Canada sẽ giảm 40-45% lượng khí thải cao hơn cam kết trong Thỏa thuận Paris

11:05' - 24/04/2021
BNEWS Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, trong vòng một thập kỷ tới, nước này có kế hoạch cắt giảm 40-45% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, so với mức của năm 2005. 

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, mục tiêu mới trên được ông Trudeau công bố tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quy tụ 40 nhà lãnh đạo thế giới do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì dưới hình thức trực tuyến. 

Mục tiêu này cao hơn tới một phần ba so với mức giảm 30% mà Canada cam kết lần đầu tiên trong khuôn khổ của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. "Chúng ta phải hành động ngay bây giờ vì không có vaccine chống lại một hành tinh bị ô nhiễm", ông Trudeau kêu gọi tại hội nghị.

Chính phủ liên bang Canada hiện vẫn chưa tiết lộ các chính sách để quốc gia Bắc Mỹ này đạt được mục tiêu tham vọng trên, nhưng Bộ trưởng Môi trường Jonathan Wilkinson cho biết các chính sách mà Ottawa đưa ra cho đến nay đã đảm bảo để Canada cắt giảm 36% lượng khí thải. 

Các mô hình cho thấy thế giới có nguy cơ phá vỡ cam kết đặt ra trong Thỏa thuận Paris nhằm khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.

Thế giới đang tiến nhanh tới "ngưỡng thảm họa”, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cảnh báo, khi ông lưu ý rằng nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,2 độ C. 

Cùng ngày 22/4, Mỹ cam kết trong 1 thập kỷ sẽ cắt giảm một nửa lượng khí thải so với mức của năm 2005.

Mặc dù Canada đặt ra mục tiêu thấp hơn của Mỹ, ông John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu đã chúc mừng Canada về “một bước đi táo bạo" đưa quốc gia Bắc Mỹ đi đúng hướng đến mức phát thải ròng bằng 0.

Chính phủ Canada đã thông báo sẽ tăng thuế carbon lên 170 CAD/tấn vào năm 2030. Ông Wilkinson cho biết chính phủ sẽ không tăng giá thêm trước năm 2030 và có kế hoạch tăng cường quy định về tiết kiệm nhiên liệu đối với các phương tiện giao thông, đồng thời đưa ra nhiều giới hạn hơn đối với lượng khí thải methane. 

Không giống như Mỹ, Canada đã khử carbon đáng kể trong ngành điện. Andrew Leach, Phó Giáo sư tại Đại học Alberta, cho biết đó là một trong những lý do tại sao việc đạt được các mục tiêu phát thải tại Canada sẽ đòi hỏi các chính sách cứng rắn hơn so với ở Mỹ.

Theo ông Andrew Leach, việc mở rộng lĩnh vực dầu khí kể từ năm 2005 khiến con đường đạt được các mục tiêu của Canada càng trở nên khó khăn hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục