Cần Thơ tận dụng lợi thế thu hút các nhà đầu tư lớn

20:46' - 04/07/2024
BNEWS Thành phố Cần Thơ đặt mục tiêu huy động từ xã hội mỗi năm khoảng 37 nghìn tỷ đồng. Muốn thành công thành phố phải thu hút từ các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có nguồn lực tài chính, có kinh nghiệm.

Phát biểu tại phiên chất vấn chiều ngày 4/7 tại kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Để phát triển, thành phố Cần Thơ cần nhiều nguồn lực; trong đó, trước hết là nguồn lực nội tại từ thành phố, sau đó là nguồn lực từ Trung ương, nguồn đầu tư nước ngoài, nguồn đầu tư doanh nghiệp ngoài ngân sách…

 

Thành phố Cần Thơ có vị trí nằm ở trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có sân bay quốc tế, có cảng biển, có hệ thống y tế, giáo dục phát triển rất mạnh.

Bên cạnh đó thành phố còn được Trung ương quan tâm ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo động lực cho thành phố Cần Thơ phát triển như Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ… Đây là những lợi thế rất thuận lợi để thành phố vận dụng phát triển.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, thành phố chưa vận dụng hết các lợi thế, tiềm năng phát triển, hiệu quả chưa cao. Tình hình thu hút đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt rất thấp.

Theo ông Dương Tấn Hiển, nguyên nhân chủ yếu là do hạ tầng kỹ thuật phát triển chưa đồng bộ, nhất là lĩnh vực giao thông. Trước đây, khi đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ chưa hoàn thành, việc di chuyển từ thành phố Hồ chí Minh về Cần Thơ còn mất rất nhiều thời gian.

Hiện nay, hệ thống hạ tầng đã được Trung ương quan tâm đầu tư và đang dần hoàn thiện hệ thống các đường cao tốc như: cao tốc Bắc - Nam đi qua thành phố Cần Thơ, và trục ngang cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng. Ngoài ra, thành phố Cần Thơ cũng đang triển khai xây dựng nhiều tuyến đường kết nối giao thông từng bước tạo điều kiện giao thông thông suốt, thuận lợi trong và ngoài thành phố.

Đối với thành phố Cần Thơ, để thực hiện chiến lược phát triển trước tiên đó là công tác quy hoạch. Vấn đề này hiện nay thành phố đã thực hiện xong "Quy hoạch phát triển thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thành phố Cần Thơ hiện đang tiếp tục triển khai hoàn chỉnh các quy hoạch chi tiết của thành phố, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất.

Theo ông Hiển, thành phố Cần Thơ mỗi năm thu ngân sách nội địa chỉ đạt trên dưới 11 nghìn tỷ đồng do đó tình hình đầu tư thời gian qua là rất khó. Thành phố đặt ra kế hoạch hàng năm là phải huy động từ xã hội mỗi năm khoảng 37 nghìn tỷ đồng. Muốn thành công thành phố cần phải thu hút từ các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có nguồn lực tài chính, có kinh nghiệm.

Về giải pháp thu hút đầu tư, ông Dương Tấn Hiển cho biết UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung thực hiện quy hoạch và công khai quy hoạch để các nhà đầu tư biết, quan tâm.

Cùng đó, tạo được quỹ đất sạch, vì vậy công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải thực hiện nhanh và hiệu quả. Thành phố cần có nguồn nhân lực, lao động mà đây là lợi thế của thành phố Cần Thơ do trên địa bàn có nhiều trường đại học, trường cao đẵng dạy nghề đáp ứng được nhu cầu lao động để thu hút đầu tư.

Mặt khác, thành phố Cần Thơ đẩy mạnh cải cách hành chính để đáp ứng yêu cầu các nhà đầu tư mà lĩnh vực này đang được thành phố tập trung triển khai thực hiện. Ngoài ra, các vấn đề về môi trường, đảm bảo an ninh trật tự mà việc này thành phố đang có lợi thế vì tình hình an ninh trật tự trên địa bàn từ trước đến nay rất tốt…

Theo báo cáo của UBND thành phố Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 875 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 8.300 tỷ đồng, đạt 48,6% kế hoạch về số doanh nghiệp và đạt 63,8% kế hoạch vốn, tương đương về số lượng doanh nghiệp và tăng 44,5% về vốn so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, có 700 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 42,3% so với cùng kỳ; 105 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, tăng 38,2% so với cùng kỳ; đồng thời có 300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 27,7% so với cùng kỳ.

Tại các khu công nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, đã điều chỉnh 3 dự án đăng ký tăng vốn 19,46 triệu USD. Đưa các khu công nghiệp trên địa bàn đến nay có 256 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1,93 tỷ USD, vốn đầu tư đã thực hiện là 1,212 tỷ USD. Doanh thu các doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện 1,28 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Tổng số lao động đang làm việc là 42.631 lao động, tăng 1.510 lao động so với cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay, thành phố có 3 dự án đầu tư trong nước đăng ký mới với vốn đăng ký trên 727 tỷ đồng, nâng tổng số dự án được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đang triển khai thực hiện là 93 dự án, tổng diện tích sử dụng đất là 1.910 ha.

Trong 6 tháng đầu năm, thành phố chỉ cấp mới 1 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký là 150.000 USD và chấm dứt hợp đồng 1 dự án với vốn đăng kỳ là 150.000 USD. Đến nay, thành phố có 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng kỳ là khoảng 2.274,9 triệu USD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục