Vốn tín dụng chính sách xã hội giúp hộ nghèo thay đổi tập quán sản xuất

07:32' - 19/11/2020
BNEWS Từ năm 2015 đến hết năm 2019, với số tiền gần 280 tỷ đồng, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã cho vay tự tạo việc làm tại chỗ gần 8.000 hộ, giải quyết việc làm cho hơn 8.500 lao động.

Vay vốn tín dụng xã hội với thủ tục đơn giản, không phải thế chấp, lãi suất ưu đãi có thể giúp các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận chính sách của nhà nước; trực tiếp hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giúp các hộ nghèo thay đổi tập quán sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Đây cũng là chính sách mà tỉnh Vĩnh Phúc tích cực triển khai trong những năm gần đây và đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Đột phá từ chính sách và triển khai

Triển khai sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, những năm qua, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có những đột phá mới trong hoạt động tín dụng chính sách, từ tư duy, chính sách đến phương thức triển khai.

Ngày 26/6/2015, Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Thông tư số 32-TT/TU, khẳng định tín dụng chính sách là một nhiệm vụ trong chương trình kế hoạch của cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị. Các cấp ủy, chính quyền Vĩnh Phúc đều nhận thức rõ vai trò, vị trí của tín dụng chính sách đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Bước chuyển quan trọng trong nhận thức này đã tạo thành hiệu ứng dây chuyền - mang tính liên kết và cộng hưởng trong các hoạt động khơi thông, cũng như tăng lực cho việc thực thi tín dụng chính sách của tỉnh.

Tín dụng chính sách không còn là câu chuyện riêng của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), mà đã trở thành vấn đề chung để không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển mạnh mẽ của tỉnh.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc đã thành lập Hội đồng quản lý Quỹ giải quyết việc làm và Hội đồng quản lý nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của tỉnh, là đơn vị trực tiếp giải quyết các vấn đề về tín dụng chính sách. Thông qua NHCSXH, tỉnh cấp bổ sung vào Quỹ giải quyết việc làm trên 30 tỷ đồng mỗi năm. Đến nay, tổng nguồn vốn UBND Tỉnh ủy thác qua NHCSXH đạt gần 289 tỷ đồng.

Nguồn vốn này đã được giải ngân vào những công việc thiết thực. Từ năm 2015 đến hết năm 2019, với số tiền gần 280 tỷ đồng, toàn tỉnh đã cho vay tự tạo việc làm tại chỗ gần 8.000 hộ, giải quyết việc làm cho hơn 8.500 lao động; gần 72 tỷ đồng cho trên 1.100 hộ vay xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động.

Mặt trận Tổ quốc Tỉnh đã chủ động hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên, NHCSXH, các tổ vay vốn tổ chức cho các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, học sinh nghèo đi học, đào tạo nghề...

Các đơn vị cũng phối hợp tổ chức thẩm định, rà soát các hộ nghèo khó khăn về nhà ở để hỗ trợ vay vốn xây dựng, sửa chữa. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 1.121 hộ nghèo, trong đó, có 881 nhà được xây dựng từ nguồn vận động hỗ trợ.

Việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở kịp thời đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Để giúp các hộ nghèo sử dụng đồng vốn có hiệu quả, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho trên 10.000 lượt hộ nông dân về kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật sản xuất, tạo điều kiện để hội viên sử dụng vốn vay hiệu quả nhất.

Cùng với dư nợ tăng từ 658 tỷ đồng cuối năm 2014 lên 890 tỷ vào giữa năm 2019, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 29 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó trên 10 nghìn hộ đã thoát khỏi ngưỡng nghèo, cận nghèo.

Lựa chọn từng nguồn vốn tín dụng phù hợp, các tổ chức Hội dần hướng hội viên bước sâu vào chuỗi kinh tế hàng hóa với những giá trị gia tăng cao hơn. Như Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tập trung vào mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hộ gia đình (vườn, ao, chuồng, trồng rừng) tùy theo thế mạnh, đặc điểm ở từng vùng, từng địa phương.

Chỉ tính riêng nguồn vốn giải quyết việc làm trên 5 tỷ đồng nhận ủy thác từ NHCSXH, Hội đã tư vấn đầu tư cho 102 dự án, mô hình kinh tế, phát triển chăn nuôi. Các dự án đều có hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho trên 1.600 lao động.

Để tập hợp các mô hình kinh tế liên kết trong sản xuất kinh doanh, các Câu lạc bộ CCB-cựu quân nhân làm kinh tế đã được thành lập. Trong 93 Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi đã có gần 2.000 thành viên tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt trong phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, nhằm mục đích gắn kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau về ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ nguồn vốn, đầu tư sản xuất, tìm kiếm thị trường… giúp hội viên nghèo về cây, con giống, vốn, cách thức trồng trọt, chăn nuôi.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều thành viên Hội CCB phát triển và duy trì những làng nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh, Bình Dương; rèn ở Lý Nhân; mộc ở Thị trấn Thanh Lãng, Thị trấn Yên Lạc, An Tường; trồng, kinh doanh cây cảnh ở Triệu Đề, góp phần đưa số hội viên CCB có mức thu nhập khá, giàu đạt trên 68%; số hộ nghèo chỉ còn 0,86%; số hộ cận nghèo còn 1,14%...

Tạo nên sức sống mới cho một chính sách thiết thực, nhân văn

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, tín dụng chính sách của toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt những bước phát triển tích cực, tạo nên sức sống mới cho một chính sách thiết thực và đầy tính nhân văn. Tính đến giữa năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 2.512 tỷ đồng. Trên 80.500 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng này.

Tăng trưởng tín dụng của NHCSXH trong 5 năm qua đạt 696 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 7,67%. Toàn tỉnh đã có 178.000 lượt hộ nghèo, hộ đã thoát nghèo được sử dụng vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất và tạo điều kiện cho con em đi học. Doanh số cho vay hiện đạt trên 1.100 tỷ đồng với hơn 56.227 lượt khách hàng vay vốn.

Trong đó, có 18.226 hộ nghèo, 16.232 hộ cận nghèo, 8.567 hộ mới thoát nghèo và hàng nghìn hộ được giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Tín dụng chính sách thực sự trở thành “chiếc phao cứu sinh” đối với nhiều hộ gia đình, giúp hàng chục nghìn hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu, thực sự là một điểm sáng trong chính sách giảm nghèo của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 1,0-1,5%/năm; đến hết năm 2019, tỷ lệ này giảm còn 1,46%.

Nguồn vốn tín dụng đến đúng người, được sử dụng đúng cách đã góp phần cải thiện, thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh. Tháng 11/2020 vừa qua, Vĩnh Phúc trở thành một trong 9 tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhìn về tương lai, việc thực hiện Chỉ thị 40 của Vĩnh Phúc hứa hẹn những bứt phá mới trong việc thực thi tín dụng chính sách xã hội. Điều này thể hiện từ quan điểm mới trong triển khai Chỉ thị 40 của Tỉnh với yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương phải nhận thức và xác định tín dụng chính sách xã hội là trụ cột và là một giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Cùng với đó, các tổ chức và doanh nghiệp tỉnh cũng cam kết dành nguồn vốn thích đáng, từ 100-150 tỷ đồng/năm ủy thác cho vay qua NHCSXH để tiếp tục góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đưa Vĩnh Phúc vững chắc đi lên trên con đường phát triển, đổi mới./.

>>Mở rộng tín dụng tiêu dùng cho hộ nghèo đẩy lùi tín dụng đen

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục