Cần thực hiện 3 khâu đột phá cho tăng trưởng kinh tế

20:13' - 01/06/2023
BNEWS Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia Kinh tế, Giảng viên Trường Đại học FPT Cần Thơ cho rằng, những yếu kém bên trong của nền kinh tế Việt Nam là do 3 năm chịu sự tác động nặng nề của COVID-19.

Qua theo dõi các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023, Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia Kinh tế, Giảng viên Trường Đại học FPT Cần Thơ cho rằng, những yếu kém bên trong của nền kinh tế Việt Nam là do 3 năm chịu sự tác động nặng nề của COVID-19.

Theo Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp, có 3 điểm nghẽn lớn là sụt giảm đầu tư do tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn rất chậm. Số liệu giải ngân 4 tháng đầu năm đạt chưa tới 15% kế hoạch, so với năm 2022 thấp hơn 18,48%.

Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước 5 tháng theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đạt 25,5% kế hoạch, trong khi đã gần nửa năm 2023.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài từ vốn đăng ký đến nguồn vốn thực hiện đều giảm. Khu vực đầu tư tư nhân cũng giảm sút. Do đầu tư giảm nên tác động, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng, GRDP trong quý 1 đạt thấp nhất trong vòng 13 năm qua.

Điểm nghẽn thứ hai là xuất khẩu gặp khó khăn. Ngoại trừ một số mặt hàng như gạo, trái cây… có mức tăng trưởng, nhiều ngành hàng chủ lực như giày da, dệt may… giảm sút.

Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 5 tháng cả nước giảm gần 18% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù xuất siêu cả nước 5 tháng tăng 9,8 tỷ USD nhưng những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều giảm.

Điểm nghẽn thứ ba là hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn. Số doanh nghiệp đăng ký mới giảm so với cùng kỳ, đặc biệt là số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng tới hơn 22% so với cùng kỳ. Những số liệu trên cho thấy, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do mất đơn hàng, mất thị trường xuất khẩu… dẫn đến một số công nhân phải ngưng việc, nghỉ việc. Việc các doanh nghiệp phải giải quyết hàng loạt chính sách cho công nhân lao động càng làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn.

Từ 3 điểm nghẽn trên, nhìn lại các chính sách, quyết sách của Quốc hội tại kỳ họp trước cũng như việc triển khai thực hiện của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp ghi nhận những quyết sách rất đúng đắn. Tuy nhiên, các chính sách này đang bộc lộ những điểm yếu.

 

Điểm yếu lớn nhất là độ trễ của chính sách so với các quyết sách. Các chính sách đến được các đối tượng còn quá chậm. Cụ thể như, tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm hiện nay đã gây lãng phí rất lớn nguồn vốn bởi trong khi các doanh nghiệp đang khát vốn thì nguồn vốn đầu tư công khoảng 1 triệu tỷ đồng vẫn đang nằm trong ngân hàng.

Về đề xuất, kiến nghị các giải pháp, Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp đồng ý với đề xuất của các đại biểu Quốc hội. Đó là cần tiếp tục có một chương trình hỗ trợ phát triển phục hồi kinh tế, trong đó trọng tâm là 3 trọng tâm của tăng trưởng.

Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp đề xuất 3 giải pháp cho 3 động lực tăng trưởng kinh tế. Đó là động lực về giải ngân nguồn vốn đầu tư công; phục hồi doanh nghiệp và tăng cường liên kết giữa các địa phương, tiếp cận đa ngành, phối hợp liên ngành.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - Cần Thơ đánh giá, sau khi dịch COVID-19 tạm lắng, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên cả nước đều bị suy giảm.

Chính phủ đã ban hành kịp thời các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để giảm bớt khó khăn. Đặc biệt, đối với Nghị quyết 43 của Quốc hội về giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp chính là giảm chi phí cho người tiêu dùng, góp phần kích cầu tiêu dùng. Qua đó nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng; đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn, động lực để sản xuất kinh doanh trong lúc khó khăn.

Theo ông Phạm Thái Bình, không riêng gì Việt Nam mà ngay cả các quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới cũng bị suy giảm kinh tế rất nặng nề. Đặc biệt, do ảnh hưởng của COVID-19, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng do chiến tranh Nga-Ucraina, việc thay đổi khí hậu một cách cực đoan… dẫn đến tiêu thụ hàng hóa giảm, giảm các đơn hàng xuất khẩu của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, lãi suất cho vay của ngân hàng lại tăng rất cao. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm lãi suất, nhưng các ngân hàng thực hiện rất chậm. Doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cho các bộ, ngành, các cơ quan chức năng thực thi các cơ chế chính sách của Chính phủ một cách nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả để cơ chế chính sách thật sự đi vào cuộc sống…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục