Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới sáng 11/4

06:01' - 11/04/2020
BNEWS Cập nhật mới nhất tính đến 5h45 ngày 11/4 (giờ Việt Nam), thế giới đã có hơn 100.000 người tử vong vì COVID-19. Số ca tử vong đã tăng nhanh trong tuần qua với tỷ lệ tăng mỗi ngày vào khoảng 6-10%.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 5h45 ngày 11/4 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới đã ghi nhận tổng cộng 1.694.943 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong khi số ca tử vong đã lên tới 102.514 trường hợp. Tăng 91.249 ca mới và 6.821 ca tử vong so với sáng qua.

Đến nay, trên toàn cầu đã có 375.595 bệnh nhân COVID-19 bình phục hoàn toàn, trong khi có 49.823 trường hợp đang nguy kịch. Đại dịch COVID-19 đã lây lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mỹ tiếp tục là quốc gia hứng chịu nhiều thiệt hại về người nhất do dịch COVID-19, với tổng số bệnh nhân là 500.131 người, chiếm gầm 1/3 tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 trên thế giới và số ca tử vong là 18.015.

Trong đó, bang New York - tâm dịch COVID-19 tại Mỹ, giờ đây đã vượt các nước châu Âu trở thành địa phương ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới với gần 162.000 ca dương tính với SARS-CoV-2. Điểm sáng duy nhất ở New York là số người phải nhập viện đã giảm mạnh nhất, tín hiệu cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội đã phát huy hiệu quả.

Tiếp sau Mỹ, Tây Ban Nha hiện có 158.273 ca nhiễm, là nước có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất châu Âu, tăng 5.051 ca so với 24h trước. Số ca tử vong tại nước này cũng tăng 634 người lên tổng số 16.081.

Đứng thứ 3 về số ca nhiễm trên thế giới là Italy với 147.577 ca, tăng 3.951 ca. Tuy nhiên, đây lại là quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới với 18.849 trường hợp, tăng 570 ca so với hôm qua.

Ca tử vong đầu tiên do COVID-19 được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán ở miền Trung Trung Quốc vào ngày 9/1. Trải qua 83 ngày, thế giới ghi nhận 50.000 ca tử vong và chỉ 8 ngày sau đó, con số này đã vượt mức 100.000 ca.

Trong tuần qua, số ca tử vong đã tăng nhanh với tỷ lệ tăng mỗi ngày vào khoảng 6-10%.

Cận cảnh hố chôn tập thể hàng trăm nạn nhân tử vong vì COVID-19 ở New York, Mỹ. Nguồn: VNEWS/TTXVN

Số liệu tử vong của dịch COVID-19 đã ngang với đại dịch hạch London vào giữa những năm 1660 gây ra cái chết của khoảng 100.000 người, tương đương khoảng 1/3 dân số của thành phố này vào thời điểm đó. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp hơn nhiều so với căn bệnh thường gọi là cúm Tây Ban Nha, bùng phát vào năm 1918 khiến hơn 20 triệu người tử vong tính tới thời điểm nó biến mất vào năm 1920.

Với số liệu thống kê trên 100.000 ca tử vong trong số trên 1,6 triệu ca mắc bệnh, hiện tỷ lệ tử vong của dịch COVID-19 là 6,25%, song nhiều chuyên gia tin rằng tỷ lệ thực tế sẽ thấp hơn do nhiều trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không biểu hiện gì, trong khi số liệu tổng hợp không bao gồm những người mắc bệnh mà không có triệu chứng.

Một số quốc gia như Italy, Pháp, Algeria, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh có tỷ lệ tử vong lên tới trên 10%.

Còn tại Việt Nam, ngày 10/4, cả nước đã có thêm 16 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị cách ly tại các bệnh viện được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh lên 144 người. Các bệnh nhân này sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Tính đến 6h ngày 11/4, tổng số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam là 257 người.

*Ra mắt bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả trong 20 phút

Cơ quan Y sinh LB Nga (FMBA) đã giới thiệu bộ xét nghiệm dựa trên chip để phát hiện virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và cho kết quả trong 15-20 phút.

FMBA cho hay trong dự án phát triển thiết bị Indicator-Bio, các chuyên gia Trung tâm Kỹ thuật Troisk đã chế tạo ra bộ xét nghiệm thử nghiệm nói trên. Dự án này đã được triển khai từ cách đây một năm rưỡi và bộ xét nghiệm thử nghiệm sử dụng chip vi lỏng đặc biệt được thiết kế riêng.

Nhằm chung tay chống đại dịch COVID-19, mới đây công ty Farmacia Orient do người Việt Nam làm chủ và điều hành, sở hữu hệ thống nhà thuốc trên khắp Moldova, đã trao tặng Cơ quan Y tế công cộng quốc gia nước này 600 bộ xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 do Đức sản xuất.

*Phát triển công nghệ theo dõi tiếp xúc

Ngày 10/4, hãng Apple thông báo sẽ phối hợp với Google để xây dựng công nghệ theo dõi tiếp xúc, cho phép cảnh báo người dùng smartphone về khả năng họ đã từng tiếp túc với người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo thông báo, ứng dụng mới giữa hai hãng công nghệ nổi tiếng của Mỹ sẽ được giới thiệu trong tháng tới. Nếu một người dùng nhiễm virus SARS-CoV-2 và báo cáo lại thông tin trên ứng dụng này, người khác, vốn đã tiếp xúc với người nhiễm trong thời gian trước đó, sẽ nhận được một tin nhắn cảnh báo.

*Kiểm soát đi lại

Ngày 10/4, Thị trưởng Moskva, ông Sergei Sobyanin đã thông báo áp dụng hệ thống giấy phép đi lại tại thủ đô nước Nga. Theo đó, trong tuần bắt đầu từ ngày 13/4, Moskva sẽ từng bước áp dụng chế độ giấy phép đi lại.

PV TTXVN tại Nga dẫn thông báo đăng trên trang Sobyanin.ru có nội dung như sau: “Ở giai đoạn đầu, chúng tôi áp dụng chế độ giấy phép đi làm. Ở giai đoạn hai – áp dụng cho các mục đích đi lại khác. Trong giai đoạn thứ ba - nếu cần thiết – áp dụng cho đi lại trong khu vực. Chúng tôi sẽ thông báo thêm về thời gian tiến hành từng giai đoạn”.

Bên cạnh đó, Thị trưởng Sobyanin cũng cho biết, chính quyền thành phố Moskva tạm ngừng từ ngày 13/4 đến 19/4 hoạt động của tất cả các doanh nghiệp và tổ chức, ngoại trừ các cơ quan chính phủ, tổ chức y tế, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và y tế, nhà sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân, doanh nghiệp quốc phòng quan trọng, các lĩnh vực vũ trụ, hạt nhân và cơ sở hạ tầng quan trọng . Đồng thời, tất cả các doanh nghiệp hoạt động phải giảm thiểu nhân viên có mặt tại nơi làm việc.

Tại Italy, bất chấp những tác động tới nền kinh tế, Chính phủ Italy ngày 10/4 đã gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại đến ngày 3/5 nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời công bố sắc lệnh mới về giai đoạn 2 ứng phó với dịch bệnh.

Về sắc lệnh mới cho giai đoạn 2, Thủ tướng Conte khẳng định: “Các dấu hiệu đường cong dịch bệnh rất tích cực và các giải pháp ngăn chặn đã mang lại kết quả”. Tuy nhiên, chính phủ không thể chờ cho virus biến mất khỏi lãnh thổ và công tác phòng chống dịch bệnh giai đoạn 2 đã bắt đầu, dựa trên 2 trụ cột: một nhóm chuyên gia làm việc và các biện pháp đảm bảo an toàn tại nơi làm việc. Theo sắc lệnh mới, các cửa hàng văn phòng phẩm, quần áo trẻ em, giặt là và một số hoạt động sản xuất có thể mở cửa trở lại sau ngày 14/4.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Italy cũng yêu cầu các quận chuẩn bị các kế hoạch tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động đi lại của người dân, nhất là dịp Lễ Phục sinh.

Trong khi đó, Indonesia đã triển khai cảnh sát và binh lính tại thủ đô Jakarta nhằm thực thi biện pháp giãn cách xã hội, chính thức có hiệu lực từ nửa đêm 9/4, dự kiến kéo dài 2 tuần. Theo đó, những người vi phạm quy định có thể phải đối mặt với mức phạt nặng và lên tới 1 năm tù giam.

Nguy cơ đói nghèo và tăng trưởng âm vì dịch COVID-19

 

*Tiếp tục mở rộng quy mô các gói hỗ trợ kinh tế

Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc ngày 10/4 cho biết tính cả những đối sách đề ra trong cuộc họp kinh tế khẩn cấp lần thứ 4 hôm 8/4 vừa qua, quy mô hỗ trợ phòng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra của "xứ sở kim chi" đã lên tới con số 150.000 tỷ won (khoảng 124 tỷ USD).

Nếu gộp cả khoản trợ cấp gián tiếp (như kéo dài kỳ hạn, tạm hoãn thời gian thanh toán khoản vay...), ước tính quy mô hỗ trợ phòng dịch lần này của Hàn Quốc lên tới 349.000 tỷ won (khoảng 289 tỷ USD).

Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc cũng kỳ vọng các đối sách như: hoãn nộp thuế và phí bảo hiểm an sinh xã hội; kéo dài kỳ hạn nộp thuế; gia hạn thời gian trả nợ và bảo lãnh của các cơ quan tài chính; hoán đổi tiền tệ Hàn-Mỹ; giải ngân ngân sách sớm cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và đặt hàng cho lĩnh vực mua sắm công... sẽ mang lại hiệu quả gián tiếp lên tới 349.000 tỷ won (khoảng 288 tỷ USD).

Sau khi tham dự cuộc họp Hội đồng Điều phối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 25, ngày 10/4, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai cho biết tất cả ngoại trưởng các nước thành viên đã nhất trí thành lập Quỹ Ứng phó COVID-19 của ASEAN nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Theo đó quỹ này sẽ được sử dụng để mua trang thiết bị y tế và hỗ trợ công tác nghiên cứu về phác đồ điều trị và điều chế vaccine.

Ngày 10/4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành họp trực tuyến vào ngày 23/4 tới để thảo luận về các biện pháp phục hồi nền kinh tế đang chịu tác động sâu sắc của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi các Bộ trưởng Tài chính EU thông qua gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro để giúp phục hồi các nền kinh tế trong liên minh chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Với gói cứu trợ trên, tổng gói cứu trợ của EU đối phó với dịch COVID-19 lên tới 3.200 tỷ euro (khoảng 3.500 tỷ USD), trở thành gói cứu trợ lớn nhất trên thế giới.

>> CẬP NHẬT DIỄN BIẾN MỚI NHẤT VỀ DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục