Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn khó ra sao về vật liệu và giải phóng mặt bằng?
Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất trong 12 dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025). Dự án có chiều dài 88km, với tổng mức đầu tư 20.469 tỷ đồng, chia làm 3 gói thầu xây lắp gồm XL01, XL02, XL03. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành toàn tuyến vào quý III/2026.
Do đó, ngay sau khi khởi công ngày 1/1/2023 (gói thầu XL01) nhà thầu đã tập trung huy động máy móc thiết bị thi công các hạng mục của dự án.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư), hiện nay, nhà thầu đã triển khai thi công đồng loạt trên tuyến với 32 mũi thi công với hơn 770 nhân sự và 240 đầu máy móc thiết bị, tập trung tại các hạng mục “đường găng” như: hầm số 1, số 2 và số 3, cầu sông Vệ, cầu Tỉnh lộ 624, các nút giao… và một số đoạn tuyến cần xử lý đất yếu.
Cụ thể, gói thầu số XL1 dài 30km, các nhà thầu tổ chức 13 mũi thi công; trong đó có 9 mũi thi công đường, 4 mũi thi công cầu. Tổng số máy móc, thiết bị được huy động tới công trường là 108 với 228 nhân sự. Luỹ kế sản lượng đến nay của gói thầu là gần 46 tỷ đồng đạt 1,25% giá trị hợp đồng.
Đối với gói thầu xây lắp XL2, dài 27 km, bắt đầu từ ngày 19/3/2023, nhà thầu đã tổ chức 11 mũi thi công; trong đó có 7 mũi thi công đường; 2 mũi thi công cầu và 2 mũi thi công hầm. Các nhà thầu đã huy động 73 máy móc, thiết bị cùng 364 nhân sự Luỹ kế sản lượng đến nay là gần 21,5 tỷ đồng đạt 0,5% giá trị hợp đồng.
Đối với gói thầu xây lắp XL3 dài gần 31 km, bắt đầu từ ngày 18/3/2023, tính tới thời điểm này, tổng số mũi thi công tại gói thầu được các nhà thầu tổ chức là 8 mũi; trong đó có 6 mũi thi công đường và 2 mũi thi công hầm. Các nhà thầu cũng đã huy động 59 máy móc, thiết bị cùng 178 nhân sự. Luỹ kế sản lượng đến nay đạt hơn 21 tỷ đồng đạt 0,31% giá trị hợp đồng.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN trên công trường những ngày này, việc thi công dự án đang được liên danh các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Máy móc thiết bị, nhân vật lực được huy động tối đa đến chân công trường, từng bước tạo nên hình hài mới của tuyến đường.
Về mặt bằng, đến nay trên tuyến, tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đã bàn giao cho chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 2 để bàn giao cho nhà thầu thi công 73,69, đạt 83,7%. Tuy nhiên, mặt bằng thực tế nhà thầu có thể tiếp cận thi công được là 50,9km, đạt 57,8%.
Đối với các đoạn tuyến còn lại chưa thi công được do chưa có đường tiếp cận, chưa di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, mặt bằng đã bàn giao nhưng còn nhiều mồ mả chưa di dời, người dân chưa khai thác hoa màu, chặt keo rất phổ biến…Tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định đang nỗ lực để sớm bàn giao cho nhà thầu triển khai thi công, mở rộng công địa và đẩy mạnh đường găng.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho biết, phương châm là có mặt bằng đến đâu là nhà thầu đưa thiết bị cơ giới, con người đến đó để triển khai. Hiện nay, thời tiết đang thuận lợi cũng như phần mặt bằng đã được bàn giao, Ban Quản lý dự án 2 đã chỉ đạo các nhà thầu tăng cường nhân vật lực, bám sát công trường đẩy mạnh thi công.
Đặc biệt là bố trí thêm các mũi thi công cầu, cống, chuẩn bị vật tư vật liệu…, tăng cường công tác khảo sát nhằm đẩy nhanh tiến độ, tăng sản lượng và quan trọng hơn hết là đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đã được bố trí cho dự án.
Là nhà thầu chủ lực tại Dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, lo ngại lớn nhất tại dự án này là thiếu vật liệu. Nhà thầu đã khảo sát 34 mỏ đất, 19 mỏ đá và 12 mỏ cát ở địa phương, nhưng trữ lượng không đủ.
4 mỏ với khoảng 1,23 triệu m3 vật liệu vẫn chưa được tỉnh phê duyệt quy hoạch để nhà thầu làm thủ tục khai thác. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo giao nhà thầu trực tiếp khai thác mỏ vật liệu nhưng đến nay, các địa phương vẫn chưa xác định rõ thẩm quyền đền bù, giải phóng mặt bằng đối với mỏ. Với mỏ thương mại, chủ mỏ đang có hiện tượng găm hàng.
Một khó khăn nữa đối với các nhà thầu thi công Dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là trình tự, thủ tục cấp phép mỏ đang chưa có sự thống nhất giữa các địa phương.
Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành văn bản pháp quy quy định cụ thể về trình tự hồ sơ, thủ tục cấp phép mỏ vật liệu theo hướng nhà thầu lập hồ sơ đăng ký khai thác các mỏ vật liệu nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án. Địa phương giao mỏ cho nhà thầu khai thác thi công cao tốc và nộp thuế phí theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sớm có quyết định điều chỉnh bổ sung phạm vi giải phóng mặt bằng các mỏ vật liệu và bãi thải vào dự án. Chủ đầu tư tổ chức cắm cọc giải phóng mặt bằng và bàn giao cho địa phương triển khai các thủ tục thu hồi đất, chi phí giải phóng mặt bằng thuộc chi phí giải phóng mặt bằng của dự án.
Liên quan đến tiến độ dự án này, Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa có văn bản chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 khẩn trương thực hiện các giải pháp để đáp ứng chất lượng, tiến độ hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đồng thời, thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến thi công theo nguyên tắc ưu tiên giải phóng mặt bằng đường tiếp cận, đường công vụ, các vị trí xen kẹp, "xôi đỗ", các vị trí nền đường đào để điều phối vật liệu đắp nền đường, các vị trí công trình hầm, cầu, các đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu... Đặc biệt, khẩn trương hoàn thành các thủ tục để sớm triển khai xây dựng các khu tái định đảm bảo người dân nằm trong diện giải tỏa sớm ổn định chỗ ở.
Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có điểm đầu kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại Km127+720 (thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa) và điểm cuối giao cắt với Tỉnh lộ 629, thuộc phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Dự án đi qua các Huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Thị xã Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi và Thị xã Hoài Nhơn tỉnh Bình Định. Dự án được khởi công vào đầu năm 2023, dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Dự án cao tốc này đi qua 2 địa phương; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3 km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7 km. Giai đoạn 1, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có quy mô 4 làn xe, vận tốc 80 km/h./.
Tin liên quan
-
Bất động sản
Nhiều khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc qua Bình Định có nguy cơ trễ hạn
17:13' - 18/05/2023
Theo kế hoạch, đến ngày 30/6 tới, các địa phương trong tỉnh Bình Định phải bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Động lực nào cho phát triển kinh tế Nam Trung bộ khi có thêm 150 km cao tốc?
10:49' - 18/05/2023
Hai dự án đường cao tốc Bắc – Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm (dài gần 50 km) và Vĩnh Hảo – Phan Thiết (dài hơn 100km) sẽ được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào khai thác ngày 19/5.
-
Kinh tế Việt Nam
Đề xuất 3 tỉnh ưu tiên nguồn cát đắp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
20:43' - 16/05/2023
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài 73,223 km và tuyến nối dài 16,597 km qua các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thêm một công ty Việt Nam mở rộng hợp tác lao động với Đức
21:08' - 26/11/2024
Dự án cam kết cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng cao cho học viên Việt Nam, đảm bảo hỗ trợ toàn diện từ thủ tục hành chính, nơi ở, đến việc làm sau tốt nghiệp.
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nam trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án khu công nghiệp hơn 2.600 tỷ đồng
20:46' - 26/11/2024
Dự án được triển khai tại xã Thanh Nguyên và xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được Nhà nước cho thuê đất.
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ
19:08' - 26/11/2024
ại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng. Luật Thuế giá trị gia tăng gồm 4 chương, 17 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Thanh Oai (Hà Nội) phát triển đô thị xanh, sinh thái ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô
19:07' - 26/11/2024
Thanh Oai có vị trí chiến lược trong phát triển phía Tây Nam Hà Nội. Địa phương "cửa ngõ" của Thủ đô được định hướng sẽ trở thành quận xanh, sinh thái đến khoảng năm 2030.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ động chiến lược quản trị nhân sự trong doanh nghiệp
18:46' - 26/11/2024
Với 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam hiện đang ở quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ, khu vực này hiện đang đóng góp khoảng 60%GDP của cả nước và tạo ra khoảng 30% việc làm cho toàn xã hội.
-
Kinh tế Việt Nam
Bảo đảm sự linh hoạt thực hiện dự án đầu tư xây dựng đô thị và nông thôn
18:11' - 26/11/2024
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 5 chương, 59 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam đã sử dụng 5,9 triệu liều vaccine dịch tả lợn châu Phi
16:19' - 26/11/2024
Nhiều tỉnh đã từng có dịch bệnh rất nghiêm trọng như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh… nhưng sau 1-2 tháng sử dụng vaccine, dịch bệnh đã được kiểm soát, khống chế tốt.
-
Kinh tế Việt Nam
Bố trí vùng nuôi cá lồng bè phù hợp với quy hoạch không gian biển
13:30' - 26/11/2024
Thời gian gần đây, nghề nuôi cá lồng bè đối mặt với không ít khó khăn, hiệu quả kinh tế giảm sút, cần những giải pháp đồng bộ nhằm giúp cho ngành nghề phát triển bền vững hơn.
-
Kinh tế Việt Nam
Thu hồi số tiền hơn 26.215 tỉ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế
13:06' - 26/11/2024
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/11, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.