Căng thẳng gia tăng tại Trung Đông sau vụ tàu chở dầu bị tấn công

06:00' - 21/06/2019
BNEWS Eo biển Hormuz là nút thắt năng lượng quan trọng nhất trên thế giới, chiếm tới 30% lưu lượng giao thông bằng đường biển của các tàu chở dầu trên toàn cầu.
Nhà máy lọc dầu trên đảo Khark, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài viết mới nhất vừa đăng trên trang tin ABC của Australia, nhà báo Stephen Letts phân tích căng thẳng tại vùng Vịnh Oman và eo biển Hormuz đã gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là khi Mỹ bắt đầu áp dụng trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Theo tác giả, căng thẳng nổ ra khi bốn tàu chở dầu bị tấn công ngoài khơi bờ biển của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) vào cuối tháng trước, ngay sau đó là báo cáo về việc hai trạm bơm dầu của Saudi Arabia bị máy bay không người lái tấn công.
Hai sự kiện liên tiếp đều được Mỹ đổ cho là Iran thực hiện, thay vì truy lùng nguyên do từ các tổ chức khác trong khu vực (như nhóm phiến quân Houthi tại Yemen). Tuy nhiên, Iran đã lên tiếng phủ nhận gay gắt các cáo buộc của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định: “Đánh giá trên được đưa ra dựa trên thông tin tình báo, loại vũ khí sử dụng, mức độ chuyên môn cần thiết để thực hiện chiến dịch, những cuộc tấn công tương tự gần đây của Iran nhằm vào các tàu vận chuyển và thực tế là không có một nhóm chống đối nào hoạt động tại khu vực có đủ phương tiện và sự thành thạo để hành động với mức độ tinh vi cao như vậy". Ngược lại, Iran đáp trả rằng đó là tất cả “sự kích động chiến tranh” từ Mỹ và các đồng minh trong khu vực, bao gồm Saudi Arabia và UAE. 
Một ngày sau khi xảy ra vụ tấn công, phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc (LHQ) phát đi thông báo: “Cộng đồng quốc tế [phải] sống theo trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn các chính sách và hành vi liều lĩnh và nguy hiểm của Mỹ, cùng các đồng minh trong khu vực, trong việc gia tăng căng thẳng tại khu vực”.
Mặc dù vẫn chưa biết chính xác những gì đã xảy ra với hai tàu chở dầu Front Altair của Na Uy và Kokura Courageous của Nhật Bản, nhưng rõ ràng Hạm đội Năm của Mỹ đã nhanh chóng xuất hiện để hỗ trợ sơ tán, cũng như khẳng định sự hiện diện chính đáng của mình tại khu vực.
Hành lang dầu nằm giữa Iran và bán đảo Arabia
Eo biển Hormuz là nút thắt năng lượng quan trọng nhất trên thế giới, chiếm tới 30% lưu lượng giao thông bằng đường biển của các tàu chở dầu trên toàn cầu. Bờ biển phía Bắc của Hormuz bị chi phối bởi Iran và mạng lưới căn cứ hải quân của nước này, bao gồm Qeshm, Bander-e-Abbas và đảo Larak. Trong khi đó, bờ phía Nam của eo biển Hormuz thuộc quyền quản lý của UAE và Oman, với Hạm đội Năm của Mỹ đóng quân ở vùng xa hơn, trên Vịnh Ba Tư tại Bahrain.
Giám đốc Chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Hoàng Gia Canada (RBC) Helima Croft nhận xét các cuộc tấn công đã làm tăng mức độ nghiêm trọng về rủi ro an ninh, xuất phát từ khủng hoảng Iran và những khó khăn trong việc giảm bớt căng thẳng, khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn tiếp tục duy trì tại khu vực này. 
Bà Croft chỉ ra rằng các cuộc tấn công xảy ra một ngày sau khi 26 người bị thương do một tên lửa mà Saudi Arabia cáo buộc là nhóm phiến quân Houthi, được hậu thuẫn bởi Iran, bắn vào một sân bay ở phía Nam nước này. Bà nói: "Hơn nữa, nó xảy ra vài ngày sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Iran nói với người đồng cấp Đức rằng các nước đang tiến hành chiến tranh kinh tế không thể mong chờ duy trì sự an toàn”.
Mỹ dốc toàn lực theo đuổi mục tiêu dầu của Iran
Trung tâm căng thẳng mới xuất hiện lần này là những đầu mối kinh tế của Iran đã bị đặt vào lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tháng trước, Mỹ đã chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với tám khách hàng nhập dầu của Iran, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Mục đích của động thái này là nhằm làm giảm lượng xuất khẩu dầu của Iran về mức 0. Đây được cho là một loại vũ khí “độc” vì dầu mỏ chiếm gần 80% doanh thu thuế của Iran. Iran đã mất 10 tỷ USD kể từ khi các lệnh trừng phạt ban đầu của Mỹ có hiệu lực vào cuối năm ngoái.
Một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết: “Chính quyền Tổng thống Trump và các đồng minh quyết tâm duy trì, mở rộng chiến dịch gây áp lực kinh tế tối đa chống lại Iran, nhằm chấm dứt hoạt động gây bất ổn của Iran, vốn luôn đe dọa Mỹ, các đối tác và đồng minh của Washington cũng như an ninh tại Trung Đông".
Bà Croft nhận định quyết định loại bỏ tất cả miễn trừ đối với các nhà nhập khẩu dầu từ Iran đã giáng một đòn mạnh vào toàn bộ nền kinh tế của Tehran. Mặc dù trước khi quyết định chấm dứt quy chế miễn trừ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Iran sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay và lạm phát dao động trong khoảng 40%, nhưng hiện những dự đoán này có vẻ chỉ mang tính ước lượng. Bà Croft nói thêm: "Thị trường dầu đã chuyển động phần lớn từ Trung Đông, sau khi Tổng thống Trump công khai khẳng định không muốn duy trì chiến tranh với Iran và tập trung vào cuộc chiến thương mại".
Iran cố chống lại các áp lực của Mỹ
Những nhân vật cứng rắn trong nội bộ Iran ngày càng chiếm ưu thế, kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đạt được với ác cường quốc thế giới hồi tháng 7/2015. Theo thỏa thuận này, Iran cắt giảm các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Theo bà Croft, các nhà chính trị cứng rắn của Iran đã “tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn đối với các biện pháp mà họ tin rằng được tạo ra để phá hủy nền kinh tế và thay đổi chế độ của Iran”. Bà Croft lập luận rằng sự hiện diện của Hạm đội Năm có nghĩa là Iran sẽ khó thực hiện các mối đe dọa của mình và chặn đứng toàn bộ 18,5 triệu thùng dầu đi qua eo biển Hormuz mỗi ngày. Nhưng lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran có khả năng quấy rối các tàu thuyền, cũng như thực hiện các cuộc tấn công đơn lẻ vào tàu chở dầu.
Trong cuộc chiến Iran - Iraq giai đoạn 1980-1988, hàng trăm tàu quốc tế và các bể chứa dầu chở thành mục tiêu tấn công, nhằm nỗ lực tước đoạt doanh thu thương mại của đối thủ. Hải quân Mỹ đã buộc phải can thiệp để bảo vệ tàu Kuwaiti, đó là thời điểm mà đội tàu hải quân lớn nhất của Mỹ hoạt động kể từ Thế chiến thứ II.
Việc huy động hải quân với quy mô lớn có thể sẽ gây tác động lớn tới thị trường dầu mỏ và đẩy giá dầu lên cao. Bà Croft cho rằng Iran mong muốn xây dựng lại năng lực hạt nhân và làm giàu urani. Nước này cũng có khả năng sẽ rút khỏi Hiệp định Không Phổ biến Hạt nhân năm 1968, do đó một khủng hoảng thực sự sắp xuất hiện. Bà nhận xét: "Một động thái như vậy rõ ràng cho thấy chương trình hạt nhân của Iran có quy mô quân sự và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục