UNICEF lo ngại khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở trẻ em tại các nước giàu

15:46' - 15/04/2016
BNEWS Theo UNICEF, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa trẻ em tại các quốc gia giàu có nhất thế giới đang ngày càng bị nới rộng và hiện ở mức cao nhất trong ba thập niên trở lại đây.
UNICEF lo ngại khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở trẻ em tại các nước giàu. Ảnh minh họa: UNICEF

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tiến hành nghiên cứu với việc phân tích 4 tiêu chí – thu nhập, giáo dục, sức khoẻ và sự hài lòng đối với cuộc sống – tại 41 quốc gia có mức thu nhập cao, qua đó cho thấy từ năm 2008 đến năm 2013, bất bình đẳng về thu nhập đã gia tăng đáng kể tại 1/3 trong tổng số các quốc gia mà tổ chức này tiến hành khảo sát.

Mặc dù trong khoảng thời gian này, cách biệt về học vấn đã được thu hẹp, điều kiện sinh hoạt, thể dục thể thao và ăn uống lành mạnh đối với trẻ em nghèo tại đa số quốc gia nói trên đã được cải thiện, nhưng tình trạng bất bình đẳng về sức khoẻ ở trẻ lại gia tăng.

Bà Yekaterina Chzhen, chuyên gia chính sách kinh tế xã hội của UNICEF, cho biết trong bảng xếp hạng chênh lệch giàu nghèo đối với 41 quốc gia nói trên, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Áo và Thuỵ Sĩ gần như không có khoảng cách chênh lệch.

Một số quốc gia như Anh và Mỹ lại bị xếp vào giữa danh sách, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Bulgaria và Italy rớt xuống cuối bảng xếp hạng.

Bên cạnh đó, một số quốc gia giàu có chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến trẻ nhỏ có hoàn cảnh nghèo khó, khiến các em ngày càng trở nên tụt hậu so với bạn bè cùng trang lứa thuộc các gia đình khá giả.

Theo bà Chzhen, bản báo cáo của UNICEF đã khắc họa một bức tranh không đồng nhất khi một số quốc gia không có thành tích tổng quát tốt trong việc xóa bỏ chênh lệch giàu nghèo giữa trẻ em, nhưng lại có nhiều tiến bộ lớn trong các tiêu chí khác, chẳng hạn Mỹ có mức độ bất bình đẳng thu nhập cao, đi kèm với đó là tỷ lệ bất bình đẳng ở trẻ em, song xét trên tiêu chí bất bình đẳng giáo dục, khoảng cách chênh lệch của nước này lại không lớn.

Chuyên gia Chzhen cũng cho biết trẻ em nghèo có nhiều cơ hội được cải thiện cuộc sống hơn chủ yếu tại các quốc gia Bắc Âu - nơi có hệ thống phúc lợi xã hội vững mạnh và có sự tái phân phối thu nhập giữa những người giàu nhất với những người nghèo nhất./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục