Cảnh báo tình trạng thờ ơ với sức khỏe của giới trẻ

07:21' - 11/05/2016
BNEWS Sự thờ ơ và thiếu đầu tư cho y tế của các quốc gia trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua đã hủy hoại sức khỏe của thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10-24 trên toàn cầu.
Cảnh báo tình trạng thờ ơ với sức khỏe của giới trẻ. Ảnh: sheknows.com

Đó là kết quả một nghiên cứu lớn được đăng tải trên tạp chí y học "The Lancet" của Anh số ra ngày 10/5.

Nghiên cứu cho thấy trong khi các nỗ lực toàn cầu đã giúp cải thiện đáng kể sức khỏe cho trẻ em từ 5 tuổi trở xuống thì tình trạng chăm sóc sức khỏe của thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10-24 trên thế giới không được cải thiện.

Tỷ lệ tử vong trong nhóm tuổi này đã giảm chậm hơn và các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu như tai nạn giao thông, tự tử, bạo lực, bệnh lao và chết đuối, vẫn đeo bám dai dẳng. Chưa kể còn có các nguy cơ tử vong phổ biến khác như nước uống nhiễm khuẩn và hệ thống vệ sinh không đảm bảo.

Nghiên cứu cũng cho biết nguy cơ về sức khỏe tăng cao nhanh nhất là trong giai đoạn từ năm 1990-2013, thời điểm bùng phát xu hướng quan hệ tình dục không an toàn trong giới trẻ.

Nguy cơ lây bệnh qua đường tình dục được ghi nhận đặc biệt cao đối với thanh thiếu niên tại các nước đang phát triển. Hiện có tới 2/3 thanh thiếu niên đang lớn lên tại các quốc gia, nơi đang gặp khó khăn trong công tác phòng và điều trị căn bệnh HIV/AIDS, trong khi tình trạng có thai sớm, suy nhược, tổn thương và bạo lực vẫn là mối đe dọa hàng ngày đối với họ.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết rượu vẫn được xếp vào nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở thanh niên độ tuổi 20-24 và chiếm tới 7% chi phí y tế trên toàn thế giới, chỉ sau ma túy.

Nhà khoa học George Patton thuộc Đại học Melbourne, dẫn đầu nhóm nghiên cứu trên, đã kêu gọi thế giới "đầu tư lớn hơn" cho sức khỏe của giới trẻ, để có thể thu về đồng thời 3 lợi ích to lớn cho thế hệ trẻ ngày nay, thế hệ trưởng thành nhiều năm sau và thế hệ con cái của họ.

Nhóm nhà khoa học đầy tâm huyết này cũng kêu gọi chính phủ các nước không chỉ đầu tư trực tiếp vào y tế mà còn chú trọng đầu tư cho giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên- đối tượng mà theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhận định là "nguồn tài nguyên chưa được khai thác lớn nhất của thế giới"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục