Căng thẳng Biển Đỏ: Chủ động xử lý rủi ro và giảm thiểu thiệt hại

11:22' - 24/01/2024
BNEWS Theo các chuyên gia, với tình hình xung đột và căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao, trang bị thêm các kỹ năng ứng phó, giải quyết rủi ro.

Những diễn biến về xung đột vũ trang tại Biển Đỏ đang liên tục được báo giới cập nhật và truyền thông. Theo ghi nhận hàng loạt chuyến tàu chở hàng đi qua khu vực này đều phải thay đổi hải trình dẫn tới sự chậm trễ về tiến độ giao hàng như cam kết hợp đồng. Nhiều công ty có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuyên lục địa cũng đã phải chuyển sang sử dụng dịch vụ vận tải hàng không như một giải pháp thay thế. Tình huống này khiến cho các hiệp hội ngành hàng cùng nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa quan ngại và kiến nghị tới Chính phủ, các cấp, ngành khẩn trương có giải pháp ứng phó và hỗ trợ họ giảm thiểu thiệt hại, thúc đẩy lưu thông và duy trì sự ổn định về kim ngạch xuất khẩu.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã mở ra nhiều cơ hội giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, đi cùng cơ hội, doanh nghiệp phải đối mặt với ngày càng nhiều rủi ro mà chiến tranh, xung đột vũ trang cũng là 1 nguyên do bất khả kháng vô cùng khó khăn.

Trong thương mại quốc tế, nhiều doanh nghiệp thường chỉ nghĩ đến việc mất hàng, mất tiền như đã từng xảy ra. Nhưng, thực tế rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt nằm ở phạm vi rộng hơn và trên nhiều khía cạnh khác nhau. Đầu tiên là những rủi ro từ biến động toàn cầu. Hiện nay, thế giới biến động nhanh, phức tạp, những xung đột thương mại và quân sự đều ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, cung cầu hàng hóa trên thị trường, qua đó ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Với tình hình xung đột và căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao, trang bị thêm các kỹ năng ứng phó, giải quyết rủi ro như việc thông báo kịp thời tới các cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý rủi ro ở trong và ngoài nước; tìm kiếm các phương án thay thế và tìm hiểu cách thức giúp giảm bớt thiệt hại khi có phát sinh, bà Trang nhấn mạnh.

 

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco) chia sẻ, công ty có một số đơn hàng phải vận chuyển qua khu vực Biển Đỏ. Gần đây, công ty đã nhận được thông báo tăng giá cước từ một số hãng tàu biển với mức tăng từ 200-500 USD/container 40 feet và thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 1/1/2024.

Tuy nhiên, theo ông Mạnh, điều khiến doanh nghiệp lo lắng không phải là giá cước tàu biển qua tuyến này, mà có thể các tuyến khác cũng sẽ tăng giá theo do tình trạng ách tắc kéo dài. Cước tàu biển tăng giá trong giai đoạn này sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn hơn bởi hiện đơn hàng của doanh nghiệp mới chỉ bắt đầu phục hồi kể từ sau đại dịch. Khó khăn chồng chất có thể khiến nhiều doanh nghiệp không thể vượt qua trong năm nay.

Đồng tình, đại diện đơn vị logistics Việt An Express cũng phàn nàn, gần 20% lượng hàng xuất khẩu sang châu Âu theo hợp đồng giá FOB (trị giá hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm chi phí vận chuyển đến cảng hoặc địa điểm cuối cùng trước khi tàu chở hàng rời bến) vào đợt này đã bị đối tác tạm dừng nhận hàng vì giá cước tăng cao. Họ cũng chưa có thông báo khi nào sẽ nhận hàng. Việc hàng chưa xuất đi được khiến doanh nghiệp bị đọng vốn, ảnh hưởng tới hoạt động.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành hàng hải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm hệ thống cảng biển thông suốt trên toàn quốc. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đồng thời nghiên cứu, triển khai ngay các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng được giao đẩy nhanh thủ tục ra, vào cảng và việc xếp, dỡ hàng hóa đối với tàu thuyền vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi châu Mỹ, châu Âu; khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi và thu hút các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa. Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu cơ chế chính sách nhằm thu hút các hãng vận tải container mở tuyến mới đến Việt Nam; tiếp tục, khẩn trương nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến hoạt động tàu thuyền.

Trước đó, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, căng thẳng tại Biển Đỏ có thể khiến 1 container đi qua khu vực châu Âu bị đội chi phí thêm từ 1.000 - 2.000 USD và những mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều gồm dệt may, da giày, đồ gỗ đến sản phẩm điện tử…. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu các tuyến dài cần có biện pháp ứng phó kịp thời để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Nhằm bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã đề nghị hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh phát sinh ùn tắc và tác động bất lợi khác. Cùng với đó, yêu cầu doanh các nghiệp xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng, đồng thời tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp; mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này. Mặt khác, doanh nghiệp xuất khẩu phải chủ động các phương án vận chuyển để không ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục