Canada cung cấp kali cho Nigeria thay thế Nga

07:49' - 04/05/2022
BNEWS Nigeria đã phải mua khẩn cấp kali từ Canada trong tháng Tư sau khi nước này không thể nhập khẩu từ Nga do tác động của các lệnh trừng phạt phương Tây đang áp đặt.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ông Uche Orji, người đứng đầu Cơ quan Đầu tư  Nigeria (NSIA), cho biết do phía Nga “không thể giao hàng nên chúng tôi đã mua giao ngay của các doanh nghiệp ở Canada. Cao ủy Canada tại Nigeria đã giúp kết nối với các nhà sản xuất".

 
NSIA đàm phán nhập khẩu các nguyên liệu phân bón thô như kali như một phần trong chương trình của Chính phủ Nigeria nhằm phát triển năng lực sản xuất phân bón hỗn hợp. Hiện Nigeria cho biết có đủ kali trong kho để đáp ứng 40% nhu cầu sản xuất. Nước này đã mua 3 lô hàng kali của Canada và sẽ được giao trong tháng tới so với 5 chuyến hàng từ Nga mỗi năm như thường lệ.

Theo Hiệp hội Phân bón địa phương FEPSAN, Nigeria đã nhập khẩu khoảng 200.000 tấn kali vào năm 2021 để sản xuất phân bón. Nguyên liệu thô nhập khẩu chỉ đáp ứng dưới 40% nhu cầu của nước này, phần còn lại được cung cấp trong nước và sản lượng phân bón nội địa là 1,5 triệu tấn vào năm ngoái, gần bằng mức tiêu thụ nội địa.

NSIA không tiết lộ về giá nhập khẩu, nhưng theo cơ quan định giá hàng hóa Argus Media, giá giao hàng hiện nay tới quốc gia Tây Phi này đã tăng hơn 250% so với năm ngoái, giáng một đòn mạnh vào nền tài chính của đất nước. Giá kali đã tăng từ năm ngoái sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với Belarus, nhà sản xuất kali lớn thứ ba thế giới sau Nga và Canada.

Belarus và Nga hiện chiếm 38% nguồn cung cấp kali toàn cầu. Argus Media cho biết giá mặt hàng kali tăng vọt vào đầu tháng Ba sau các lệnh trừng phạt tài chính đối với Nga, lên mức kỷ lục 1.125 USD/tấn vào cuối tháng Tư đối với các đơn hàng giao đến Nam Phi.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết cuộc xung đột tại Ukraine đã gây ra một "cú sốc tiêu cực lớn" cho khu vực châu Phi phía Nam  Sahara, khiến giá lương thực và năng lượng tăng cao và những người dễ bị tổn thương nhất có nguy cơ bị thiếu lương thực. Áp lực tăng thêm khi nhiều quốc gia vẫn đang ứng phó với đại dịch COVID-19 đang kéo dài./.

>>Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia làm “nóng” thị trường dầu thực vật

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục