Cảng cá Ngư Lộc nhộn nhịp kẻ bán, người mua ngày giáp Tết

08:23' - 13/01/2022
BNEWS Những ngày này, không khí ở cảng cá Ngư Lộc, Hậu Lộc- một trong những cảng cá lớn nhất của tỉnh Thanh Hoá trở nên hối hả, tấp nập hơn bao giờ hết. 

Hàng chục con tàu, thuyền lớn, nhỏ nối đuôi nhau cập bến, mang theo “lộc biển” là những khoang đầy ắp cá, tôm, hải sản tươi ngon để phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 sắp tới.
Từ sáng sớm đến chiều, tại cảng cá Ngư Lộc, trên bến, dưới thuyền luôn nhộn nhịp không khí kẻ bán, người mua, thương lái từ khắp nơi trong tỉnh cũng đã có mặt tại cảng từ rất sớm để đón các chuyến tàu trở về. Những con tàu sau nhiều ngày lênh đênh mưu sinh trên biển đã lần lượt về bờ, chở theo niềm vui, niềm hy vọng của ngư dân.

 

Với thân hình rắn rỏi, nước da xạm đen vì sương gió, ngư dân Nguyễn Văn Dư, xã Ngư Lộc cho biết, sau hơn 10 ngày vươn khơi, hôm nay (ngày 10/1) thuyền của anh đã cập bến an toàn, mang về hàng chục tấn cá thu, cá nanh và nhiều loại hải sản tươi ngon khác.

Những ngày cận Tết, nhu cầu của người dân tăng cao, nên thuyền vào đến đâu hết đến đó. Giá bán những ngày này cũng cao hơn bình thường nên ngư dân rất phấn khởi.

Sau khi vận chuyển hết số hải sản lên bờ; nạp thêm nhiên liệu, tranh thủ những ngày ngày cuối năm biển lặng, gió yên, tàu của anh lại tiếp tục ra khơi thêm 1,2 chuyến nữa rồi nghỉ Tết trước khi bước vào mùa vụ mới.

Chị Đặng Thị Thơm, thương lái chuyên thu mua cá biển tại Ngư Lộc cho biết, những ngày giáp Tết do nhu cầu mua hải sản của người dân tăng cao, nên ngày nào tôi cũng có mặt tại cảng cá Ngư Lộc từ rất sớm để đón tàu về.

Khi chọn được những loại hải sản tươi ngon ngay sau khi tàu cập bến, tuỳ theo nhu cầu của người tiêu dùng có thể nướng tại chỗ, hoặc cấp đông để mang về tiêu thụ. Hải sản ở Ngư Lộc rất tươi, ngon nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Khác với những tàu công suất to đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển, tại cảng cá Ngư Lộc cũng có hàng trăm con thuyền nhỏ của ngư dân đánh bắt gần bờ trong ngày. Đây đang là thời điểm đánh bắt moi biển, nên hầu hết những con thuyền nhỏ cập bến đều mang theo hàng tấn moi (ruốc biển) vào bờ.
Theo chia sẻ của ngư dân nơi đây, mùa đánh bắt moi biển bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Vào mùa, ngư dân thường ra khơi từ lúc 22 giờ đến 23 giờ đêm và quay trở về vào trưa hôm sau, mang theo những con thuyền đầy ắp moi biển tươi rói.

Ngay khi các thuyền đánh bắt vừa cập bờ, hàng trăm lao động, chủ yếu là phụ nữ cũng đã có mặt ở trên bến để chuẩn bị công việc vận chuyển moi từ các thuyền lên bờ.

Bà Phạm Thị Huệ, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết, bà đã làm công việc bốc vác tại cảng cá mấy chục năm nay, công việc đều hàng tháng, tuy nhiên những ngày giáp tết, công việc cũng nhiều hơn, nên thu nhập cũng cao hơn.

Ngoài công việc bốc vác hải sản từ các tàu, thuyền lên bờ, vác đá ướp cá, dầu máy, lương thực, thực phẩm lên các tàu thuyền chuẩn bị ra khơi… thì những ngày giáp Tết do nhu cầu của thị trường tăng nên bà còn nhận bóc tôm, phơi cá, nướng cá cho các cơ sở thu gom, chế biển hải sản trên địa bàn.

Công việc có bận rộn, nhưng bù lại có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống và sắm sang nhà cửa khi Tết đến, xuân về.
Cũng như bà Huệ, tranh thủ lúc tàu chưa cập bến, những ngày giáp Tết, chị Phạm Thị Mai, xã Minh Lộc (Hậu Lộc) nhận bóc tôm thuê cho 1 cơ sở chế biến hải sản ngay sát cảng cá. Với giá 5.000đ/kg, trung bình mỗi ngày chị Huệ bóc được khoảng 30kg tôm. Công việc bóc tôm nhiều khi bật cả máu tay, thu nhập không cao, nhưng ai cũng cố gắng kiếm thêm để lo có cái Tết tươm tất.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết, trên địa bàn xã Ngư Lộc hiện có 323 phương tiện khai thác, với tổng công suất 70.671 CV; lao động nghề cá có 2.526 lao động. Tổng sản lượng khai thác năm 2021 ước đạt 13.880 tấn, tổng giá trị khai thác hải sản ước đạt 355 tỷ đồng.
Để phát huy tiềm năng lợi thế của một xã ven biển, những năm qua Ngư Lộc đã tập trung đầu tư phát triển đa dạng các phương thức đánh bắt và chế biến hải sản. Xã tạo điều kiện hết mức cho các hộ dân có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, thời gian dài để sản xuất, kinh doanh, đóng tàu lớn đi biển dài ngày.

Những ngày giáp Tết, tranh thủ thời điểm gió lặng, biển êm, ngư dân thường ra khơi đến khoảng 26, 27 Tết âm lịch mới vào bờ để xum họp cùng gia đình vui Tết, đón xuân; khoảng mùng 4, mùng 5 Tết, ngư dân lại bắt đầu xuất bến, vươn khơi.

Để động viên bà con sản xuất, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu xuân chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể lại xuống thăm hỏi, động viên, mừng tuổi cho các chủ tàu lấy may mắn, phấn khởi vươn khơi bám biển…/.
>>Bưởi da xanh giảm giá, nông dân lo lắng Tết khó sung túc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục