Cập nhật COVID sáng 10/6: Mỹ Latinh có nguy cơ bùng phát đợt dịch mới

08:21' - 10/06/2020
BNEWS Tính đến gần 8h sáng 10/6 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới là 7.312.198 ca, trong đó, 413.003 ca tử vong. Khu vực Mỹ Latinh có nguy cơ bùng phát đợt dịch mới

Theo trang thống kê worldometers.info, số người đã bình phục là 3.597.567. Mỹ hiện vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất, lần lượt là 2.045.549 và 114.148 ca.

Tuy nhiên, trong 24 giờ qua, Brazil là nước ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất, 31.197 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 742.084 ca, nhiều thứ hai thế giới, trong đó 38.497 ca tử vong.

Vương quốc Anh hiện là nước ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai thế giới với 40.883 ca (theo công bố của Chính phủ Anh), trong khi theo Cơ quan thông kê quốc gia của Anh, số người tử vong thực tế do dịch COVID-19 tại nước này đã lên tới gần 50.000 người.

Trang tin CNN của Mỹ ngày 9/6 cho biết ước tính hơn một nửa số bang ở Mỹ có thể chưa tính hết số ca nhiễm. Theo trang tin này, ít nhất 28 bang chưa làm theo hướng dẫn của Các trung tâm phòng và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) về việc ghi nhận số ca nhiễm mới, một nửa trong số này đã chứng kiến số ca nhiễm mới gia tăng trong tuần trước.

Theo CDC, các bang nói trên không thông báo các ca nghi ngờ nhiễm, tức là người đáp ứng "tiêu chí lâm sàng" và "bằng chứng dịch tễ", hoặc người có "bằng chứng được cho là nhiễm" nhưng không được xét nghiệm.

Một số bang đông dân nhất như California, Florida, New York và Texas nằm trong số những bang mà CDC không được cung cấp số liệu. Điều này diễn ra trong bối cảnh 26 bang khác đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng liên tục.

Trong khi đó, tại Brazil, Tòa án Tối cao Liên bang (STF)  đã yêu cầu Bộ Y tế phải công bố toàn bộ số liệu về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phán quyến ngày 9/6 của tòa đã bắt buộc Bộ trên phải nối lại việc công bố hàng ngày toàn bộ số liệu liên quan tới dịch. Thẩm phán Aleandre de Moraes đưa ra phán quyết trên sau khi nhận được yêu cầu xem xét từ một số đảng phái đối lập liên quan tới những thay đổi về cách thống kê và công bố số lượng ca nhiễm và tử vong mà chính phủ Brazil áp dụng từ hôm 4/6.

Phán quyết của STF cho rằng cần thực hiện nghiêm các biện pháp thống kê hiệu quả đã được quốc tế thừa nhận và áp dụng, trong đó có quy trình thu thập, phân tích và công bố các dữ liệu dịch tễ nổi bật và cần thiết cho các kế hoạch của cơ quan công quyền, cũng như giúp dân chúng tiếp cận thông tin một cách minh bạch.

Trước những chỉ trích gay gắt của dư luận trong nước trong những ngày qua liên quan tới việc thông tin về tình hình dịch bệnh, Chính phủ Brazil cũng đã buộc phải quay trở lại cách công bố số liệu dịch bệnh như trước đây, trong đó bao gồm việc thông tin tổng số lượng ca nhiễm bệnh, số ca nhiễm mới và công bố vào “giờ vàng” buối tối (20h00).

Cùng ngày, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne bày tỏ lo ngại về việc gia tăng các ca nhiễm mới tại một số khu vực ở Mỹ Latinh mà đến nay mới chỉ có số lượng lây nhiễm hạn chế.

Theo bà Etienne, số ca nhiễm mới đã tăng mạnh tại các quốc gia như Mexico, Panama, Costa Rica, Brazil, Peru, Chile, Venezuela, Haiti và Suriname. Bà cảnh báo nếu không có cơ chế hợp tác hiệu quả, Mỹ Latinh có nguy cơ phải hứng chịu một đợt bùng phát mới của dịch.

Giám đốc PAHO kiến nghị các nước tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, giám sát và cách ly các bệnh nhân được xác định nhiễm bệnh để ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng cho tới khi giới chuyên môn tìm ra được loại vaccine hoặc phương pháp điều trị hiệu quả. Ngoài ra, bà Etienne cảnh báo sự gia tăng của bệnh cúm mùa tại Mỹ Latinh cũng có thể sẽ gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh.

Tại châu Phi, dịch COVID-19 đã buộc CH Chad phải tiếp tục trì hoãn bầu cử quốc hội. Ngày 9/6, Uỷ ban bầu cử (CENI) cho biết cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tháng 12/2020 sẽ tiếp tục bị trì hoãn do dịch và chưa thể ấn định thời điểm tổ chức cụ thể.

Tại Ethiopia, các ca nhiễm đầu tiên đã được ghi nhận trong trại tị nạn đông đúc. Quan chức y tế khu vực Tigray (miền Bắc), ông Samuel Aregay cho biết các cư dân trong trại sống rất gần nhau, 5 hoặc 6 người trong một căn phòng rất nhỏ. Đây là một khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Theo Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR), trại này có gần 34.000 người, trong số gần 100.000 người tị nạn Eritrea trải rộng trên bốn trại ở tỉnh Tigray, và trên tổng số hơn 170.000 trên quốc gia này.

Các quan chức của Bộ Y tế cho biết không thể xác nhận các trường hợp nhiễm bệnh ở các trại tị nạn này nên không thể đưa vào báo cáo hàng ngày.

Ethiopia đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 vào giữa tháng 3, và tính đến chiều ngày 9/6, nước này đã ghi nhận tổng cộng  2.336 và 32 ca tử vong, trong đó tăng 180 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây là con số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày tại quốc gia Đông Phi này.

Liên quan đến các tác động của dịch, ngày 9/6, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo cuộc khủng hoảng y tế hiện nay sẽ khiến ngành hàng không quốc tế thiệt hại 84 tỷ USD trong năm nay, mức cao kỷ lục, và năm 2020 sẽ trở thành "năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không".  

Trong bản dự báo cập nhật, IATA cho biết vận tải hành khách dự kiến tăng 55% vào năm 2021, song vẫn thấp hơn 29% so với năm 2019.

IATA dự báo trong năm 2021, ngành này sẽ tiếp tục thiệt hại 15,8 tỷ USD, nâng tổng thiệt hại vì dịch bệnh lên khoảng 100 tỷ USD, vì sự phục hồi vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước khủng hoảng.

Trong khi đó, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, ông Tijjani Muhammad-Bande thông báo lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm của LHQ, các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ không đến New York để dự Kỳ họp cấp cao thường niên Đại hội đồng LHQ lần thứ 75 vào cuối tháng 9 tới do đại dịch COVID-19. 

Kỳ họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng LHQ thường có hàng nghìn quan chức chính phủ, nhà ngoại giao và đại diện tổ chức xã hội dân sự đến New York trong hơn một tuần để phát biểu, lễ tân, gặp gỡ trực tiếp và hàng trăm sự kiện bên lề./.

>>>CẬP NHẬT MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục