Cảnh báo về hạt nhựa siêu nhỏ xâm chiếm vùng núi hẻo lánh

13:42' - 16/04/2019
BNEWS Một khu vực vùng núi hẻo lánh tưởng chừng như "miễn nhiễm" với rác thải nhựa trên thực tế lại bị bao phủ bởi một bầu không khí chứa đầy các hạt nhựa siêu nhỏ với mật độ tương đương như thủ đô Paris.

Đây là cảnh báo của các nhà khoa học châu Âu đưa ra ngày 15/4.

Trong công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Geoscience, các nhà khoa học thuộc Đại học Strathclyde ở Scotland và Phòng thí nghiệm Ecolab ở thành phố Toulouse (Pháp) cho biết, trong một khoảng thời gian kéo dài 5 tháng trong giai đoạn 2017-2018, trung bình mỗi ngày có 365 hạt nhựa siêu nhỏ được xử lý trên mỗi mét vuông của một khu vực vùng núi không có người sinh sống ở Pyrenees, dãy núi phía Tây Nam châu Âu tạo thành đường biên giới tự nhiên giữa Pháp và Tây Ban Nha.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng 2 thiết bị giám sát để đo mật độ hạt nhựa siêu nhỏ trong không khí tại khu vực Pyrenees vốn từ lâu được coi là hoang sơ nhất Tây Âu. Khu vực này nằm cách ngôi làng gần nhất 7 km và cách thành phố gần nhất là Toulouse 100 km.

Nghiên cứu tập trung xác định sự tập trung của các hạt nhựa siêu nhỏ, chủ yếu có đường kính từ 10-150 micrometre. Để so sánh, một sợi tóc con người có đường kính trung bình 70 micrometre.

Các hạt nhựa siêu nhỏ, theo gió, tuyết và mưa thổi tới, đã được thu thập tại trạm khí tượng Bernadouze ở độ cao hơn 1.500 mét. Các nhà khoa học đã rất bất ngờ khi thấy nồng độ ô nhiễm nhựa siêu nhỏ ngang với các thành phố lớn trên thế giới như Paris và thành phố công nghiệp Đông Quản ở Đông Nam Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện chưa thể lý giải về nguồn gốc của lượng hạt nhựa siêu nhỏ nói trên, cũng như việc các hạt nhựa này đã "chu du" bao xa. Phân tích mô hình các luồng không khí, họ phỏng đoán một lượng đáng kể hạt nhựa siêu nhỏ đã đi được quãng đường ít nhất 100 km.

Trong những năm trở lại đây, rác thải nhựa đã nổi lên là một vấn đề môi trường nghiêm trọng. Hơn 12 triệu tấn nhựa được cho là đã bị thải ra các đại dương trên thế giới mỗi năm, trong khi hàng triệu tấn nhựa đang gây tắc nghẽn hoạt động giao thông đường thủy ở nhiều quốc gia. Nhựa mất nhiều thập kỷ để phân hủy, và thậm chí sau đó nhựa vẫn tiếp tục tồn tại trong môi trường.

Tuy nhiên, chỉ đến thời điểm này các nhà khoa học mới bắt đầu nghiên cứu những tác động của rác thải nhựa đối với động vật hoang dã cũng như đối với sức khỏe con người.

Theo kết quả một nghiên cứu công bố hồi đầu năm nay, nhiều mảnh nhựa đã được phát hiện trong dạ dày của các loài động vật sống hơn 10 km dưới bề mặt đại dương. Hai con cá voi được tìm thấy mắc cạn trên bãi biển ở Philippines và Sardina, hồi đầu năm có lần lượt 40 và 20 kg nhựa trong dạ dày.

Những hạt nhựa siêu nhỏ cũng được tìm thấy trong nước máy trên khắp thế giới, và thậm chí là nơi xa nhất của Nam Cực./.

Xem thêm:

>>Nhức nhối rác thải nhựa

>>"Xanh hóa" hệ thống phân phối

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục