Căng thẳng thương mại Mỹ-EU: Rủi ro và giải pháp của châu Âu (Phần 1)

05:30' - 17/06/2018
BNEWS Nếu một cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cảm nhận được những hậu quả kinh tế vĩ mô đáng kể trong giá cả, sự tăng trưởng và ổn định tài chính.
Ủy viên EC Maros Sefcovic (trong ảnh) công bố về kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN 

Ngày 6/6, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo từ tháng Bảy tới Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu đánh thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả việc Mỹ áp thuế suất mới nhằm vào nhôm, thép nhập khẩu từ EU.

Các nước thành viên EU đã ủng hộ kế hoạch của EC, theo đó đề ra mức thuế đối với hàng xuất khẩu Mỹ trị giá 2,8 tỷ euro (khoảng 3,3 tỷ USD).

Quyết định cứng rắn của EU được đưa ra sau khi Mỹ tuyên bố áp đặt các mức thuế quan lần lượt là 10% và 25% đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico, chấm dứt thời hạn miễn trừ kéo dài 2 tháng (đến hết ngày 31/5) đối với các mặt hàng này. 

Điều này khiến các công ty của châu Âu có khả năng phải chịu lỗ về doanh thu do các mức thuế mới của Mỹ vì tình trạng dư thừa năng lực sản xuất từ các nước khác như Trung Quốc sẽ chuyển hướng sang châu Âu.

Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất nằm ở chỗ trật tự thương mại toàn cầu và WTO có thể bị tổn hại hoặc thậm chí tan vỡ. Trong trường hợp một cuộc chiến thương mại leo thang, EU cũng sẽ cảm nhận được những hậu quả kinh tế vĩ mô đáng kể trong giá cả, sự tăng trưởng và ổn định tài chính.

Sự đảm bảo cho an ninh quốc gia của Mỹ

Ngày 23/3/2018, Mỹ đã áp đặt mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Đây là mức thuế cao nhất trong bất kỳ hạng mục sản phẩm nào kể từ năm 1971. Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp đặt thuế thép và nhôm đã gây ra những rủi ro lớn cho châu Âu và hệ thống thương mại toàn cầu.

Quyết định này của Tổng thống Trump dựa trên một nghiên cứu từ Bộ Thương mại Mỹ về tầm quan trọng của ngành công nghiệp thép và nhôm trong nước đối với an ninh quốc gia Mỹ, mà đã được Tổng thống ủy thác thông qua sắc lệnh hành pháp.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã xác định các hành động để bảo vệ những ngành công nghiệp này theo Điều 232 của Đạo luật mở rộng thương mại từ năm 1962, và trình lên Nhà Trắng một báo cáo toàn diện trong đó bao gồm các hành động được đề xuất.

Trong báo cáo này, Bộ Thương mại đề xuất 2 biện pháp chính sách thương mại bổ sung: Áp đặt mức thuế 50% đối với thép nhập khẩu từ 12 quốc gia đã góp phần bóp méo thị trường và giá cả, bao gồm Nga và Trung Quốc, hoặc áp đặt hạn ngạch nhập khẩu thép và nhôm trong khoảng 63% so với mức của năm trước đó.

Trước sự bàng hoàng của các đối tác ở bên kia Đại Tây Dương và Bắc Mỹ, Tổng thống Trump đã chọn biến số lớn nhất đó là một mức thuế không phân biệt đối xử mà theo Tổng thống sẽ tồn tại trong một thời gian dài.

Chính phủ Mỹ biện minh cho các mức thuế này bằng Điều 232 của Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962, cho phép hạn chế và cấm nhập khẩu nếu an ninh quốc gia của Mỹ bị đe dọa. Theo điều khoản này, Tổng thống gần như là người duy nhất có quyền quyết định số lượng và thời hạn của các mức thuế.

Luật thương mại quốc tế tại Điều 21 của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) cũng quy định rằng mọi quốc gia đều có thể hạn chế hoạt động nhập khẩu nếu chúng gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, các chính phủ tiền nhiệm luôn diễn giải điều khoản này một cách hạn hẹp và giới hạn nó ở việc phát triển các năng lực hạt nhân, vũ khí và trang thiết bị quân sự vào thời điểm xảy ra chiến tranh và trường hợp khẩn cấp. Họ cũng nhấn mạnh phải có một cuộc điều tra minh bạch.

Bên cạnh đó, cần phải đưa ra bằng chứng rõ ràng cho thấy số lượng sản phẩm liên quan đến an ninh được sản xuất ở trong nước là không đủ, và quân đội Mỹ phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ những nước mà Mỹ không coi là đồng minh thân cận.

Tổng thống Trump đã phá bỏ thông lệ đó. Ông biện minh cho việc bảo hộ các nhà sản xuất trong nước với quan điểm cho rằng ngay cả thép nhập khẩu từ các nước đồng minh thân cận, chẳng hạn như Canada và EU, cũng gây nguy hiểm cho an ninh Mỹ.

Các rủi ro về kinh tế vĩ mô đối với châu Âu

Các tác động kinh tế vĩ mô của chủ nghĩa bảo hộ Mỹ là có thể dự đoán được. Nếu các quốc gia đáp trả việc áp thuế của Mỹ bằng cách đánh thuế ngược lại làm phát sinh một vòng xoáy hàng rào thương mại, thì điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Trong trường hợp như vậy với mức thuế chung toàn diện là 10%, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán tổng lượng thương mại toàn cầu sẽ giảm 6% và GDP thực tế của Trung Quốc, EU và Mỹ sẽ giảm 2%.

Tuy nhiên, những dự đoán này không tính đến toàn bộ các tác động của những gián đoạn tạm thời trong chuỗi cung ứng toàn cầu – qua đó chi phí sản xuất và giá cả nảy sinh từ việc áp thuế có thể tăng theo cấp số nhân – sự leo thang chính trị toàn cầu, hay sự không chắc chắn của thị trường phát sinh từ đó.

Nếu một cuộc chiến tranh thương mại diễn ra, thì trái ngược với những dự đoán hiện tại về các thị trường tài chính toàn cầu, lạm phát ở Mỹ sẽ tăng mạnh do sự phụ thuộc của Mỹ vào nhập khẩu. Cục dự trữ liên bang (Fed), dưới sự lãnh đạo mới của ông Jerome Powell, sẽ phải nâng mức lãi suất nhanh hơn và mạnh hơn.

Vì Fed là động lực thúc đẩy các chu kỳ tài chính trên toàn cầu, nên áp lực đối với Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ gia tăng, buộc họ cũng phải tăng lãi suất nhanh hơn. Tình trạng không chắc chắn về chính trị nói chung xuất phát từ hoạt động chính trị của ông Donald Trump, sự lo sợ trên toàn thế giới về một cuộc chiến tranh thương mại, và nợ công của Mỹ ngày càng gia tăng cũng có thể đảm bảo tỷ giá hối đoái của đồng USD vẫn ở mức thấp trong một thời gian.

Điều này có thể dẫn đến việc EU mất khả năng cạnh tranh và đe dọa xuất khẩu của châu Âu vì Mỹ là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của EU. Kết quả là ECB sẽ ở trong tình thế khó khăn vì với chính sách tiền tệ lỏng lẻo của mình, ECB tiếp tục đóng góp đáng kể vào sự phục hồi kinh tế và ổn định của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Cho đến nay, các nước sử dụng đồng euro vẫn chưa thể hoàn tất các cải cách thể chế toàn diện mà có thể đảm bảo sự ổn định tài chính của châu Âu, chẳng hạn như việc tách vĩnh viễn tài chính công ra khỏi lĩnh vực ngân hàng.

Ngược lại, Fed có thể phản ứng thái quá trước khả năng cao xảy ra lạm phát và có thể bắt đầu rơi vào tình trạng suy thoái tài chính do tăng lãi suất quá mức. Một cuộc suy thoái ở Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump dường như không chỉ có khả năng xảy ra mà gần như chắc chắn sẽ xảy ra.

Một cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ, nơi mà nợ công sẽ gia tăng do cải cách thuế và do đó ít có khả năng xoay xở về tài chính như là một biện pháp giảm bớt tác động của sự sụt giảm nhu cầu, sẽ là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế định hướng xuất khẩu của châu Âu.

Fed và ECB phải tìm ra các chiến lược để thoát khỏi các chính sách tiền tệ vô cùng lỏng lẻo tồn tại từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong trường hợp xung đột thương mại leo thang, sự cân bằng mong manh mà ECB phải tìm kiếm có thể bị suy yếu.

Cùng với tình trạng không chắc chắn, tính chất không ổn định vắng mặt từ lâu cũng đã quay trở lại các thị trường tài chính, buộc các cơ quan điều tiết, các chính trị gia và các ngân hàng trung ương phải tập trung hơn vào sự ổn định của các thị trường và các thể chế tài chính cá nhân.

Các chính sách và biện pháp bãi bỏ quy định của Mỹ, chẳng hạn như việc làm suy yếu hiệu lực của Đạo luật Frank-Dodd năm 2010, có khả năng làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục