Rác thải nhựa gây ô nhiễm cả những vùng biển sâu nhất

10:43' - 27/02/2019
BNEWS Không chỉ trôi nổi trên mặt nước biển hay dạt trên các bãi cát, rác thải nhựa nay còn được phát hiện cả trong ruột của những động vật sinh sống ở các vùng nước sâu nhất trong lòng đại dương.

Kết quả nghiên cứu mới được công bố ngày 27/2 phần nào cho thấy bàn tay của con người đang làm ô nhiễm cả những vùng sâu thẳm nhất trên Trái Đất. 

Mỗi năm, hơn 300 triệu tấn nhựa được sản xuất và tính tới nay, ít nhất 5.000 tỷ vật thể nhựa được cho là đang trôi nổi trên bề mặt các đại dương.

Do các yếu tố về chi phí và thời gian, hầu hết các nghiên cứu về ô nhiễm rác thải nhựa mới chỉ được tiến hành ở các vùng nước bề mặt.

Những nghiên cứu này đều chỉ ra rác thải nhựa đã gây ra tình trạng ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng tới môi sinh của các loài sinh vật dưới nước như cá, rùa, cá voi và chim biển.

Nhưng nghiên cứu mới của một nhóm chuyên gia người Anh đã chỉ ra rác thải nhựa còn có cả trong cơ thể của những chú tôm nhỏ sinh sống ở 6 vùng nước sâu nhất trong lòng đại dương.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra tại vùng Mariana, phía Đông Philippines, vùng lõm sâu nhất trên Trái Đất, 100% động vật dưới biển được nghiên cứu có các sợi nhựa trong hệ tiêu hóa.

Với mục đích nghiên cứu ban đầu là tìm kiếm những loài sinh vật mới, nhóm nghiên cứu rất bất ngờ khi tình cờ phát hiện ra ô nhiễm rác thải nhựa đang lan rộng ở cả những vùng sâu thẳm trong lòng đại dương.

Dấu vết của rác thải nhựa được tìm thấy trong cơ thể của tất cả các loài động vật ở những vùng nước sâu ở Thái Bình Dương như vùng rãnh đại dương ở Peru-Chile, phía Đông Nam của Thái Bình Dương, vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, New Zealand, Peru.

Trong số 90 sinh vật mà nhóm chuyên gia phân tích thì có 65 sinh vật (hơn 72%) có ít nhất 1 tinh thể nhựa siêu nhỏ trong người.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Khoa học Royal Society Open chỉ ra rằng hầu hết các sợi nhựa được tìm thấy đều là những chất liệu được sử dụng làm sợi vải như nylon, có tuổi đời khoảng vài năm.

Tuy chưa khẳng định được cách thức những vật thể nhựa có thể chìm sâu xuống lòng đại dương nhưng nghiên cứu đưa ra một số giả thuyết như những sinh vật bề mặt ăn phải những rác thải nhựa sau đó chết đi và chìm xuống đáy đại dương hoặc rác thải nhựa sau thời gian trôi nổi trên bề mặt và trong quá tình phân hủy, tập trung vi khuẩn, chìm dần xuống đáy đại dương.

Những giả thuyết này làm dấy lên lo ngại rằng dần dần tất cả rác thải nhựa trên bề mặt sẽ chìm xuống đáy và làm tổn hại tới môi sinh trong lòng đại dương và gây ra tác hại khôn lường tới đời sống của những loài sinh vật tầng đáy./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục