"Xanh hóa" hệ thống phân phối

19:48' - 05/04/2019
BNEWS Bộ Công Thương đánh giá hành động sử dụng lá chuối thay túi nilon và giấy gói khác là một ý tưởng sáng tạo góp phần bảo vệ môi trường sống đang bị ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng tăng cao.

Nhân việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các siêu thị vừa qua đã chủ động sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nilon nhằm bảo vệ môi trường; đồng thời kêu gọi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, rác thải nhựa, chiều 5/4 phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước xung quanh vấn đề này.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Vừa qua, một số doanh nghiệp như Hệ thống chuỗi các siêu thị Co.op mart Việt Nam, Siêu thị Big C Đà Nẵng, Siêu thị Big C Hà Nội, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)... đã triển khai sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nilon. Bộ Công Thương nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Bà Lê Việt Nga: Bộ Công Thương đánh giá hành động sử dụng lá chuối thay cho những chiếc túi nilon và giấy gói khác là một ý tưởng sáng tạo góp phần bảo vệ môi trường sống đang bị ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng tăng cao.

Thực tế, từ nhiều năm nay, nhiều siêu thị tại Việt Nam đã triển khai sử dụng những tấm màng co, túi nilon tự hủy để dùng gói thực phẩm. Tuy nhiên, việc thay mới bằng lá chuối cho sản phẩm rau, củ là cách thiết thực nhất để siêu thị và người tiêu dùng cùng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, đặc biệt trong bối cảnh sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường (bao bì xanh) là một trong những ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới.

Hơn nữa, nhận thức của người tiêu dùng về an toàn và lợi ích môi trường liên quan đến bao bì thân thiện môi trường (bao bì tự hủy, bao bì có thể tái sử dụng hoặc tái chế) ngày càng gia tăng.

Việc sản xuất và sử dụng bao bì thân thiện môi trường được dự báo sẽ trở thành một xu hướng sản xuất và tiêu dùng trong tương lai do loại bao bì này không chỉ mang lại giải pháp an toàn đối với sức khỏe, trí lực của con người, thay thế cho các bao bì gây độc hại, mà còn hỗ trợ làm giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có gần 19.000 tấn rác thải nhựa được thải ra, trong đó trung bình mỗi gia đình sử dụng từ 5-7 túi nilon để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Nghiên cứu cho thấy, nếu đem tiêu hủy, nhựa từ nilon có khả năng gây ô nhiễm không khí dẫn đến nhiều bệnh về đường hô hấp. Còn nếu thải ra môi trường, một chiếc túi nilon phải mất 500-1.000 năm mới phân hủy hoàn toàn. Về lâu dài, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả môi trường sống và sức khỏe của người dân.

Trước mối lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường với lượng rác thải nhựa tăng cao, việc người tiêu dùng Việt Nam hưởng ứng phong trào sử dụng bao bì xanh tại các siêu thị như thời gian vừa qua là tín hiệu đáng mừng, phản ánh ý thức của người dân về bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường được cải thiện đáng kể.

Vì thế, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ tại Việt Nam cần nắm bắt tốt sự thay đổi này để có phương thức thu mua, phân phối sản phẩm thân thiện môi trường cũng như đóng gói sản phẩm bằng những vật liệu thân thiện môi trường phù hợp với xu hướng sống xanh đang ngày một gia tăng trong khu vực và trên thế giới.

Phóng viên: Qua mô hình này có thể thấy cơ quan quản lý nhà nước luôn đi chậm so với sự phát triển của doanh nghiệp trong việc tiến tới mô hình kinh doanh ”xanh”. Bộ Công Thương có ý kiến gì về vấn đề này?

Bà Lê Việt Nga: Bộ Công Thương rất ủng hộ các doanh nghiệp đã chủ động triển khai biện pháp thiết thực, cụ thể, giảm thiểu tác hại của túi nilon, góp phần tích cực nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và thói quen sử dụng túi nilon của các siêu thị và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sống vì lợi ích cộng đồng.

Bộ Công Thương đã theo sát và triển khai những chương trình có liên quan đến xanh hóa các mô hình kinh doanh; trong đó chú trọng đến hoạt động thay thế túi nilon bằng sản phẩm thân thiện môi trường trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng.

Từ năm 2013, các cơ quan quan quản lý nhà nước đã xác định việc “Thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt cộng đồng” là hoạt động vô cùng quan trọng.

Bộ Công Thương cũng xác định đây là hoạt động lâu dài, cần có nhiều thời gian và để đạt được kết quả cao cần có sự chung tay, hỗ trợ từ nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể, đặc biệt cần có sự tham gia hưởng ứng từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như từ phía người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, các hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm thân thiện môi trường vào các hệ thống bán lẻ để chỉ ra những tác hại của túi nilon khó phân hủy cũng như lợi ích của các sản phẩm thay thế, làm tiền đề cho các doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng hóa nhạy bén và chủ động triển khai các sản phẩm tự nhiên để bọc gói sản phẩm.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ) trong đó có triển khai nhiệm vụ “Xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường”.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công Thương đã phê duyệt thực hiện 2 nhiệm vụ gồm việc nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển các kênh phân phối sản phẩm thân thiện môi trường (tập trung nghiên cứu kênh phân phối sản phẩm điện gia dụng, sản phẩm sử dụng năng lượng).

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá và cấp chứng nhận hệ thống phân phối bán lẻ xanh tại Quyết định số 2308/QĐ-BCT ngày 8 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt kinh phí nhiệm vụ năm 2017 thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đặc biệt, Bộ Công Thương còn thực hiện “Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý môi trường trong các cơ sở phân phối hàng hóa” nhằm tổng quan các vấn đề môi trường trong hoạt động của hệ thống phân phối và tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; quản lý và bảo vệ môi trường trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng đối với hệ thống phân phối; quản lý và bảo vệ môi trường trong giai đoạn triển khai xây dựng đối với hệ thống phân phối; quản lý và bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành đối với hệ thống phân phối...

Ngoài ra, tại Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu, định hướng và giải pháp chủ yếu đề phát triển thương mại trong nước đều chú trọng đến nội dung bảo vệ môi trường.

Phóng viên: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương có đề xuất những giải pháp nào và có thể chia sẻ gì về chương trình hành động xây dựng hệ thống phân phối xanh mà Bộ Công Thương đang ấp ủ?

Bà Lê Việt Nga: Việt Nam đang ngày càng nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của sản xuất và tiêu dùng bền vững nói chung; trong đó có phát triển sản xuất và tiêu thụ các bao bì sản phẩm thân thiện môi trường nói riêng.

Quyết tâm này được thể hiện qua chính sách được ban hành: Quyết định số 76/QĐ - TTg ngày 11/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, Bộ Công Thương đang xây dựng Chương trình hành động quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 – 2030, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2019; trong đó bao gồm Chương trình hành động về phát triển hệ thống phân phối xanh (hệ thống phân phối bền vững) tại Việt Nam giai đoạn 2020-2030.

Tại Chương trình này, các nghiên cứu đánh giá về thực trạng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường tại Việt Nam sẽ được thực hiện, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới về việc xây dựng và nhân rộng các mô hình phân phối sản phẩm thân thiện môi trường.

Mặt khác, kiến nghị đề xuất với Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia hệ thống phân phối xanh; thúc đẩy sản xuất, phân phối, tiêu dùng hàng hóa thân thiện môi trường.

Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền phố biến nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích nhiều thành phần, nhóm đối tượng trong xã hội tham gia hệ thống phân phối xanh, lan tỏa lối sống xanh cho cộng đồng, vì một môi trường xanh cho bản thân mỗi gia đình Việt Nam nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục