Canada: Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "bỏ quên" các nhà xuất khẩu?

14:02' - 11/12/2022
BNEWS Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Chính phủ Canada công bố gần đây tuy được giới quan sát đánh giá cao, song một số doanh nghiệp đã chỉ trích chiến lược này "bỏ quên" các nhà xuất khẩu Canada.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Chính phủ Canada công bố gần đây tuy được giới quan sát đánh giá cao, song một số doanh nghiệp đã chỉ trích chiến lược này "bỏ quên" các nhà xuất khẩu Canada.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đưa ra một khuôn khổ toàn diện với các mục tiêu rõ ràng và các cam kết tài chính tương ứng. Chiến lược cũng đưa ra những lý lẽ thuyết phục giải thích lý do tại sao Canada, một quốc gia Thái Bình Dương, phải ưu tiên và theo đuổi các lợi ích sống còn của mình trong khu vực.

"Lỗ hổng" lớn nhất của chiến lược liên quan đến việc thiếu chú trọng vào cơ sở hạ tầng trong nước để đảm bảo các nhà xuất khẩu Canada có thể đưa hàng hóa của họ ra thị trường. Các cam kết lớn nhất về cơ sở hạ tầng trong Chiến lược giới hạn ở các khoản đầu tư mới tại các quốc gia mà Canada hy vọng sẽ bán được hàng.

Có những lý do khiến Canada nên hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Trước hết, các nhà xuất khẩu của Canada sẽ không gặt hái được nhiều thành công nếu các thị trường mà họ nhắm đến thiếu khả năng đáp ứng khối lượng thương mại cao hơn.

Thứ hai, một số dự án có thể được quản lý bởi các công ty xây dựng và kỹ thuật tầm cỡ thế giới của Canada.

Nhưng Ottawa cũng phải tăng cường khả năng phục hồi, độ tin cậy và năng lực của cơ sở hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu tại Canada. Trong lĩnh vực này, Chiến lược trên hầu như không đề cập đến, ngoài việc cho biết một số dự án cơ sở hạ tầng - cảng, đường bộ và kết nối đường sắt - có thể nhận được tiền từ Quỹ Hành lang Thương mại Quốc gia.

Cảng container ở Tsawwassen, British Columbia, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN
Đáng chú ý, Chiến lược không đề cập đến việc phê duyệt nhanh các dự án cần thiết để hỗ trợ xuất khẩu năng lượng. Hồi tháng 9/2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Trudeau đã ký một tuyên bố chung với cam kết “xây dựng chuỗi giá trị ở Canada và Hàn Quốc để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng”. Ngoài ra, Chính phủ Canada cũng đã công bố Kế hoạch hành động Canada-Nhật Bản, trong đó nêu bật tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng năng lượng.
 

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mặc dù nêu rõ Canada sẽ “mở rộng quan hệ trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên” với các quốc gia ưu tiên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng cam kết tài chính cho mục tiêu này chỉ là 13,5 triệu CAD trong 5 năm, so với tổng cam kết của Chiến lược là 2,3 tỷ CAD.

Ông Goldy Hyder, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Canada, bày tỏ thất vọng khi Chiến lược không đề cập đến khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Canada. Trong khi đó, phát biểu tại Washington hồi đầu tháng 10/2022, Phó Thủ tướng Chrystia Freeland đã xác định LNG là “nhiên liệu chuyển tiếp quan trọng” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ngoại trưởng Melanie Joly cũng nhấn mạnh về LNG trong chuyến thăm gần đây của bà tới Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo ông Goldy Hyder, chiến lược này cũng không chú trọng tới vấn đề năng lượng hạt nhân. Canada là một quốc gia rất mạnh về năng lượng hạt nhân và là nhà xuất khẩu uranium lớn trên toàn cầu. Với nhu cầu năng lượng hạt nhân phục hồi ở châu Á, đây là một lĩnh vực mà Canada có thể cung cấp các giải pháp sáng tạo để giúp các đối tác khử carbon trong nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục