Cảnh báo rủi ro khi hoạt động mua hàng trước, trả tiền sau gia tăng

12:05' - 07/05/2023
BNEWS Việc mua hàng trước trả tiền sau về cơ bản là những khoản vay ngắn hạn, có thể thanh toán trong một khoảng thời gian được ấn định với mức lãi suất 0%.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng hoạt động mua hàng trước, trả tiền sau lại đang gia tăng ở Canada và các chuyên gia tài chính khuyến cáo người tiêu dùng nên cảnh giác với những hậu quả tài chính của việc sử dụng các khoản vay, đặc biệt là đối với những giao dịch mua bán hàng ngày.

Việc mua hàng trước trả tiền sau (mua trước, trả sau) cho phép người tiêu dùng được sử dụng thẻ tín dụng để giao dịch. Hoạt động này về cơ bản là những khoản vay ngắn hạn, có thể thanh toán trong một khoảng thời gian được ấn định với mức lãi suất 0%. Tuy nhiên, vấn đề sẽ xảy ra nếu bạn bỏ lỡ một lần thanh toán và điều này đồng thời sẽ ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bạn.

 
Theo báo cáo thanh toán toàn cầu của FIS WorldPay được công bố ngày 6/5, các giao dịch mua trước, trả sau chiếm khoảng 6% tất cả các phương thức thanh toán thương mại điện tử ở Canada trong năm 2022, tăng gấp đôi so với số tiền chi tiêu cho thương mại điện tử mua trước, trả sau của năm 2021. Việc đẩy mạnh hoạt động mua trước, trả sau chứng tỏ sự ưa thích tín dụng của người tiêu dùng Canada lên cao.

Trưởng Nhóm Fintech và bảo vệ người tiêu dùng Brigitte Goulard nhận xét một phần nguyên nhân của việc tăng cường giao dịch mua trước, trả sau là người tiêu dùng được vay mượn dễ dàng mà không cần cân nhắc hậu quả tham gia cam kết đó. Việc chi tiêu bằng thẻ tín dụng là rất dễ dàng, nhưng chương trình mua trước, trả sau lại tạo ra ấn tượng rằng đó gần như là một khoản miễn phí theo một nghĩa nào đó, mặc dù thực tế không phải là như vậy.

Thành viên của Nhóm kế toán viên chuyên nghiệp Canada, Doretta Thompson, cho rằng các khoản vay ngắn hạn là không có gì mới, nhưng chương trình mua trước, trả sau đang được người tiêu dùng sử dụng ngày nay đã khác. Nó đã được số hóa và mọi người thường nói đó là những khoản vay nhỏ để mua những thứ nhỏ nhặt. Hình phạt sẽ xuất hiện nếu bạn bỏ lỡ một lượt thanh toán và nó có thể bị tăng lên. Đó sẽ là điểm khởi đầu của một con dốc trượt cho dù chỉ là sử dụng cho giao dịch nhỏ.

Sự gia tăng nhanh chóng của các giao dịch mua trước trả sau, đặc biệt là trong thời điểm COVID-19, đã thúc đẩy Cơ quan Tiêu dùng tài chính Canada (FCAC) triển khai một nghiên cứu vào năm 2021, trong đó cho thấy người sử dụng chương trình này có xu hướng trẻ hơn, với nhóm đông nhất ở độ tuổi từ 18 đến 44 tuổi. 42% số người được hỏi trong nghiên cứu này cho rằng chương trình mua trước trả sau giúp họ lập kế hoạch ngân sách, trong khi 39% nói rằng họ không đủ khả năng chi trả toàn bộ ngay một lần và 23% cho rằng họ dùng chương trình này để tránh lãi và phí.

Goulard cho rằng chương trình mua trước, trả sau là giao dịch đặc biệt cần có sự theo dõi, nhất là trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao. Nó không giúp bạn lập ngân sách mà chỉ nuôi dưỡng văn hóa chi tiêu. Nếu bạn là người có tổ chức, luôn thanh toán đúng hạn thì đây là một sản phẩm tốt cho phép trả góp mà không tính lãi hay phí. Ngược lại nếu không có kỷ luật, nó sẽ mang lại nhiều rủi ro.

Chuyên gia tài chính cá nhân Barry Choi chia sẻ về rủi ro đối với chương trình mua trước, trả sau đó là người tiêu dùng có thể sẽ chi tiêu nhiều hơn so với việc họ thanh toán một lần để mua hàng qua thẻ tín dụng của mình. Bạn cần phải luôn thanh toán toàn bộ số dư khi đến hạn và đáp ứng các điều khoản đó nếu không chắc chắn bạn sẽ phải chi nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu.

Trong khi đó, Thompson khuyên người tiêu dùng không nên trải nghiệm mua sắm trực tuyến bởi những gì họ muốn là giúp bạn đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng và dễ dàng. Đồng thời cũng không nên lưu thẻ tín dụng trên các trình duyệt hay app mua sắm bởi điều này sẽ loại khả năng mua hàng bằng cú nhấp chuột. Hãy làm chậm quyết định mua hàng và đảm bảo việc mua hàng phù hợp với ngân sách và khả năng thanh toán của bản thân bạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục