Thị trường vàng dõi theo những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung

11:23' - 16/06/2018
BNEWS Tuần qua, thị trường vàng thế giới chủ yếu bị chi phối bởi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Thị trường vàng thế giới tuần qua. Ảnh minh họa: AFP
Thêm vào đó, quan hệ thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có tác động đến giá kim loại quý này.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (11/6), giá vàng đi lên trong bối cảnh giới đầu tư đang hướng sự chú ý đến cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed. Bên cạnh đó, ECB và Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng sẽ có các cuộc họp chính sách trong tuần này. Theo chuyên gia Stephen Innes thuộc OANDA, khi rủi ro địa chính trị dịu đi, Fed và ECB sẽ định hướng "số phận" của vàng trong ngắn hạn.

Sang phiên giao dịch ngày 12/6, giá vàng vẫn giữ dưới ngưỡng 1.300 USD/ounce, giữa bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi thêm thông tin về tiến trình nâng lãi suất tại Mỹ. Dù thị trường dự báo về đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed tại cuộc họp kéo dài hai ngày từ 12-13/6, các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi thêm thông tin về chính sách tiền tệ trong thời gian tới của ngân hàng này.

Ngoài ra, các nhà giao dịch cho biết giá vàng đã không phản ứng mạnh trước diễn biến mới xung quanh hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại Singapore. Sau hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký một tuyên bố chung 4 điểm, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng định cam kết của mình đối với "tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn" của bán đảo Triều Tiên. Đổi lại Washington sẽ đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng, ngừng tập trận chung với Seoul, trong giai đoạn đối thoại thiện chí giữa Mỹ và Triều Tiên.

Tới phiên giao dịch ngày 13/6, giá vàng đi xuống sau khi Fed thông báo tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. Việc Fed tăng lãi suất lên 1,75%-2% cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, mức tăng trên thị trường việc làm và lạm phát gần đạt tới mức mục tiêu của Fed. Trong một thông báo sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày, Fed cho hay thị trường lao động của Mỹ tiếp tục vững mạnh và hoạt động kinh tế vững ổn.

Fed đã tăng lãi suất 7 lần kể từ cuối năm 2015 nhờ vào sự phát triển liên tục của nền kinh tế và thị trường việc làm tăng vững chắc. Giá vàng khá nhạy cảm với chính sách tiền tệ của Mỹ, do lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, đồng thời làm đồng USD tăng giá khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 14/6, giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong một tháng sau khi ECB cam kết giữ lãi suất ổn định cho đến mùa Hè năm 2019. Sau khi kết thúc cuộc họp diễn ra ngày 14/6, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức thấp lịch sử ít nhất là cho tới mùa Hè năm 2019 và dự định sẽ ngừng chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp trị giá 30 tỷ euro (37,2 tỷ USD)/tháng vào cuối năm 2018.

Bên cạnh đó, giá vàng còn nhận được hỗ trợ sau khi Trung Quốc cho biết nước này sẵn sàng đáp trả nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump “kích hoạt” kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc.

Nhà phân tích Robin Bhar, thuộc Societe Generale, nhận định tình hình căng thẳng thương mại là yếu tố tích cực đối với giá vàng. Tuy nhiên, nhà phân tích này lưu ý rằng thị trường vàng vẫn đối mặt với những “cơn gió ngược” tới từ đà phục hồi của kinh tế toàn cầu và lộ trình nâng lãi suất tại Mỹ.

Trong phiên cuối tuần, giá vàng sụt giảm do hoạt động bán ra chốt lời của các nhà đầu tư và đà tăng của đồng USD. Chốt phiên này, giá vàng giao tháng Tám giảm 0,5% xuống đóng cửa ở mức 1.301,50 USD/ounce. Các nhà giao dịch cho biết chỉ số USD đã tăng 0,3% lên 95,079, sau khi chạm mức cao nhất trong 7 tháng vào đầu phiên giao dịch.

Hiện nay các nhà đầu tư đang theo sát những diễn biến mới xung quanh quan hệ thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc vừa công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ bị áp các mức thuế bổ sung, động thái đáp trả sau khi Mỹ công bố áp thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo Tân Hoa xã, được Quốc vụ viện (Chính phủ) phê chuẩn, cơ quan thuế quan Trung Quốc đã quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với 659 mặt hàng của Mỹ tổng trị giá 50 tỷ USD. Tuyên bố của cơ quan thuế quan khẳng định quyết định này phù hợp với các quy định liên quan của Luật Ngoại thương Trung Quốc và Quy định của Trung Quốc về thuế xuất nhập khẩu cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Trước đó, ngày 15/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế 25% đối với các mặt hàng của Trung Quốc tổng trị giá 50 tỷ USD, với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung nếu Trung Quốc dùng các biện pháp trả đũa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục