Canada bảo toàn được mức xếp hạng “vàng” AAA của S&P

10:08' - 23/07/2020
BNEWS Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s ngày 22/7 đã xác nhận lại mức xếp hạng cao nhất AAA dành cho Canada.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s ngày 22/7 đã xác nhận lại mức xếp hạng cao nhất AAA dành cho Canada, nhưng cảnh báo hãng có thể hạ mức xếp hạng nếu Chính phủ Canada không hành động để kiềm chế thâm hụt ngân sách gia tăng.

S&P cũng đánh giá mức xếp hạng này có triển vọng ổn định, khi nền kinh tế thịnh vượng, có mức độ đa dạng hóa cao, vùng đệm tiền tệ và tài khóa vững vàng, sẽ giúp Canada ứng phó được với những tác động tiêu cực do những biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế.

Trước khi có đại dịch, tình hình tài chính công của Canada trong thể trạng tốt, tạo điều kiện để Ottawa đưa ra những biện pháp ứng phó mạnh mẽ. Chỉ trong vài tháng trở lại đây, Chính phủ Canada đã triển khai các chương trình trị giá hàng trăm tỷ CAD để hỗ trợ người lao động, các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Cách đây hai tuần, Chính phủ Canada trong báo cáo cập nhật tình hình tài chính đã ước tính thâm hụt ngân sách của nước này trong tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/2021 đứng ở mức 343 tỷ CAD (255,8 tỷ USD), cao gấp 10 lần mức thâm hụt của tài khóa trước. Nợ của chính phủ liên bang vượt lên trên mốc 1.000 tỷ CAD, đưa tỷ lệ nợ/GDP lên xấp xỉ 50%, so với mức trên 30% trước đó.

S&P lạc quan dự báo những chương trình hành động của chính phủ nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ giúp nền kinh tế Canada phục hồi trong năm 2021 và thu hẹp được mức thâm hụt ngân sách. S&P tin tưởng rằng tình trạng thâm hụt ngân sách sẽ có bước cải thiện đáng kể vào năm 2022 và 2023.

Trong khi đó, theo Ngân hàng trung ương Canada, nhìn chung người tiêu dùng hiện nay đều thận trọng do phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, những tác động của đại dịch đối với nền kinh tế và các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, mua sắm ít hơn, hủy bỏ hoặc trì hoãn việc mua những món hàng giá trị lớn, giảm mức chi tiêu so với thời điểm trước đại dịch.

Còn các doanh nghiệp cho rằng mặc dù công suất sản xuất có thể được khôi phục nhanh khi nền kinh tế mở cửa trở lại và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được dỡ bỏ, nhưng nhu cầu sẽ phục hồi từng bước. Các doanh nghiệp nhìn chung đều không chắc chắn về nhu cầu trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục