Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế quan tâm tới Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

15:08' - 07/06/2024
BNEWS Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế đang quan tâm tới Đề án Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.

Chiều 6/6, tại thành phố Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã có buổi tiếp và làm việc với bà Yvonne Pinto - Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) và các thành viên đoàn. Hai bên cùng trao đổi về hợp tác trong sản xuất lúa gạo trong thời gian tới; trong đó IRRI quan tâm tới Đề án Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).

 

Đề cập đến hợp tác giữa IRRI và Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Việt Nam đang triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Đây là đề án đầu tiên trên thế giới vừa sản xuất lúa chất lượng cao, vừa phát thải thấp.

Để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giữa năm 2023 đến đầu năm 2024, Bộ Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế tăng cường hợp tác với ngành nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh các giải pháp triển khai, trong đó có sự hỗ trợ từ IRRI. Đặc biệt, các chuyên gia IRRI đã phối hợp với các nhà khoa học công bố quy trình canh tác lúa bền vững, lúa chất lượng cao, phát thải thấp (đây là cơ sở quan trọng để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).

Trong ngày 7/6, IRRI sẽ hướng dẫn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế về một số hướng dẫn kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tham gia vào Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao.

Ông Trần Thanh Nam cho biết, khi triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, hợp tác xã nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn đưa ra các tiêu chí để làm rõ được trách nhiệm, quyền lợi các bên tham gia. Từ đó, làm cơ sở huy động các lực lượng xã hội tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao.

Tuy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ ủng hộ và chỉ đạo chặt chẽ; các tổ chức quốc tế đồng hành tham gia nhưng vì là dự án đầu tiên trên thế giới nên còn nhiều khó khăn.

Vì thế, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Tổng Giám đốc IRRI nghiên cứu một số nội dung để IRRI tiếp tục phối hợp và hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, mục tiêu chính của Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao là vừa đảm bảo xây dựng 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tổ chức lại sản xuất để nâng cao giá trị sản và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, để nâng cao giá trị thì phải được thị trường chấp nhận. Vì vậy, ông Nam mong muốn IRRI hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn gạo chất lượng cao, phát thải thấp gắn với xây dựng thương hiệu gạo phát thải thấp để đưa ra thị trường quốc tế.

Ông Trần Thanh Nam cũng cho biết, các doanh nghiệp tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao mong muốn có thương hiệu gạo giảm phát thải để bán ra thị trường quốc tế. Nhưng có thương hiệu gạo thì phải có tiêu chuẩn gạo giảm phát thải. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới chưa có tiêu chuẩn gạo giảm phát thải.

Ngoài ra, ông Trần Thanh Nam cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu đa giá trị của hạt gạo trên thị trường quốc tế. Vì vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam mong muốn IRRI hỗ trợ chia sẻ kết quả nghiên cứu các nguồn gene để phát triển các giống lúa thích ứng hạn mặn, giảm phát thải và các giống lúa có chỉ số đường huyết thấp tại Việt Nam.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng mong muốn IRRI hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn. Từ đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách và hình thành phát triển hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Cùng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng mong muốn tiếp tục hợp tác với IRRI đẩy mạnh triển khai các mô hình, giống lúa, đào tạo, triển khai ứng dụng công nghệ số trong sản xuất lúa; đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong quản lý dinh dưỡng, dự báo sâu bệnh, quản lý canh tác, truy xuất nguồn gốc.

Trước những đề xuất, kiến nghị của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, bà Yvonne Pinto cam kết tăng cường hợp tác giữa IRRI và Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề ưu tiên của Chính phủ Việt Nam, trong đó có Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được thế giới quan tâm. Trước tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao có ý nghĩa không chỉ ở phạm vi Việt Nam mà toàn thế giới.

Với đề xuất IRRI hỗ trợ xây dựng tiêu chí gạo chất lượng cao, phát thải thấp, bà Yvonne Pinto cho biết các nhà khoa học chuyện gia của IRRI cũng có nghiên cứu thị trường về nhu cầu, thị hiếu vị gạo, dinh dưỡng của gạo của người tiêu dùng trên thế giới. IRRI có thể chia sẻ những nghiên cứu này với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Đối với đề xuất trong hợp tác lai tạo các giống lúa có khả năng chịu hạn mặn, đường huyết thấp, bà Yvonne Pinto cho biết, IRRI có nhiều nguồn gene các giống lúa có lượng đường thấp, có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư,... Vì vậy, IRRI sẽ hợp tác với Việt Nam lai tạo các giống lúa này.

Ngoài ra, IRRI cũng sẵn sàng tăng cường hợp tác nâng cao năng lực trong nghiên cứu lúa cho Việt Nam.

Việt Nam là trung tâm vùng sản xuất lúa gạo nổi tiếng thế giới. Hàng năm, Việt Nam sản xuất trên 43 triệu tấn lúa, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 24 triệu tấn lúa/năm. Đây là nguồn lương thực dồi dào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tham gia thị trường thương mại quốc tế.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trong 60 năm hợp tác giữa Việt Nam và IRRI, Việt Nam đã được IRRI hỗ trợ nhiều trong ngành hàng lúa gạo. Đến nay, nhà nước Việt Nam quản lý khoảng 1.000 giống lúa, phần lớn các giống lúa có liên quan đến quá trình nghiên cứu của IRRI. Ngoài ra, IRRI cũng đã chuyển giao cho Việt Nam 25 bộ giống lúa mang thương hiệu IRRI, đặc biệt là giống lúa IR504 được người nông dân ưa chuộng vì dễ trồng, dễ bán. Gạo IR504 rất được người dân ưa chuộng (nhất là ngư dân đi biển) vì gạo ngon, dễ nấu.

Hiện nay, Việt Nam phát triển rất nhiều giống lúa đáp ứng đa dạng nhu cầu của các đối tượng, các ngành nghề. Tuy nhiên, giống lúa IR504 vẫn chiếm thị phần ở Việt Nam, trong từng mùa vụ ở Việt Nam, giống lúa IR504 vẫn chiếm khoảng 10% diện tích gieo sạ. Điều này cho thấy sự hợp tác giữa IRRI và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất chặt chẽ. Ngoài  chuyển giao giống lúa cho Việt Nam, IRRI còn hỗ trợ đào tạo nhân lực và các hoạt động khác trong lĩnh vực ngành hàng lúa gạo của Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục