Cần Thơ sắp có chợ phiên "Ẩm thực Nam bộ"

18:07' - 03/05/2017
BNEWS Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Thương mại Cần Thơ cùng các đơn vị liên quan triển khai mô hình chợ phiên "Ẩm thực Nam bộ".

Việc này nhằm tạo điểm nhấn du lịch, văn hóa cho thành phố, đồng thời quảng bá đặc sản nông sản sạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Văn Tâm đã chỉ đạo như vậy tại cuộc họp đánh giá kết quả Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần VI năm 2017, tổ chức ngày 3/5.

Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần VI năm 2017 đạt kết quả khả quan, thu hút đông khách đến tham quan, thưởng lãm. Các nghệ nhân làm bánh dân gian bày tỏ mong muốn có các hoạt động xây dựng không gian ẩm thực mang tính chuyên nghiệp, dài hơi.

Trên cơ sở đó, thành phố xúc tiến sớm thành lập các khu chợ phiên "Ẩm thực Nam bộ" vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, tại các địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch như: Bến Ninh Kiều, Nhà lồng chợ cổ, Chợ đêm....

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Văn Tâm nhấn mạnh: Yếu tố kinh doanh thu lợi nhuận phải được đặt hài hòa, thậm chí dưới mục tiêu quảng bá ẩm thực, nông sản địa phương. Các mặt hàng tại chợ phiên sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng và giá cả. Các nghệ nhân chế biến món ăn phải có giấy phép chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giá cả được niêm yết công khai và thống nhất trong toàn khu. Tiêu chí của Ban tổ chức đề ra là sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ, vì thế sẽ hạn chế sự trùng lắp trong cung cấp sản phẩm giữa các gian hàng.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam bộ Nhâm Hùng lưu ý các nhà cung cấp, các nghệ nhân cần liên tục đổi mới, sáng tạo để cho ra đời các sản phẩm độc đáo, đa dạng nhằm thu hút người tiêu dùng.

Lễ hội bánh vừa qua cho thấy, các sản phẩm sáng tạo như bánh mãng cầu, bánh xèo gấc, xôi vị không dùng thuốc bắc... là tâm điểm của sự chọn lựa, khiến du khách thích thú, người bán có doanh thu tốt. Các ngành chức năng hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần hỗ trợ nông dân, nghệ nhân ẩm thực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, nâng cao giá trị thành phẩm.

Một trong những giải pháp đó là cần "kể câu chuyện văn hóa" trong sản phẩm; nghĩa là du khách không chỉ được thưởng thức đồ ăn mà còn được nghe kể về những giai thoại xung quanh món ăn ấy, cách thức chế biến cũng như lịch sử ra đời, phát triển của nó.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục