Căng thẳng leo thang quanh vấn đề thuế quan xe điện của châu Âu

06:30' - 06/11/2024
BNEWS Động thái của EC có thể làm trầm trọng xung đột thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu và nhiều khả năng kích hoạt sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Theo tờ China Daily, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định nước này không công nhận và không chấp nhận phán quyết cuối cùng của Ủy ban châu Âu (EC) về việc áp thuế bổ sung đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc và sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong nước.

Ngày 29/10, EC - cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) - phát đi thông cáo báo chí cho biết đã kết thúc cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc và giữ nguyên quyết định nâng thuế đã ban hành. Thuế quan mới sẽ hết hạn vào cuối giai đoạn 5 năm, trừ khi việc xem xét hết hạn được bắt đầu trước ngày đó. Đáp lại, Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại theo cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong một thông báo đăng trên Internet, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã nhiều lần chỉ ra rằng cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất là không hợp lý. Bộ này lưu ý rằng hai bên cần tiếp tục đàm phán về cam kết giá xe điện xuất khẩu vào EU và luôn ủng hộ giải quyết tranh chấp thương mại thông qua đối thoại và tham vấn.

 

Mức thuế mới của EU sẽ dao động từ 7,8% đối với xe điện của nhà sản xuất Mỹ Tesla sản xuất tại Trung Quốc, đến 18,8% đối với xe của hãng ô tô Zhejiang Geely Holding Group và 35,3% đối với xe của SAIC Motor Corp, ngoài mức thuế 10% đang áp dụng đối với tất cả các loại ô tô nhập khẩu hiện nay vào EU. Sau khi thuế mới có hiệu lực, mức thuế nhập khẩu trung bình đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc được xác định có hợp tác điều tra là 20,7% và lên tới 35,3% đối với các nhà sản xuất được phân loại là "không hợp tác".

SAIC Motor đã ngay lập tức bày tỏ sự thất vọng về quyết định của EC. Hãng tuyên bố có kế hoạch thực hiện các hành động pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng cách đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý của EU. Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc này cho biết họ đang thực hiện một loạt biện pháp để tăng cường khả năng phục hồi trước các rào cản thương mại của EU.

Các nhà quan sát thị trường cảnh báo rằng động thái của EC có thể làm trầm trọng thêm xung đột thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu và nhiều khả năng kích hoạt sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Ông Zhang Yongjun, Tổng thư ký Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh, nhận định người tiêu dùng châu Âu có thể phải gánh chịu hoặc phải đối mặt với chi phí xe điện Trung Quốc tăng hoặc các lựa chọn hạn chế từ các nhà cung cấp thay thế".

Cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wei Jianguo nói động thái của EU có thể làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư Trung Quốc vào châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô, pin điện, linh kiện công nghiệp và dịch vụ hạ tầng (logistics).

Ông Eric Solheim, cựu Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, chia sẻ thuế quan áp đặt đối với xe điện chất lượng cao của Trung Quốc sẽ mang lại tổn thất cho cả hai bên và làm chậm quá trình chuyển đổi xanh ở châu Âu. "Cạnh tranh xanh là một cuộc đua đi lên, thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ là một cuộc đua đi xuống. Châu Âu nên mời BYD và tất cả các nhà sản xuất ô tô khác của Trung Quốc đầu tư để giúp chia sẻ công nghệ và giúp định hình cạnh tranh để các nhà sản xuất ô tô châu Âu có thể bắt kịp”, ông Solheim nói.

Cũng trong ngày 30/10, Ngoại trưởng Vương Nghị đã nhắc lại sự phản đối của Trung Quốc đối với các biện pháp thuế quan của EU. Ông cho biết Trung Quốc luôn tin rằng mở cửa thị trưởng mang lại tiến bộ, chủ nghĩa bảo hộ không có tương lai và toàn cầu hóa kinh tế toàn diện là vì lợi ích của tất cả các bên.

Ông Chen Huiqing, người đứng đầu bộ phận dịch vụ pháp lý của Phòng Thương mại xuất nhập khẩu các sản phẩm cơ điện Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, nhấn mạnh đối thoại vẫn là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn leo thang căng thẳng kinh tế và thương mại song phương.

Theo nguồn tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc, các nhóm kỹ thuật của cả hai bên đang tiến hành một giai đoạn tham vấn mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục