Căng thẳng ở Trung Đông leo thang đẩy giá vàng tiếp tục tăng

17:08' - 12/04/2024
BNEWS Giá vàng chiều 12/4 tiếp tục đà tăng kỷ lục, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương mở rộng mua vào, nhằm đối phó với nguy cơ bất ổn địa chính trị và căng thẳng leo thang trên toàn cầu.
Chiều ngày 12/4, giá vàng châu Á tiếp tục đà tăng đã duy trì liên tiếp trong vài tuần gần đây. Trong khi giá dầu cũng bất ngờ đảo chiều do lo ngại leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Trên các thị trường chứng khoán, ngoài Trung Quốc, hầu hết các thị trường đều phủ “màu xanh” và chỉ số Nikkei 225 đã phục hồi trở lại.

Giá vàng tiếp tục leo cao

Giá vàng chiều 12/4 tiếp tục đà tăng kỷ lục, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương mở rộng mua vào, nhằm đối phó với nguy cơ bất ổn địa chính trị và căng thẳng leo thang trên toàn cầu.

Tính đến 14 giờ 40 phút chiều nay (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã tăng 0,9%, chạm mức 2.395,56 USD/ounce. Trong khi, giá vàng kỳ hạn Mỹ tăng 1,7%, lên 2.413 USD/ounce.

Nhà phân tích Luca Santos của công ty chứng khoán ACY cho biết xung đột gia tăng ở một số khu vực trên thế giới thúc đẩy các ngân hàng trung ương tăng mua vào tài sản trú ẩn an toàn là vàng. Mặc dù ngày càng nhiều dữ liệu củng cố cho dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng sức hâp dẫn của vàng vẫn không bị suy giảm, do những lo ngại về căng thẳng địa chính trị đang bao trùm.

Vàng đã sẵn sàng cho tuần tăng thứ tư liên tiếp và giá vàng đã vượt 15% từ đầu năm đến nay. Chuyên gia Vincent Tie, nhà quản lý bán hàng tại công ty kinh doanh kim loại quý Silver Bullion, cho biết các thị trường kỳ vọng giá vàng sẽ vẫn tiếp tục tăng trong hai tháng tới. Từ góc độ kỹ thuật, đợt phục hồi hiện nay là kết quả của việc giá vàng thoát ra khỏi giai đoạn hợp nhất kỷ lục kéo dài 42 tháng.

Trên các thị trường kim loại quý khác, cùng phiên, giá bạc giao ngay tăng 2% lên 29,04 USD/ounce, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2021. Giá bạch kim tăng 2,1% lên 999,80 USD/ounce và giá palladium tăng 1,8% lên 1.065,00 USD/ounce.

Tại thị trường Việt Nam, chiều 12/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,50 – 84,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá dầu đảo chiều đi lên

Chiều ngày 12/4, giá dầu thế giới đã quay đầu tăng, khi căng thẳng ở Trung Đông leo thang gây nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ một trong những khu vực sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

 
Vào lúc 15 giờ 22 phút chiều nay (theo giờ Việt Nam) giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 66 xu Mỹ, tương đương 0,7%, lên 90,4 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 90 xu Mỹ, tương đương 1,1%, lên 85,92 USD/thùng.

Các nhà phân tích cho biết việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2024 và 2025 đã cản trở đà tăng của dầu trong cả tuần này. Cả hai loại dầu Brent Biển Bắc và WTI đều hướng mức giảm khoảng 1% tính chung cho cả tuần.

Tuy nhiên bất ổn địa chính trị leo thang ở Trung Đông đã gây ra tâm lý lo ngại trên các thị trường trong ngày hôm nay, khiến giá dầu đảo chiều vào phiên chiều. Mặc dù vậy các nhà phân tích của ngân hàng ING tiếp tục giữ nguyên dự báo giá dầu sẽ đạt ngưỡng 87 USD/thùng vào quý II/2024. Ghi chú của ING nêu rõ đà tăng giá dầu sẽ giảm nếu không có thêm sự leo thang ở Trung Đông hoặc gián đoạn nguồn cung.

Chỉ số Nikkei 225 phục hồi

Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 12/4, trên sàn chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,21%, lên 39.523,55 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong, dẫn đầu xu hướng giảm trong khu vực, mất 2,18%, đóng cửa ở ngưỡng 16.721,69 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn giao dịch Thượng Hải tụt 0,49%, dừng ở mức 3.019,47 điểm.

Sự sụt điểm của các thị trường chứng khoán Trung Quốc diễn ra sau khi dữ liệu xuất khẩu trong tháng Ba được công bố, cho thấy mức giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn nhiều so với dự báo giảm 2,3% mà các nhà chuyên gia kinh tế đã đưa ra trong cuộc khảo sát với hãng tin Reuters trước đó.

Hơn nữa, tổng thương mại tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 500,8 tỷ USD và thặng dư thương mại giảm nhiều hơn dự kiến, xuống còn 58,55 tỷ USD.

Ngoài Trung Quốc, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á khác đều ghi nhận đà đi lên. Chuyên gia Stephen Innes, đối tác quản lý tại công ty SPI Asset Management, bình luận: “Khả năng phục hồi của các thị trường chứng khoán châu Á là rất đáng chú ý, đặc biệt khi xem xét xu hướng mạnh lên của đồng USD”.

Tại Việt Nam, kết thúc phiên chiều ngày 12/4, chỉ số VN-Index tăng 18,4 điểm, hay 1,46%, đạt 1.276,6 điểm. Còn chỉ số HNX-Index tăng 2,77 điểm, hay 0,95%, lên 241,34 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục