cung đã vượt cầu nên áp thuế 5% như vậy sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, giảm lượng xuất khẩu phân bón NPK hoặc phân bón chứa lân cũng đồng nghĩa với việc chưa chắc đã đạt được mục tiêu thu thuế xuất khẩu vào ngân sách nhà nước.

FAV đã kiến nghị Bộ Tài chính cần áp dụng một cách linh hoạt tùy theo thời tiết, tùy theo thời vụ, tùy theo thời giá. Việc áp thuế 5% với xuất khẩu phân bón cũng không nên áp dụng cho tất cả các loại phân bón mà chỉ nên áp dụng với các loại phân bón mà Việt Nam đang phải nhập khẩu hoặc chưa sản xuất được. Còn với những chủng loại phân bón mà trong nước cung đã vượt cầu như NPK thì cần khuyến khích xuất khẩu.

Phóng viên: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ để báo cáo với Quốc hội sửa đổi Luật thuế 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý nhằm hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân. Vậy quan điểm của FAV về đề xuất này như thế nào, thưa ông?

Tổng thư ký Phùng Hà: Ngành phân bón là ngành biến động ở mức quy mô toàn cầu, giá có thể lên xuống theo chu kỳ. Để ngành sản xuất phân bón phát triển bền vững, nhiều năm qua, FAV đã liên kiến nghị với Bộ Tài chính, Chính phủ sửa đổi cái Luật thuế 71 này theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất từ 0 - 5%.

Hiện nay, do phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế  giá trị gia tăng nên các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế giá trị gia tăng của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam đang hạch toán toàn bộ chi phí này vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5 - 8%.

Thực tế là quy định này vô hình chung đang khiến sản phẩm phân bón Việt Nam giảm sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu cùng loại do doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá bán hoặc giảm lợi nhuận, làm tăng tổng mức đầu tư các dự án sản xuất phân bón mới.

Phóng viên: Vậy FAV có đề xuất gì để bình ổn thị trường phân bón trong nước và hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi của giá phân bón tăng cao như hiện nay, thưa ông?

Tổng thư ký Phùng Hà: Các doanh nghiệp cần phát huy tối đa công suất và tìm mọi cách giảm chi phí, hạ giá thành. Bên cạnh đó, tìm cách giảm các đầu mối trung gian phân phối phân bón, nhanh chóng đưa phân bón đến nông dân.

Vào các cao điểm mùa vụ ở trong nước, doanh nghiệp Việt Nam cần phát huy trách nhiệm xã hội, ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp trong nước trước khi nghĩ tới xuất khẩu cho dù phân bón không thuộc mặt hàng cấm xuất khẩu.

FAV cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nông dân áp dụng năm đúng  (số lượng, chủng loại, thời tiết, mùa vụ, phương pháp) và tăng cường sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp để thay thế một phần phân vô cơ.

Đặc biệt, khi giá phân bón tăng cao thì hiện tượng phân bón giả, phân bón kém chất lượng sẽ xuất hiện càng ngày càng nhiều. Vì vậy, FAV đề nghị các cơ quan quản lý tăng cường các chế tài xử phạt để lành mạnh thị trường và bảo vệ lợi ích của người nông dân.

Việc giảm bớt một số thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, cho các doanh nghiệp nhập khẩu và cho nông dân thì cũng là giải pháp đồng thời để từng bước góp phần hạ nhiệt giá phân bón./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục