Cần Thơ: 3 quận thực hiện Chỉ thị 16, nhiều loại thực phẩm khan hiếm

08:44' - 15/07/2021
BNEWS Thành phố Cần Thơ đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại 3 quận Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy; 6 quận, huyện còn lại giãn cách theo Chỉ thị 15.

Do 64/105 chợ đã đóng cửa, còn lại 49 chợ, 9 siêu thị và 126 cửa hàng tiện ích hoạt động, cộng thêm khó khăn trong lưu thông nên việc cung ứng hàng hóa cho nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố đã bị ảnh hưởng trong những ngày qua.
Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các chợ truyền thống trên địa bàn quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy đều tạm đóng cửa 33 chợ; các quận, huyện khác cũng đóng cửa 31 chợ tạm. Đối với các chợ còn hoạt động phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, nếu không phải tạm ngừng hoạt động.
Do Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có thành phố Cần Thơ đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, các địa phương áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát người, phương tiện ra vào khiến hoạt động cung ứng hàng hóa có lúc bị gián đoạn, mất nhiều thời gian hơn trước.
Anh N.C.V ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều cho biết, từ ngày 12/7, khi quận Ninh Kiều và quận Cái Răng giãn cách xã hội, hàng ngày anh phải dậy sớm để mua thực phẩm. Tuy nhiên, phải đi đến ba, bốn chỗ anh mới có thể mua đủ những thứ cần thiết như thịt, rau, trứng để gia đình sử dụng.
Theo anh V, có nơi thịt lợn, thịt bò nhiều nhưng lại không có rau xanh, còn chỗ có rau thì thịt, cá lại ít. Đặc biệt, trứng gia cầm hầu như rất hiếm chỗ có hàng hoặc khi được bổ sung lên kệ thì số lượng cũng rất ít, không đủ cho nhu cầu mua sắm của người dân.

Ai muốn mua được hàng phải đi sớm lúc siêu thị vừa mở cửa mới mong mua được những đồ cần thiết.
“Nếu muốn mua trứng trong những ngày này thì phải tìm trên mạng xã hội, hoặc nhờ người quen ở quê gửi lên chứ đi siêu thị mua rất khó. Hôm qua, tôi mua 20 trứng vịt của một người bán trên Facebook hết 80.000 đồng, tương đương 40.000 đồng/chục, trong khi những ngày trước giãn cách chỉ có 30.000 đồng/chục”, chị T ở phường An Bình, quận Ninh Kiều chia sẻ.
Nhân viên cửa hàng tiện lợi Satra trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Ninh Kiều cho biết, bình thường thịt lợn bán đến buổi tối vẫn còn, nhưng từ ngày 11/7 đến nay, chỉ khoảng 8 giờ sáng đã hết veo. Tương tự, rau xanh ở cửa hàng này mỗi ngày chỉ có số lượng ít, vừa lên kệ chốc lát là khách mua hết.
Theo bà La Ngọc Trương, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cần Thơ, trong ngày đầu giãn cách xã hội, lượng khách đến mua sắm tại siêu thị có giảm, tuy nhiên khách hàng cũng chuyển qua mua hàng online, lượng đơn đặt hàng tăng 500 – 600% so với trước đó.

Trước sự gia tăng đột biến này, siêu thị đã bố trí một nhóm nhân viên chuyên chịu trách nhiệm soạn hàng để kịp thời giao hàng cho khách đặt online.

“Siêu thị đã chuẩn bị tốt hàng hóa để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Hiện nay hàng hóa vẫn về kịp thời để phục vụ khách hàng”, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cần Thơ nói.
Theo bà Trương, mặc dù không đầy đủ tất cả các mặt hàng nhưng số lượng vẫn đảm bảo cho khách hàng đến mua sắm. Cụ thể, lượng hàng dự trữ của siêu thị Co.opmart Cần Thơ tăng 50% so với cùng kỳ.

Dự báo được tình hình nên siêu thị đã chuyển thêm hàng về dự trữ tại kho; đồng thời, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng chỉ đạo tăng cường cho các kho hàng, làm việc 24/24 giờ để vận chuyển hàng hóa cung ứng cho các siêu thị phục vụ kịp thời người dân.

Trước đó, khi chợ đầu mối Tân An ở quận Ninh Kiều được phong tỏa khi phát hiện một ca nghi ngờ mắc bệnh từ chiều ngày 10/7, do thiếu thông tin, lo sợ hàng hóa không đủ cung cấp nên nhiều người dân thành phố Cần Thơ đã đổ xô mua hàng dự trữ, làm thiếu hàng hóa cục bộ ở một số nơi.

Thông tin từ các siêu thị, cửa hàng tiện ích, lượng khách hàng trong những ngày qua tăng từ 100 – 200%. Về giá bán, hiện tại các doanh nghiệp vẫn cam kết thực hiện bình ổn giá.
Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ, việc tăng giá xuất hiện chủ yếu từ các chợ, tiểu thương nhỏ lẻ, gây tâm lý hoang mang cho người dân và làm tăng thêm tình trạng người dân đổ đi mua hàng tích trữ.

UBND thành phố Cần Thơ đã giao Cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Cần Thơ, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND quận, huyện triển khai các điểm bán hàng hóa bình ổn và đảm bảo phòng, chống dịch trên địa bàn.

Hiện nay đã triển khai được một điểm bán hàng thiết yếu tại Trung tâm Hội chợ triển lãm thành phố Cần Thơ. Các điểm bán hàng khác đang được UBND các quận, huyện lựa chọn, tham mưu, đề xuất.
Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cũng mong muốn người dân thành phố yên tâm, thực hiện theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố để bảo vệ sức khỏe của mình, không nên vì tâm lý hoang mang mà chen chúc đi mua hàng hóa khiến dịch bệnh lây lan.
Để hạn chế người dân tập trung đông người, không đảm bảo công tác phòng chống dịch, Sở Công Thương đã công bố thông tin 62 điểm bán bán hàng trực tuyến qua website, Facebook, Zalo và qua điện thoại trên toàn thành phố để người dân mua sắm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục