Canon chế tạo lớp phủ giúp kéo dài tuổi thọ của pin mặt trời đến 30 năm

07:29' - 14/07/2024
BNEWS Tập đoàn điện tử Canon của Nhật Bản đã phát triển một vật loại liệu bảo vệ có thể kéo dài gấp đôi tuổi thọ của các tế bào quang điện trong pin mặt trời uốn cong lên từ 20 - 30 năm.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, đây là động thái nhằm thúc đẩy nỗ lực thương mại hóa công nghệ được Nhật Bản coi là “chìa khóa” cho an ninh năng lượng.

 

Vật liệu mới của Canon sẽ bảo vệ lớp perovskite thu ánh sáng, vốn sẽ bị hỏng khi tiếp xúc với độ ẩm và nhiệt. Canon kỳ vọng việc phủ vật liệu bảo vệ có độ dày từ 100 - 200 nanomet sẽ làm giảm nhu cầu bảo trì và sửa chữa, giảm bớt các rào cản đối với việc áp dụng perovskite.

Được phát minh ban đầu tại Nhật Bản, pin mặt trời perovskite mỏng, linh hoạt và đa năng hơn so với các loại pin thông thường. Nhật Bản coi đây là chìa khóa cho an ninh năng lượng của mình, trong bối cảnh không gian lắp đặt các trang trại pin mặt trời thông thường đang ngày càng thu hẹp và phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài.

Canon đã tận dụng chuyên môn của mình về các tế bào cảm quang, một thành phần quan trọng trong máy in laser và hợp tác với Tsutomu Miyasaka của Đại học Toin Yokohama, người phát minh ra pin mặt trời perovskite.

Canon dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt loại vật liệu mới từ năm 2025 với mục tiêu là tạo ra doanh số hàng tỷ yên vào khoảng năm 2030. Canon sẽ tiếp tục theo dõi hiệu quả của vật liệu mới trong điều kiện thực tế.

Trong khi đó, công ty lọc dầu Eneos Holdings sẽ tăng sản lượng iốt, một vật liệu chính được sử dụng trong pin perovskite với kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng vào nửa cuối thập niên này. Đơn vị thuộc tập đoàn JX Nippon Oil & Gas Exploration sẽ đầu tư ít nhất 10 tỷ yên (63,4 triệu USD) vào một nhà máy ở tỉnh Niigata, với mục tiêu tăng gấp đôi công suất trong vòng 5 năm lên 440 tấn/năm.

Tế bào perovskite vẫn chưa được thương mại hóa ở Nhật Bản, tuy nhiên, theo dự đoán từ Fortune Business Insights, thị trường toàn cầu perovskite dự kiến sẽ mở rộng lên 6,58 tỷ USD vào năm 2032, gấp 36 lần con số năm 2024.

Canon và Eneos sẽ cung cấp vật liệu cho các công ty như Sekisui Chemical, Toshiba và Panasonic, những công ty sản xuất pin và mô-đun perovskite.

Nhật Bản ban đầu có lợi thế về công nghệ trong lĩnh vực pin mặt trời thông thường nhưng lại thua các đối thủ trong việc thương mại hóa sản phẩm. Trong bối cảnh các doanh nghiệp toàn cầu cũng đang chuyển hướng sang perovskite, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực củng cố cơ sở công nghiệp của đất nước trong công nghệ mới này.

Chính phủ sẽ chi khoảng 64,8 tỷ yên từ Quỹ Sáng kiến Xanh để hỗ trợ thương mại hóa pin perovskite với mục tiêu đưa vào sử dụng vào năm 2030. Chính phủ cũng đưa việc hỗ trợ cho nghiên cứu liên quan, nhân lực và chuỗi cung ứng vào dự thảo Hướng dẫn chính sách kinh tế và tài chính mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục