Canada là nước kém nhất trong G7 về cắt giảm khí thải

15:44' - 26/11/2021
BNEWS Canada "đã trở thành nước kém nhất trong G7" về cắt giảm khí thải kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 2015.

Ngày 25/11, Ủy viên phụ trách về Môi trường và Phát triển bền vững Canada thuộc Cơ quan Tổng kiểm toán Canada Jerry DeMarco cho biết Canada chưa thể cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và được xếp là nước "kém nhất" trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về hoạt động cắt giảm này. 

Báo cáo của ông Jerry DeMarco đưa ra kết luận rằng lượng khí thải của nước này đã tăng hơn 20% kể từ năm 1999.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Jerry DeMarco cho biết Canada "đã trở thành nước kém nhất trong G7" về cắt giảm khí thải kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 2015.

Ông cũng hối thúc Chính phủ Canada “cần hành động để đạt kết quả thay vì đặt ra thêm mục tiêu và kế hoạch” nhằm tránh “tiếp tục đi từ thất bại này sang thất bại khác”.

Ông DeMarco đã nêu một ví dụ cụ thể về một quỹ của Chính phủ Canada nhằm giúp ngành dầu khí nước này cắt giảm khí thải CO2. Tuy nhiên, khoảng 40 dự án được quỹ này tài trợ, lại giúp các công ty dầu khí tăng sản suất và dẫn tới lượng khí thải gia tăng.

Ông cho biết các báo cáo của hàng chục bộ ngành trong chính phủ về phát triển bền vững cũng khá sơ sài khi không báo cáo kết quả thu được từ gần một nửa hoạt động phát triển bền vững.

Bộ trưởng Môi trường Steven Guilbeult hoan nghênh báo cáo của Ủy viên Môi trường và Phát triển bền vững thuộc Cơ quan Tổng kiểm toán Canada Jerry DeMarco nhưng nói rằng báo cáo trên không tính đến hơn 100 biện pháp mà Chính phủ Canada triển khai gần đây, trong đó có tăng cường làm sạch môi trường sống, đề ra giới hạn phát thải dầu khí và đẩy mạnh bán xe điện....

Ngoài ra, Chính phủ Canada dự kiến sẽ tăng thuế carbon lên 170 CAD/tấn vào năm 2030.

Ông DeMarco cho biết ông đã xem xét những cam kết mà Chính phủ Canada đã đưa ra năm nay song lưu ý rằng Ottawa vẫn chưa công bố kế hoạch khí hậu được cập nhật khi dữ liệu phát thải gần nhất của nước này là của năm 2019.

Theo ông, Chính phủ Canada cũng cần nhắm mục tiêu vào những ngành công nghiệp có lượng phát thải cao để đưa nước này trở lại lộ trình đạt được mục tiêu vào năm 2030 cắt giảm khí thải từ 40-45% từ mức của năm 2005.

Canada dù chỉ gây ra 1,6% lượng phát thải toàn cầu, song lại nằm trong số 10 nước phát thải lớn nhất thế giới và một trong những nước có lượng phát thải cao nhất tính theo đầu người.

Canada cũng là nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn thứ 4 trên thế giới. Cơ quan quản lý năng lượng của Canada dự báo tiêu thụ nội địa giảm, song sản xuất nhiên liệu hóa thạch của nước này sẽ tăng để phục vụ xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục