Canh tác lúa bền vững giảm đến 4 triệu đồng/ha chi phí đầu vào

15:19' - 07/06/2024
BNEWS Dự án ForwardFarming canh tác lúa tiên tiến trên mô hình ruộng thực nghiệm cho kết quả lượng giống gieo sạ giảm 2,5 – 3 lần, giảm gần 50% lượng nước, giảm 1,5 - 4 triệu đồng/ha chi phí đầu vào.

Ngày 6/6, tại xã Đông Thuận, huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ), Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bayer Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động tập huấn, thăm đồng và tọa đàm nhằm đánh giá hiệu quả Dự án ForwardFarming (Canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai) và thảo luận về kế hoạch phát triển mô hình canh tác lúa bền vững tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Dự án ForwardFarming là sự hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia với Bayer Việt Nam và nhiều đối tác chiến lược trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Mục tiêu của dự án nhằm giúp nông dân Việt Nam có nâng cao hiệu quả canh tác lúa, giảm thiểu các tác động đến môi trường.

Từ tháng 9/2023 đến nay, Dự án ForwardFarming ứng dụng đồng bộ giải pháp và công nghệ canh tác lúa tiên tiến trên mô hình ruộng thực nghiệm, giảm các vật tư đầu vào đồng thời kiểm soát tốt phát thải và tác động môi trường.  Đồng thời, nâng cao năng lực và kiến thức canh tác bền vững cho người nông dân thông qua các chương trình tập huấn. Thúc đẩy hợp tác công tư trong toàn chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo.

Qua 3 vụ triển khai, các mô hình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc kết hợp phương thức gieo sạ giảm lượng giống, bón phân tối ưu kết hợp tưới tiêu hợp lý giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển trong điều kiện tối ưu.

Từ thực tế áp dụng mô hình, lượng giống gieo sạ giảm 2,5 – 3 lần (60 kg giống/ha so với tập quán nhà nông 150-180kg/ha); giảm gần 50% lượng nước tưới (110 - 120m3/ha), giảm lượng phát thải khí nhà kính 24,7%; giảm 1,5 - 4 triệu đồng/ha chi phí đầu vào. Từ đó, canh tác lúa theo mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn canh tác lúa truyền thống (tương đương 4,7 - 5,9 triệu đồng/ha).

Ngoài ra, Dự án ForwardFarming còn đào tạo, tập huấn cho hơn 4.500 nông dân tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang về canh tác lúa chất lượng cao, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm, áp dụng các biện pháp giảm phát thải trong canh tác phù hợp với tập quán nhà nông và điều kiện địa phương.

Với mục tiêu mở rộng quy mô dự án ForwardFarming, tại sự kiện, Công ty Bayer Việt Nam cùng Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các đối tác cùng thảo luận về xây dựng kế hoạch tiếp tục nghiên cứu, phát triển và đánh giá hiệu quả các công nghệ và giải pháp trong việc nâng cao chất lượng cây trồng và giảm thiểu tác động môi trường;... Từ đó, từng bước cụ thể hóa mục tiêu triển khai Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ thực tế mô hình 2,4ha lúa vụ Hè Thu sạ giống OM5451 sắp thu hoạch (trong đó có 1,2 là mô hình và 1,2ha là đối chứng) tại xã Đông Thuận (huyện Thới Lai), ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định với lượng giống 60kg/ha dùng máy sạ cụm đã tối ưu hóa giúp cây lúa đẻ nhánh, trổ đều bông. Ngoài ra, việc tối ưu hóa lượng phân bón, cung cấp khi cây lúa cần; kiểm soát không để cỏ phát triển nhưng không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng giảm lượng nước. Từ đó, mô hình đã kéo giảm được lượng phát thải.

Từ thành công của mô hình, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ giới thiệu, nhân rộng mô hình ra các địa phương. Cán bộ khuyến nông sẽ có trách nhiệm hỗ trợ mời doanh nghiệp hướng dẫn, đồng hành cùng nông dân thực hiện mô hình ForwardFarming. Từ những hecta ban đầu sẽ làm cơ sở, tiền đề hướng tới 1 triệu hecta lúa tiết kiệm giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện thành phố Cần Thơ đang thực hiện mô hình điểm Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với sự tham gia của doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, doanh nghiệp thu mua lúa, tổ khuyến nông cộng đồng hỗ trợ nông dân truy xuất nguồn gốc. Đó là cơ sở để phát triển lúa chất lượng cao. Ngành nông nghiệp địa phương kỳ vọng thời gian tới sẽ gắn được nhãn hiệu gạo giảm phát thải.

Từ kết quả 3 vụ lúa đều cho kết quả vượt trội hơn so với diện tích lúa đối chứng: năng suất, sức chống chịu của cây lúa khá tốt, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho biết, thời gian tới địa phương sẽ lan rộng áp dụng các giải pháp canh tác lúa từ mô hình cho diện tích lúa tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xạn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó, ở góc độ nông dân, anh Dương Văn Siêu (huyện Thới Lai) đánh giá cao mô hình vì đem lại nhiều lợi ích cho nông dân, cho môi trường (giảm lượng giống, giảm lượng nước, tiết kiệm được lượng phân,...). Tuy nhiên, theo anh Siêu, để mô hình lan rộng, nhiều nông dân tham gia thì cần phải có sự thời gian thay đổi tập quán của nông dân và có sự đồng hành cùng ngành chức năng.

Bởi lẽ, chính bản thân anh Siêu đã áp dụng giảm lượng giống nhưng mới thực hiện được ở vụ Đông Xuân nhờ thời tiết thuận lợi, ít dịch bệnh, chuột phá hoại thì nông dân có thể giảm lượng giống xuống khoảng 60 - 80kg/ha nhưng vụ Hè Thu chuột cắn phá nhiều, nước ít,...lúa sẽ bị hao hụt thì khó giảm lượng giống từ 100 - 120kg giống lúa/ha xuống mức như khuyến cáo.

Nhận định mô hình ForwardFarming có 2 điểm sáng là giảm giống nhưng vẫn đạt năng suất, chất lượng hạt lúa như mong muốn; giảm lượng nước khi áp dụng "tưới ngập khô xen kẽ", nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng lưu ý bà con nông dân, chi cục trông trọt các tỉnh tùy thuộc vào từng đồng ruộng, địa phương, phù hợp quá trình canh tác mà giảm lượng giống 60 - 70kg/ha, lượng phân bón phù hợp với quy trình canh tác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục