"Cánh chim non" giữa bão COVID-19
Chiếc tàu bay đầu tiên mang nhãn hiệu Vietravel Airlines đáp xuống Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào rạng sáng 5/12 vừa qua đã chính thức đánh dấu sự gia nhập thị trường của một hãng hàng không mới tại Việt Nam.
Giữa lúc dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, thị trường bay quốc tế đóng cửa, các hãng hàng không lớn, nhỏ cả trong và ngoài nước đang gồng mình chống đỡ, sự xuất hiện của Vietravel Airlines tại thời điểm này liệu có quá mạo hiểm?"Cánh chim non" giữa bão"Vietravel Airlines đang nhanh chóng hoàn thiện đội tàu bay cũng như đáp ứng những yêu cầu cần thiết để có thể nhận Chứng chỉ Nhà khai thác tàu bay (AOC). Toàn bộ nguồn nhân lực và kỹ thuật của Vietravel Airlines đã sẵn sàng cho việc cất cánh chuyến bay đầu tiên", Chủ tịch Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) Nguyễn Quốc Kỳ cho biết. Sau khi Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vietravel Airlines đang hoàn tất các thủ tục xin cấp chứng chỉ AOC. Được biết, hiện Cục Hàng không Việt Nam đang tiến hành thẩm định hồ sơ và tiến hành kiểm chứng, nhanh nhất vào giữa tháng 12, Vietravel Airlines có thể nhận được được Chứng chỉ này nếu như đạt yêu cầu.Chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, song song với việc hoàn tất các thủ tục để có được AOC, Vietravel Airlines đang triển khai các công việc cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ để có thể cất cánh trước Tết Nguyên đán năm nay.
Vietravel Airlines được Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 19/2/2019, vốn điều lệ 700 tỷ đồng, chủ sở hữu là Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel). Tháng 4/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 457/QĐ-TTg, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng. Vietravel Airlines là doanh nghiệp thuộc loại hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên với chủ sở hữu là Vietravel, ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh vận chuyển hành khách và hàng hóa hàng không. Vietravel Airlines đặt trụ sở chính tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế) với mục tiêu cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.Định hướng phát triển của hãng là phục vụ khách du lịch là chủ yếu với mạng đường bay gắn với tuyến du lịch trong nước và quốc tế, kết nối nội vùng với các cảng hàng không còn dư nhiều công suất như: Chu Lai, Đà Nẵng, Quảng Nam, Vân Đồn, Hải Phòng... Theo đó, Vietravel sẽ cung cấp giá tour du lịch bao gồm cả giá vé máy bay với đường bay thẳng, thời gian bay ngắn…
Dự án vận tải hàng không lữ hành của Vietravel Airlines có thời gian hoạt động 50 năm. Về quy mô, số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên của Vietravel Airlines là 3 tàu bay, tăng dần lên 8 tàu bay vào năm thứ 5 khai thác.Dự kiến khi đi vào hoạt động, Vietravel Airlines đặt mục tiêu phục vụ 1 triệu lượt trong năm đầu tiên, qua đó tạo việc làm cho gần 600 lao động, đóng góp nguồn thu vào ngân sách.Sức khỏe tài chính vấp phải hoài nghiVietravel Airlines đã từng vấp phải sự hoài nghi của Bộ Tài chính và các chuyên gia hàng không về tình hình tài chính của công ty mẹ là Vietravel trong dịch COVID-19. Giữa tháng 10/2020, Bộ Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp làm rõ năng lực tài chính để vận hành hãng bay trong bối cảnh nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh công ty mẹ Vietravel chủ yếu đến từ nguồn vốn vay thương mại.Dẫn báo Báo cáo tài chính quý III/2019 và Báo cáo tài chính quý II/2020 của Công ty Vietravel (là doanh nghiệp được niêm yết cổ phiếu trên thị trường Upcom và công khai báo cáo tài chính), Bộ Tài chính cho rằng nguồn vốn Công ty Vietravel đầu tư góp vốn thành lập Vietravel Airlines được lấy từ khoản phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi trong thời hạn 2 năm có tài sản bảo đảm là tài khoản thanh toán của Vietravel Airlines được mở tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).Để có đủ vốn cho Vietravel Airlines, tháng 9/2019, Vietravel đã phát hành trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng, với mức lãi suất 9,25%/năm trong 15 tháng đầu và 11%/năm kể từ sau đó.Báo cáo tài chính đến hết quý II/2020, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietravel giảm mạnh, chỉ còn 972 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 là 3.579 tỷ đồng. Chi phí tài chính mà chủ yếu là lãi vay tăng mạnh từ 6,3 tỷ đồng lên đến 41 tỷ đồng, lỗ từ công ty liên kết, kinh doanh cũng tăng theo. Sau khi trừ đi các khoản thì Vietravel lỗ 73,6 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2019 lãi 29 tỷ đồng.
Tổng cộng nguồn vốn của Vietravel tính đến 30/6/2020 là 1.879 tỷ đồng, giảm 14% so với số đầu năm, trong đó, chủ yếu là nợ phải trả 1.717 tỷ đồng, gấp gần 11 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ phải trả, vay nợ thuê tài chính chiếm một nửa, ghi nhận 989 tỷ đồng. Sang đến quý III/2020, Vietravel ghi nhận doanh thu đạt 486,5 tỷ đồng, bằng 21,8% thực hiện trong quý III/2019 và lợi nhuận trước thuế đạt 0,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ là 33,3 tỷ đồng. Nếu so sách mức lợi nhuận trước thuế quý III/2020 là 0,6 tỷ đồng với quý II/2020 là lỗ 38 tỷ đồng thì có thể thấy hoạt động kinh doanh của Vietravel đã có tín hiệu hồi phục sau cú sốc COVID-19, điều này trùng hợp với giai đoạn Việt Nam bình thường hóa hoạt động vận tải hàng không trong nước.Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietravel ghi nhận doanh thu đạt 1.457,7 tỷ đồng, bằng 25,1% so với cùng kỳ và lỗ 72,7 tỷ đồng so với mức lãi 70,1 tỷ đồng của 9 tháng năm 2019.Năm 2020, Vietravel đặt kế hoạch doanh thu giảm sâu, xuống chỉ còn 3.065 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 60% so với năm trước. Đáng chú ý, Vietravel dự kiến sẽ lỗ khoảng 22 tỷ đồng. Ở thời điểm hiện tại, thế mạnh nổi bật nhất của Vietravel Airlines có lẽ là khai thác nguồn khách du lịch mà công ty mẹ đang sở hữu, tuy nhiên, thị trường du lịch cũng gặp khó. Trong khi đó, công ty mẹ dù đã có tín hiệu phục hồi về kinh doanh nhưng áp lực trả lãi lớn đối với các khoản vay khiến giới chuyên gia lo ngại về sức khỏe tài chính của công ty này. Từ đó đặt ra câu hỏi liệu công ty con Vietravel Airlines có được "chu cấp" đủ khoẻ để cạnh tranh công bằng với các hãng "đàn anh" trên thị trường?Cửa sáng nào cho "tân binh"?COVID-19 đã giáng một đòn mạnh lên các hãng hàng không. Theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), tổng số chuyến bay khai thác 3 quý đầu năm 2020 của 5 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacifics, Vasco, Bamboo Airway đạt 159.808 chuyến, giảm mạnh gần 40% so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng kết quả kinh doanh tại Vietnam Airlines, không khó để thấy sự "tàn khốc" do COVID-19 gây ra. Tổng doanh thu hợp nhất tính đến hết quý III/2020 của "anh cả" hàng không Việt ước đạt 23.948 tỷ, mức lỗ hợp nhất 10.750 tỷ đồng, tương đương mức lỗ kế hoạch đặt ra cho năm 2020. Dự kiến, hết năm 2020, Vietnam Airlines sẽ lỗ 13.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Jetstar Pacifics - một thành viên của Vietnam Airlines dự kiến số lỗ lên đến 5.000 tỷ đồng.Trước những băn khoăn của dư luận về khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của Vietravel Airlines giữa bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, trong một cuộc trao đổi với báo chí, Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên khẳng định, đề án lập hãng hàng không của Vietravel Airlines đã được rà soát và cập nhật theo tình hình mới của dịch COVID-19.
Theo đó, Vietravel Airlines nhìn thấy rất nhiều cơ hội như nhiều hãng hàng không xin hủy, giãn đơn hàng, máy bay nằm sân rất nhiều. Nhờ vậy, Vietravel Airlines có cơ hội lựa chọn dòng máy bay, chủng loại động cơ tân tiến mới và hiện đại hơn so với trước đây với mức giá rất hợp lý, đồng thời có thể nhận máy bay bất kỳ khi nào cần mà không phải chờ đợi.Mặt khác, lãnh đạo Vietravel Airlines cho rằng, giá thuê tàu bay và lương của phi công, tiếp viên đã giảm xuống rất nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng là điều kiện thuận lợi cho việc thành lập hãng hàng không. Cụ thể trước dịch, giá thuê một tàu bay A321 từ 5 - 6 tuổi trở lại không dưới 550.000 USD/tháng song hiện tại, mức giá này chỉ dưới 400.000 USD. Về nhân sự, trước đây phi công A321 trả 220 triệu đồng/tháng, giờ chỉ còn 80 triệu. Tương tự, tiếp viên trước đây phải 30 - 40 triệu/tháng, giờ chỉ khoảng 10 - 12 triệu đồng.Vietravel Airlines dự kiến khai thác tàu bay A320/A321 hoặc B737 với số lượng chỉ 3 chiếc trong năm đầu tiên (bắt đầu từ năm 2021). Số tàu bay của hãng này sẽ tăng dần lên 8 chiếc trong 5 năm tiếp theo. "Nếu mọi việc suôn sẻ, phía Vietravel Airlines cũng dự tính có thể vào cuối năm 2020, chậm nhất giữa 2021 sẽ cất cánh", ông Vũ Đức Biên kỳ vọng./.>>>Dịch COVID-19 khiến doanh thu ngành hàng không lao dốc
Tin liên quan
-
Chuyển động DN
Vietravel Airlines đón tàu bay đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất
08:51' - 05/12/2020
Vào rạng sáng ngày 5/12, Công ty trách nhiệm hữu hạn hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) đã đón tàu bay đầu tiên tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Tp. Hồ Chí Minh.
-
Doanh nghiệp
Vietravel Airlines đang xin cấp phép Chứng chỉ nhà khai thác tàu bay
11:17' - 14/11/2020
Sau khi Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) đang hoàn tất các thủ tục xin cấp chứng chỉ Nhà khai thác tàu bay (AOC).
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.