Trung Quốc đệ đơn kiện kết quả điều tra của EU đối với xe điện nước này

11:55' - 30/10/2024
BNEWS Không chấp nhận kết quả phán quyết về điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của EU, Trung Quốc đã đưa vụ việc ra cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để khởi kiện.

Ngày 30/10, sau khi Ủy ban châu Âu (EC) thông báo kết quả cuối cùng của cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc, một người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã nhiều lần chỉ ra rằng, cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc do Liên minh châu Âu (EU) tiến hành tồn tại nhiều điểm không hợp lý, không phù hợp với quy định, là hành động bảo hộ chủ nghĩa dưới danh nghĩa “cạnh tranh công bằng”.

 

Trung Quốc không đồng tình và không chấp nhận kết quả phán quyết này, Bắc Kinh hiện đã đưa vụ việc ra cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để khởi kiện.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Thương mại nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nước này cũng chú ý đến việc phía châu Âu bày tỏ sẽ tiếp tục thương lượng với Trung Quốc về cam kết giá cả. Phía Trung Quốc chủ trương giải quyết tranh chấp thương mại thông qua đối thoại và thương lượng.

Hiện tại, đội ngũ kỹ thuật của cả hai bên đang tiến hành thương lượng giai đoạn mới, hy vọng phía châu Âu có thái độ xây dựng và cùng Trung Quốc thúc đẩy, tuân theo nguyên tắc “thực tiễn, cân bằng”, quan tâm đến những mối quan ngại cốt lõi của nhau, sớm đạt được giải pháp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận, tránh việc tranh chấp thương mại leo thang.

Trước đó, ngày 29/10, Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU đã lên tiếng phản đối quyết định trên của EC, đồng thời kêu gọi dừng các biện pháp áp thuế. 

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Đức cảnh báo mức áp thuế bổ sung của EU đối với xe điện Trung Quốc làm tăng nguy cơ xảy ra "xung đột thương mại sâu rộng" hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức Hildegard Mueller nhận định động thái mới nhất này là "một bước thụt lùi" đối với thương mại tự do toàn cầu, từ đó ảnh hưởng tới sự thịnh vượng, duy trì việc làm cũng như tăng trưởng của EU. Ngoài ra, mức thuế bổ sung sẽ khiến người tiêu dùng phải mua ô tô với giá đắt hơn, tác động không nhỏ đến quá trình chuyển đổi sang xe điện.

Bà Mueller cũng cho rằng ngành công nghiệp ô tô của EU đủ sáng suốt trong mọi hoạt động với nước ngoài nhưng những thách thức phải được giải quyết thông qua đối thoại. Do đó, bà kêu gọi EU và Trung Quốc tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán khác vì "cánh cửa đàm phán vẫn mở".

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức nói thêm rằng ngành ô tô của EU cần các chính sách giúp duy trì sức cạnh tranh quốc tế, mở ra các thị trường mới, tập trung vào đổi mới và đảm bảo vai trò lớn hơn của họ trên trường thế giới.

Trong phản ứng cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Antoine Armand cho rằng mức thuế 35% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc mà Ủy ban châu Âu (EC) mới công bố "có ý nghĩa rất quan trọng", góp phần bảo vệ lợi ích thương mại và sự tồn tại của ngành công nghiệp ô tô EU vào thời điểm ngành này cần sự hỗ trợ hơn bao giờ hết.

Trong quyết định cuối cùng được công bố ngày 29/10, EC xác nhận EU sẽ áp dụng mức thuế mới mà mức cao nhất lên tới 35,3%, cao hơn nhiều so với mức 10% hiện nay đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Quyết định sẽ trở thành luật sau khi được công bố trên công báo chính thức của EU ngày 30/10 và sẽ có hiệu lực từ ngày 31/10.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục