Cần sự hợp tác và xử lý phù hợp trong hoàn thuế

15:44' - 24/07/2023
BNEWS Các hồ sơ đề nghị hoàn thuế mà cơ quan thuế tiếp nhận hiện được phân loại thành 2 trường hợp hoàn thuế trước và kiểm tra trước hoàn thuế sau theo quy định của pháp luật quản lý thuế.
Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, việc hoàn thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn vốn trong sản xuất kinh doanh là rất quan trọng, việc này luôn nhận được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính

Theo bà Lê Thị Duyên Hải, các hồ sơ đề nghị hoàn thuế mà cơ quan thuế tiếp nhận hiện được phân loại thành 2 trường hợp hoàn thuế trước và kiểm tra trước hoàn thuế sau theo quy định của pháp luật quản lý thuế; trong đó gần 80% hồ sơ được cơ quan thuế giải quyết hoàn trước trong thời hạn 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn của người nộp thuế.

Năm 2022, cơ quan thuế cả nước đã ban hành 20.774 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế được hoàn là 150.709 tỷ đồng. Thống kê 7 tháng năm 2023 (tính đến hết ngày 20/7/2023), cơ quan thuế cả nước đã ban hành 9.385 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng tương ứng số thuế đã hoàn 67.100 tỷ đồng.

Qua rà soát các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn (hồ sơ hoàn thuế lần đầu, hồ sơ của người nộp thuế trong thời hạn 2 năm kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế; hồ sơ rủi ro cao theo phân loại quản lý rủi ro...), Tổng cục Thuế đã phát hiện một số hồ sơ đề nghị hoàn thuế có đầu vào đề nghị hoàn là các hóa đơn giá trị gia tăng hàng hóa, dịch vụ mua của các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và hóa đơn. Do vậy bà Lê Thị Duyên Hải cho biết, cơ quan thuế cần thực hiện các biện pháp kiểm tra, xác minh, đối chiếu để xác định số thuế giá trị gia tăng đủ điều kiện hoàn thuế.

Đối với số thuế đã có kết quả kiểm tra, xác minh thì cơ quan thuế kịp thời giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn cho người nộp thuế.

 
Để đảm bảo hoàn thuế đúng đối tượng tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, bà Lê Thị Duyên Hải cho biết đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng nhưng cũng phải kiểm soát chặt chẽ, đẩy mạnh chống gian lận hoàn thuế gây thất thoát ngân sách của nhà nước.

Hiện Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát để báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền các quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu và rà soát quy định về thủ tục hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tiếp tục báo cáo Bộ Tài chính có kiến nghị cơ quan chức năng liên quan đến đăng ký kinh doanh có quy định chặt chẽ về đối chiếu nhân thân, xác thực nhân thân khi thành lập doanh nghiệp; kiểm soát việc các cá nhân, nhóm cá nhân thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích mua bán hóa đơn doanh nghiệp để trục lợi, gian lận tiền thuế.

Đồng thời, báo cáo Bộ Tài chính có văn bản đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định pháp luật để nâng mức xử phạt (hành chính/hình sự) đối với các hành vi mua bán trái phép hóa đơn bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Tổng cục Thuế tiếp tục tăng cường tổ chức đoàn công tác làm việc trực tiếp tại Cục Thuế các tỉnh, thành phố lớn để kịp thời nắm bắt các vướng mắc, đề xuất của Cục Thuế về công tác giải quyết hoàn thuế gía trị gia tăng, từ đó có các giải pháp chỉ đạo trong công tác hoàn thuế gía trị gia tăng bảo đảm kịp thời, đúng quy định theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính.

Song song với việc áp dụng, triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong chuỗi mua bán của các doanh nghiệp, từ đó phát hiện các dấu hiệu gian lận trong việc kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp trung gian trong chuỗi mua bán; phát hiện các dấu hiệu bất thường về giá trị hàng hóa giao dịch mua bán; phát hiện chuỗi mua bán lòng vòng…

Bà Lê Thị Duyên Hải cũng cho biết, Tổng cục Thuế đang chỉ đạo quyết liệt cơ quan thuế các cấp trong việc giải quyết hoàn thuế gía trị gia tăng; yêu cầu lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, thành phố  trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý hoàn thuế trên địa bàn, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp; bố trí đầy đủ nguồn lực khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra hoàn thuế đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế bảo đảm giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đúng thời hạn quy định, đúng đối tượng và trường hợp được hoàn thuế.

Riêng trong tháng 6 năm 2023, Tổng cục Thuế và cơ quan thuế các cấp đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức về hoàn thuế, hướng dẫn người nộp thuế lập hồ sơ hoàn thuế, các hành vi gian lận hóa đơn và hoàn thuế để người nộp thuế biết, phòng tránh và thực hiện; các Cục Thuế đã tổ chức đối thoại với 63 doanh nghiệp có vướng mắc về hoàn thuế gía trị gia tăng.

Bên cạnh đó, bà Lê Thị Duyên Hải cũng cho rằng để hoàn thuế nhanh, sự hợp tác của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách pháp luật về thuế, hóa đơn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nói không với các hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không hợp pháp trong việc đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị hoàn thuế, rà soát, tập hợp các hóa đơn đầu vào, chứng từ thanh toán, các tờ khai hải quan, hợp đồng xuất khẩu trước khi nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra của cơ quan thuế; tránh hồ sơ chưa đáp ứng thủ tục gây ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận, giải quyết của cơ quan thuế.

“Trường hợp vướng mắc liên quan đến hồ sơ đề nghị hoàn thuế, doanh nghiệp chủ động, kịp thời liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn, giải đáp”, bà Lê Thị Duyên Hải nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy để việc hoàn thuế được thực hiện kịp thời, thực sự giúp ích hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì cũng cần có sự hợp tác, thấu hiểu giữa các bên liên quan. Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, cơ quan chức năng cần phân biệt rõ ai làm đúng và ai làm sai để có hướng xử lý phù hợp.

Trước đó, câu chuyện chậm hoàn thuế kéo dài đối với các doanh nghiệp ngành cao su, ngành gỗ cũng vì những vướng mắc nói trên.

Theo ông Thang Văn Thông, đại diện chi Hội Dăm gỗ Việt Nam, cơ quan thuế đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng cũng có những lý do riêng, tuy nhiên những lý do này chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay của doanh nghiệp.

Theo ông Thang Văn Thông, theo Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp chỉ truy xuất đến người phát sinh thuế. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan thuế đang yêu cầu truy xuất đến người trồng rừng. Do đó, thời gian xác minh rất dài. Chi cục Thuế địa phương cũng không có chức năng, quyền hạn đi xác minh việc này, nên nếu xác minh việc này phải nhờ đến đơn vị thứ 3 mà ở đây là cơ quan công an.

Như đại diện Công ty TNHH Tỷ Long cho biết, việc xác minh tới người dân rất khó cho doanh nghiệp. Công ty nộp hồ sơ hoàn thuế cách đây 2 năm, tới nay vẫn chưa được hoàn thuế do hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra. Hiện hồ sơ hoàn thuế này đã kéo dài 2 năm mà chưa xác minh xong. Mỗi ngày 2 cán bộ công an đi xác minh được 4 hộ gia đình trồng rừng, trong khi doanh nghiệp mua ở nhiều địa bàn từ rất nhiều hộ và cơ sở kinh doanh khác nhau, có thể từ hàng nghìn chủ rừng. Nếu đi xác minh đầy đủ có thể phải mất 5 năm.

Ông Thang Văn Thông cho rằng, cần phân biệt rõ ai làm đúng và ai làm sai. Doanh nghiệp làm không đúng thì pháp luật quản lý, giám sát họ. Còn các doanh nghiệp làm đúng thì cần tháo gỡ để họ kinh doanh tiếp. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách quản lý đúng, chặt để doanh nghiệp thực hiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục