Cần Thơ: Khi đồng vốn chính sách sinh lợi

08:40' - 30/06/2021
BNEWS Nguồn vốn tín dụng chính sách; trong đó, có chính sách giảm nghèo của thành phố Cần Thơ đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,12% cuối năm 2015 xuống còn 0,29% vào cuối năm 2020.

Cùng với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách; trong đó, có chính sách giảm nghèo của thành phố đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,12% cuối năm 2015 xuống còn 0,29% vào cuối năm 2020.

*Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

Thuộc diện hộ nghèo vì thiếu đất sản xuất, thu nhập không ổn định từ việc làm thuê, gia đình chị Võ Thị Hồng Anh, ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ không biết khi nào thoát nghèo.

Thế nhưng nhờ sự vận động, hướng dẫn của Hội phụ nữ xã, phụ nữ ấp, năm 2015, chị Hồng Anh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền 10 triệu đồng để trồng hoa màu. Sau khi đồng vốn sinh lãi, nhận thấy trồng hoa màu thu nhập không cao, chị Hồng Anh mua hai con lợn về nuôi.

Thời điểm năm 2016, phong trào nuôi lợn thịt bán phát triển mạnh ở địa phương nhưng chị Hồng Anh lại chọn nuôi lợn nái. Lợn đẻ lứa nào chị cũng giữ lại để tăng đàn.

Nhờ đàn lợn phát triển khỏe mạnh, chị Hồng Anh bán lợn có vốn để mở rộng chuồng trại. Gia đình có nguồn thu nhập ổn định từ đàn lợn nên sau 2 năm vay vốn, năm 2017 gia đình chị Hồng Anh thoát nghèo.

Không dừng lại ở đó, chị Hồng Anh tiếp tục vay 45 triệu đồng tiếp tục đầu tư vào đàn lợn. Đến nay, gia đình chị Hồng Anh đã có đàn lợn 10 con.

"Vay ở Ngân hàng Chính sách Xã hội lãi suất thấp, không cần thế chấp nên không áp lực. Với giá lợn hai năm gần đây tăng cao nên tôi hy vọng gia đình sẽ thoát nghèo ổn định", chị Hồng Anh chia sẻ.

Thới Trường 1 và Thới Trường 2 là hai ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã Thới Xuân với phần đông là người đồng bào Khmer. Để hỗ trợ các hộ thoát nghèo, địa phương đã kết hợp nhiều hình thức: tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, giới thiệu vay vốn chính sách,...

Chị Danh Thị Kim Hường, Tổ trưởng tổ tiết kiệm Thới Trường 1 cho biết, trước đây phần lớn gia đình ở ấp thuộc diện hộ nghèo.

Phụ nữ ấp đều đăng ký vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình như: chăn nuôi lợn, trồng lúa, hoa màu.

Hiện nay, ấp không còn hộ nghèo, 42 hộ vay vốn đã thoát nghèo nhưng vẫn tiếp tục vay để ổn định kinh tế sau khi thoát nghèo.

Thời điểm năm 2016, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ được biết đến là xã nghèo nhất thành phố Cần Thơ, có hai ấp đặc biệt khó khăn là Thới Trường 1 và Thới Trường 2. Xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 27,98%, tương đương 505 hộ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thới Xuân Đỗ Xuân Phúc, trước đây, số hộ không có việc làm nhiều, phần lớn người dân chỉ làm thuê, làm mướn.

Sau này, địa phương phối hợp với các đơn vị đưa người dân đi lao động, dạy nghề, hỗ trợ vay vốn làm ăn nên đời sống người dân được nâng lên đáng kể về kinh tế và tinh thần.

Hộ nghèo, cận nghèo thường thiếu tư liệu sản xuất, đặc biệt là đất đai nên rất khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại do không có tài sản thế chấp. Hộ nghèo, cận nghèo chỉ có thể tiếp cận vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội vì không cần thế chấp và lãi suất vay thấp.

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã hỗ trợ trên 1.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã Thới Xuân tiếp cận nguồn vốn.

Sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Thới Xuân. Từ một xã nghèo nhất thành phố, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 28% (năm 2016) đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã Thới Xuân chỉ còn khoảng 0,2%.

*Kịp thời đồng hành cùng người nghèo

Giai đoạn 2015 - 2020, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cờ Đỏ cho 5.668 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay với số tiền 114,84 tỷ đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần cùng với các chính sách giảm nghèo của địa phương kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 9,48% tại thời điểm cuối năm 2015, đến đầu năm 2021 chỉ còn 0,3%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 5,38% tại thời điểm cuối năm 2015, đến đầu năm 2021 chỉ còn 2,28%.

Ông Đỗ Minh Đức, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cờ Đỏ cho biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn.

Khi hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn thì được Tổ tiết kiệm và vay vốn nơi hộ vay sinh sống hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, tổ chức bình xét cho vay vốn và hoàn chỉnh hồ sơ gửi Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Hàng tháng, Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức giao dịch tại UBND xã để giải ngân vốn vay, thu nợ, thu lãi của hộ vay, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và giảm thiểu rủi ro cho người dân khi đến giao dịch với ngân hàng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội luôn thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, công khai đầy đủ, kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi, quy trình thủ tục cho vay và kết quả thực hiện tín dụng chính sách tại UBND xã để người dân biết, thực hiện và giám sát.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Cần Thơ, từ năm 2015 đến nay, đơn vị này đã giải ngân cho 159.891 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách với tổng số tiền 3.942 tỷ đồng.

Trong số đó, đã giải ngân cho 9.426 lượt hộ nghèo với số tiền trên 319 tỷ đồng và 15.005 lượt hộ cận nghèo với số tiền 374 tỷ đồng.

Nguồn vốn chính sách cho vay nhà ở hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 với số tiền 8,5 tỷ đồng cho 341 hộ vay vốn, cho vay hộ dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 2085/2016/QĐ-TTg phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 với số tiền 5,2 tỷ đồng cho 148 hộ vay vốn.

Theo ông Lăng Chánh Huệ Thảo, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Cần Thơ, nguồn vốn tín dụng chính sách đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả được nhân rộng như: Câu lạc bộ bánh dân gian ở quận Ninh Kiều; trồng sen ở quận Ô Môn; nuôi bò ở quận Thốt Nốt; ươm cá giống ở huyện Thới Lai; trồng cam ở huyện Phong Điền; trồng hoa kiểng ở quận Bình Thủy; nuôi dê sinh sản ở huyện Vĩnh Thạnh; tổ phun thuốc, phun phân bằng máy công nghiệp ở huyện Cờ Đỏ; trồng cam sành ở quận Cái Răng,…

Hàng năm, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Cần Thơ phối hợp với địa phương, các tổ chức hội nhận ủy thác rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng.

Ngay sau khi nhận được nguồn vốn từ Trung ương, Chi nhánh tham mưu Hội đồng quản trị thành phố phân bổ cho các quận, huyện để tổ chức bình xét cho vay, giải ngân kịp thời.

Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Cần Thơ đã hoàn thành cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn theo quy định.

Trong thời điểm dịch bệnh, để hỗ trợ người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19, Chi nhánh đã tập trung giải ngân nhanh các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu đã được phân bổ để tạo điều kiện cho bà con có vốn để sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, để kịp thời giải quyết khó khăn cho các hộ vay vốn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chưa có khả năng trả nợ khi đến hạn, từ đầu năm đến nay, Chi nhánh đã thực hiện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 1.331 lượt hộ, với tổng dư nợ là 28 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục