Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chi phối thị trường cổ phiếu tuần qua

09:49' - 18/05/2019
BNEWS Mặc dù đi lên liên tiếp trong ba phiên giao dịch giữa tuần này, song đà giảm sâu vào đầu tuần và cuối tuần vẫn khiến Phố Wall ghi nhận tuần giao dịch đi xuống.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 13/5. Ảnh: THX/ TTXVN

Căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là nhân tố chính chi phối thị trường cổ phiếu trong tuần qua, bên cạnh các số liệu kinh tế và báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý I/2019.

Phố Wall mất tới hơn 2% trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 13/5), sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD kể từ ngày 1/6 tới - phản ứng được cho là nhằm đáp trả quyết định của Mỹ ngày 10/5 vừa qua, tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh với tổng trị giá 200 tỷ USD.

Bất chấp tâm lý thận trọng vẫn bao trùm thị trường, song một số nhà phân tích đã coi phản ứng của các thị trường trong phiên đầu tuần là bị “cường điệu hóa” và giới đầu tư vẫn kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại khi Mỹ và Trung Quốc đều cho biết họ có thể tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo.

Tổng thống Trump cũng nói rằng ông có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng tới tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản. Điều này đã giúp ba chỉ số chính của Phố Wall đi lên trong ba phiên giao dịch liền sau đó.

Ngoài ra, việc Mỹ phát đi nhiều thông điệp hòa giải hơn về thương mại với các đối tác kinh tế chủ chốt của nước này cũng giúp cải thiện đáng kể tâm lý của các nhà đầu tư.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với một ủy ban của Thượng viện rằng Washington đã thu hẹp được sự khác biệt giữa nước này với Mexico và Canada trong vấn đề thuế quan áp lên thép và nhôm nhập khẩu – một yếu tố đã khiến các đối tác thương mại “lời qua tiếng lại”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc trì hoãn việc áp thuế đối với ô tô nhập khẩu trong bối cảnh nước này tiến hành đàm phán các thỏa thuận với các đối tác thương mại quan trọng, trong đó có Liên minh châu Âu (EU).

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (ngày 17/5), thị trường chứng khoán Mỹ đảo chiều đi xuống, cho dù nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa đón nhận một loạt số liệu tích cực gồm lượng nhà xây mới trong tháng 4/2019 tăng vượt dự kiến, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước giảm, chỉ số lòng tin tiêu dùng tăng lên mức cao nhất 15 năm trong tháng 5/2019.

Trong phiên cuối tuần,  việc Mỹ nhất trí dỡ bỏ thuế nhập khẩu nhôm và thép đối với Mexico và Canada và cân nhắc hoãn áp thuế nhập khẩu ô tô đối với các đối tác thương mại chủ chốt trong đó có Nhật Bản và EU dường như cũng chưa thể xoa dịu được các nhà đầu tư vốn đang lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay, hiện Bắc Kinh không mấy mặn mà với việc trở lại bàn đàm phán với Washington sau khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hồi tuần trước và Mỹ ban hành sắc lệnh tuyên bố trình trạng khẩn cấp quốc gia, trong đó cấm các công ty của Mỹ mua hoặc sử dụng thiết bị từ các công ty gây ra rủi ro đối với an ninh quốc gia cũng như an ninh và an toàn của người dân Mỹ, một động thái được cho là nhằm vào tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc là Huawei. Điều này cho thấy sự bế tắc trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tiếp tục gây tổn thất và kéo dài.

Kết thúc phiên này, tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 98,68 điểm (0,4%), xuống 25.764 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 16,79 điểm (0,6%), xuống 2.859,53 điểm.

Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 81,76 điểm (1%), đóng cửa ở mức 7.816,28 điểm. Tính chung cả tuần qua, Dow Jones hạ 0,7%, đánh dấu tuần giảm điểm thứ tư liên tiếp, chuỗi tuần đi xuống dài nhất kể tư tháng 5/2016. Chỉ số S&P 500 hạ 0,8%, còn Nasdaq giảm 1,3%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục