Cập nhật COVID sáng 25/5: Châu Âu không còn là điểm nóng, Việt Nam không có ca mắc mới

06:26' - 25/05/2020
BNEWS Cập nhật COVID-19 trên thế giới đến 6h sáng 25/5, số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên thế giới đã tiến gần mốc 5,5 triệu người. Tại Việt Nam đến 6h sáng 25/5, không ghi nhận ca mắc mới.

Cập nhật mới nhất COVID-19 theo thống kê của worldometers.info, tính đến 6h sáng 25/5 (theo giờ Việt Nam), đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 346.319 người trên toàn cầu, tăng 2.711 người so với 24h trước.

Số ca mắc COVID-19 tính đến thời điểm này trên toàn cầu đã lên tới 5.490.707 người, tăng 92.757 người.

Mỹ vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới với 99.268 người (tăng 585 người), tiếp đó là Anh với 36.793 người (tăng 118 người), Italy với 32.785 người (tăng 50 người), Tây Ban Nha với 28.752 người (tăng 74 người người) và Pháp với 28.367 người (tăng 35  người).  

Brazil là ổ dịch lớn thứ hai của thế giới với 363.211 ca mắc COVID-19, tăng 15.813 ca so với 24 giờ trước. 

Hiện dịch COVID-19 đã xảy ra tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Trên thế giới cũng có 2.298.805 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên vẫn còn 53.228 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, chiếm 2% tổng số bệnh nhân đang được điều trị.

Còn tại Việt Nam tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 25/5: Đã 39 ngày Việt Nam bảo vệ đựơc thành quả bước đầu trong công cuộc chống dịch COVID-19 là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. 

- Tính đến 18h ngày 25/5: Việt Nam có tổng cộng 185 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

- Tính từ 18h ngày 24/5 đến 6h ngày 25/5: 0 ca mắc mới được ghi nhận

Tuy nhiên, trong ngày 24/5, Việt Nam có thêm 1 ca mắc COVID được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 325 ca mắc COVID-10. 

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 15.412

DIỄN BIẾN CHÍNH DỊCH COVID-19 TRONG 24H QUA

*Trung Quốc ủng hộ việc xác định nguồn gốc virus SARS-CoV-2

Trung Quốc tuyên bố ủng hộ sự hợp tác quốc tế, không có sự can thiệp chính trị nhằm xác định nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Từ ngày 25/5, một hệ thống dự báo sự lây lan của COVID-19 trên phạm vi toàn cầu sẽ đi vào hoạt động trực tuyến với sự hợp tác của Trung tâm đổi mới về sự an toàn sinh thái miền Tây thuộc đại học Lan Châu ở tỉnh Cam Túc (Trung Quốc). 

Hệ thống sẽ dự báo số ca nhiễm hàng ngày trong 30 ngày liên tiếp ở hơn 180 quốc gia trên toàn thế giới, dựa trên ảnh hưởng của các điều kiện khí hậu và môi trường, mật độ dân số cũng như các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của các chính phủ.

Theo Trung tâm đổi mới về sự an toàn sinh thái miền Tây thuộc đại học Lan Châu, nhiệt độ lý tưởng để virus SARS-CoV-2 lây lan là từ 5 độ C đến 15 độ C, với 60% số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là nằm trong dải nhiệt độ này.

*Số ca nhiễm mới tại Mỹ và Brazil vẫn cao

Tại tâm dịch thế giới là Mỹ, số ca tử vong đã giảm trong những ngày qua, song số ca nhiễm mới tính theo ngày vẫn cao. Với hơn 22.000 ca mới trong một ngày, tổng số ca nhiễm tại Mỹ đã lên tới 1.667.935 ca, trong đó số ca tử vong là 98.703 ca, tăng 1.149 ca so với ngày trước đó. 

Hai tháng sau khi Mỹ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, trong đó cấm mọi hoạt động tụ tập nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, Chính quyền bang New York, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, cũng đã cho phép các hoạt động tập trung trên 10 người với mục đích không thiết yếu. Mặc dù vậy, Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo vẫn nhấn mạnh việc người dân phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội và vệ sinh, khử trùng theo khuyến nghị của Bộ Y tế Mỹ.

Mỹ sẽ hoãn hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại thủ đô Washington D.C đến cuối tháng 6 thay vì ngày 10/6 như dự kiến do đại dịch COVID-19.

Tại Brazil, trước tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh, chính phủ của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã gia hạn lệnh đóng cửa biên giới thêm 30 ngày và biện pháp này sẽ áp dụng cho cả các biên giới đường bộ và hàng không, chỉ trừ giao thông thương mại.

Cũng tại châu Mỹ, ngày 24/5, Tổng thống Argentina đã ký sắc lệnh kéo dài biện pháp cách ly xã hội bắt buộc tới ngày 7/6 sau khi ghi nhận số ca mắc ở Argentina đã tăng mạnh trong hơn một tuần trở lại đây, đặc biệt ở những khu dân nghèo tại thủ đô khiến tình hình trở nên phức tạp và khó lường hơn trong thời gian tới. 

*Châu Âu không còn là điểm nóng của dịch 

Các biện pháp phòng dịch tại châu Âu đang phát huy hiệu quả, khi khu vực này không còn là điểm nóng của dịch bệnh. Liên tiếp trong nhiều ngày qua, số ca nhiễm mới và tử vong tại châu Âu đều giảm. 

Riêng Nga số ca nhiễm mới vẫn cao, với thêm 8.599 ca trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 344.481 ca, trong đó 3.541 ca tử vong, tăng 153 ca. Tuy nhiên, thủ đô Moskva và tỉnh Moskva đã qua đỉnh dịch và các địa phương còn lại có thể đỉnh dịch sẽ diễn ra trong 1 hoặc 2 tuần tới. 

Giám đốc Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người LB Nga – Rospotrebnadzor, bà Anna Popova cho biết hơn một nửa trong số 85 chủ thể của Liên bang trong những ngày tới có thể bắt đầu giai đoạn đầu dỡ bỏ các hạn chế cách ly được áp đặt do đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Anh Boris Johnson  ngày 24/5 cho biết các trường học tại vùng England sẽ mở cửa trở lại từ ngày 1/6 tới, trước mắt là đón các học sinh thuộc nhóm đối tượng "vỡ lòng", lớp 1 và lớp 6. Một tuần sau đó, học sinh các lớp 10 và lớp 12 sẽ có một số giờ học trên lớp với giáo viên nhằm giúp học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở (GCSE) và hệ dự bị đại học (A level) trong năm 2021.

Hiện Anh vẫn đang ở giáp ranh giữa cuối cấp độ 4 và đầu cấp độ 3 về mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 (cấp độ 5 là nguy hiểm nhất và cấp độ 1 là nhẹ nhất). 

Dù đã dỡ bỏ phong tỏa hôm 18/5, nhưng Italy vẫn hết sức thận trọng. Trong kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên, người dân trên khắp Italy đã đổ ra đường để tận hưởng các hoạt động giải trí cuối tuần như thói quen trước đây sau hơn 2 tháng phong tỏa vì đại dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, hoạt động của người dân đã gây lo lắng cho các cơ quan chính quyền trước việc không thực hiện đúng các quy định về phòng chống lây nhiễm vẫn còn có hiệu lực. Tại thủ đô Rome, lực lượng chức năng đã triển khai khoảng 1.000 cảnh sát để kiểm soát các hoạt động ban đêm, đề phòng việc tụ tập đông người và xử phạt những người không tôn trọng quy định về khoảng cách hoặc không đeo khẩu trang.

Trên khắp nước Đức tiếp tục diễn ra hàng chục cuộc tuần hành, biểu tình nhằm phản đối các biện pháp phong tỏa do dịch COVID-19. Cảnh sát đã phải sử dụng vòi rồng để giải tán một cuộc tuần hành có khoảng 120 người tham gia. Nhiều người biểu tình quá khích đã bị cảnh sát bắt giữ.

Mục đích của những người biểu tình là nhằm phản đối các biện pháp hạn chế của chính phủ, với lý do các biện pháp này xâm phạm quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19 là cần thiết. Đức bắt đầu nới lỏng các hạn chế được đưa ra để kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 từ đầu tháng 5, sau khi ghi nhận số ca nhiễm trong ngày giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn quan ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này.

Ngày 24/5, các nhà thờ tại Pháp đã tiến hành hoạt động cầu nguyện vào ngày Chủ Nhật đầu tiên trong hơn 2 tháng sau khi chính phủ cho phép mở cửa trở lại các cơ sở tôn giáo trong bối cảnh dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát. Tuy nhiên, chính phủ vẫn yêu cầu các linh mục và các nhà truyền giáo đảm bảo các biện pháp an toàn đúng cách được thực thi đầy đủ. Cụ thể, các tín đồ sẽ phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn khi vào các địa điểm tôn giáo, ngoài ra các chỗ ngồi phải được bố trí sao cho đảm bảo khoảng cách an toàn giữa mọi người với nhau.

       Video: Châu Âu cản trọng nới lỏng giãn cách. Nguồn: VNEWS/TTXVN

*Dịch COVID vẫn diễn biến phức tạp tại Châu Á 

Hàn Quốc trong 24 giờ qua đã có thêm 25 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 11.190 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc là trên 20 ca. Trong số các ca mới có 8 ca là "nhập khẩu", nâng tổng số ca đến từ nước ngoài lên 1.212 ca.

Ấn Độ trong 24 giờ qua đã có thêm 147 ca tử vong mới và 6.767 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại quốc gia này lên lần lượt là 3.867 ca và 131.868 ca. Đây là ngày có số ca nhiễm tăng kỷ lục.

Bangladesh trong 24 giờ qua đã có thêm 28 ca tử vong, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở nước này vào ngày 8/3. Số ca nhiễm mới là 1.532 ca, nâng tổng số ca lên 33.610 ca. còn Bangladesh có số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. 

Tại Indonesia, tổng số ca nhiễm tăng 526 ca lên 22.271 ca còn tổng số ca tử vong tăng 21 ca lên 1.372 ca. Jakarta, nơi sinh sống của 10 triệu dân, là khu vực có số ca tử vong cao nhất với tổng cộng 501 ca. Dịch COVID-19 đã lan khắp tất cả 34 tỉnh thành của quốc gia Đông Nam Á này. Giới chức đang đẩy mạnh xét nghiệm ở những vùng có phát hiện ca nhiễm, trong khi mọi người dân được yêu cầu luôn đeo khẩu trang để ngăn chặn virus lây lan.

Tại Philippines có thêm 258 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 14.035 ca kể từ khi dịch bùng phát tại đây hồi tháng 1. Số ca tử vong cũng tăng lên 868 ca sau khi có thêm 5 ca mới trong 24 giờ qua.

Tại Malaysia, giới chức y tế xác nhận có thêm 60 ca nhiễm mới, trong đó 33 ca liên quan đến 2 cơ sở giam giữ người nhập cư. Cho đến thời điểm này, tổng số ca nhiễm là 7.245 ca.

*Số ca mắc mới và tử vong trong ngày vì COVID tại Trung Đông ở mức cao

Thổ Nhĩ Kỳ trong 24 giờ qua có đã thêm 1.141 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở quốc gia này lên tới 156.827 người. Trong khi đó, tổng số ca tử vong ở Thổ Nhĩ Kỳ là 4.340 người, trong đó 32 ca mới được ghi nhận. 

Saudi Arabia đã có thêm 11 ca tử vong do COVID-19 và 2.399 ca mắc mới. Tính đến nay số trường hợp tử vong do COVID-19 ở Saudi Arabia là 390 người trong tổng số ca mắc là 72.560. Với nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 trong dịp lễ Eid Al-Fitr, vương quốc này đã áp dụng lệnh phong tỏa 24 giờ đến ngày 27/5.

Iran đã có thêm 2.180 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia này lên tới 135.701 người. Theo Bộ Y tế Iran, số người tử vong do COVID-19 hiện là 7.417 người, trong đó có 58 ca tử vong mới được ghi nhận trong ngày 24/5.

Ai Cập đã phát hiện thêm 752 ca mắc mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 17.265. Hiện số bệnh nhân tử vong do COVID-19 là 764 người, trong đó có 29 ca mới được ghi nhận. Ai Cập đã áp dụng một số biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, như áp đặt lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc từ 17h chiều hôm trước đến 6h sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 24 đến 29/5 tới./.

>>>CẬP NHẬT MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục