Cảnh báo tình trạng lừa đảo buôn bán đồ cổ giả tại Điện Biên

20:41' - 04/05/2017
BNEWS Cơ quan điều tra Công an Tp. Điện Biên Phủ vừa điều tra làm rõ một nhóm 9 đối tượng có hộ khẩu thường trú tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh lên địa bàn tỉnh Điện Biên để lừa bán đồ giả cổ.
Điện Biên phát hiện tình trạng buôn bán đồ cổ giả. Ảnh: thegioidoco.net

Ngày 4/5, Phó trưởng công an Thành phố Điện Biên Phủ, Thượng tá Bùi Quốc Huy cho biết: Cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố hồ sơ, nếu đủ điều kiện sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hành vi của nhóm đối tượng này.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, ngày 27/4, Công an phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ nhận được đơn trình báo của ông Phạm Công Thả, trú tại đội 1, xã Pom Lót, huyện Điện Biên về việc, có một nhóm đối tượng đến nhà ông giới thiệu là thợ lái máy xúc.

Trong khi thi công công trình, họ đã đào được một một số vật thờ cúng cổ bằng đồng, gồm 1 chiếc bình hồ lô tạo dáng bát tiên và 2 con cóc ngậm đồng tiền. Nếu ông Thả mua, họ sẽ bán rẻ. Tin rằng đó là đồ cổ thật ông Thả đã vay mượn tiền để mua với giá 10 triệu đồng. Sau đó gia đình nghi ngờ đồ giả thì nhóm đối tượng này đã tẩu thoát.

Sau khi nhận nguồn tin, Công an phường Thanh Bình phối hợp với Đội hình sự Công an thành phố triển khai lực lượng xuống địa bàn xác minh thông tin vụ việc. Tổ công tác phát hiện nhóm đối tượng trên đang hoạt động tại phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ và đã triệu tập các đối tượng trên về trụ sở Công an phường để làm rõ

Các đối tượng khai là Nguyễn Khánh Duy (sinh năm 1983), Lê Đức Thành (sinh năm 1989), Phan Văn Quốc (sinh năm 1993), Trần Ngọc Đăng (sinh năm 1990), Võ Thanh Toàn (sinh năm 1990), Lê Hoàng Sơn (sinh năm 1987), Nguyễn Quốc Tiên (sinh năm 1988), Nguyễn Thị Thu Hồng (sinh năm 1996) và Nguyễn Văn Hùng (không có giấy tờ tùy thân nên không xác định được năm sinh) đều có trú tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã bán được cho 2 người là ông Phạm Công Thả một bộ 10 triệu đồng và ông Nguyễn Thiện Thênh trú tại tổ 10, phường Thanh Trường một bộ 6 triệu đồng.

Tất cả số đồ kim loại trên Nguyễn Văn Hùng mua tại thành phố Hồ Chí Minh với giá 1,7 triệu đồng/bộ (gồm 1 bình và 2 con cóc) sau đó chuyển cho các đối tượng ở Điện Biên bôi đất sét lên, giả làm công nhân lái máy xúc công trình đào được dưới lòng đất.

Tinh vi hơn, khi nhóm đối tượng đang giới thiệu chào hàng thì có đối tượng khác giả là người buôn đồ cổ liên tục gọi điện thoại đến trả giá cao lô hàng trên.

Khi đó, các đối tượng này mở loa ngoài cho mọi người cùng nghe, vì vậy đã có một số người dân nhẹ dạ cả tin sập bẫy, thậm chí nhiều người còn đi vay nặng lãi để mua. Thực chất đây là những đồ kim loại được làm giả cổ để người tiêu dùng trưng bày theo thị hiếu. Các đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của người dân để lừa đảo.

Thượng tá Bùi Quốc Huy cho biết: Theo quy định của pháp luật việc trao đổi mua bán của người dân liên quan đến các món đồ cổ mà không chứng minh được quyền sở hữu, không thực hiện đúng theo quy định pháp luật là vi phạm pháp luật.

Do vậy, khi người dân phát hiện cổ vật cũng như có người đến giới thiệu mời mua mà không có giấy tờ chứng minh hợp pháp, thì người dân nên báo cho chính quyền địa phương, cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý theo quy định pháp luật. Đặc biệt, khi người dân nghi ngờ các đối tượng mời bán có hành vi lừa đảo để trục lợi hoặc làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị thì người dân báo cho cơ quan công an địa phương để kịp thời xử lý.

Hiện Công an Thành phố Điện Biên Phủ đang tiếp tục điều tra và xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục