Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới sáng 20/4

06:06' - 20/04/2020
BNEWS Số liệu cập nhật mới nhất dịch COVID-19 tính đến 5h30 sáng 20/4, thế giới đã có 165.662 ca tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo cập nhật mới nhất về dịch COVID-19 trên trang worldometers.info, đến 5h30 ngày 20/4 (giờ Việt Nam), thế giới có thêm 72.857 ca mắc mới COVID-19 và 5.615 ca tử vong so với sáng qua.

Như vậy, tổng số ca mắc bệnh trên toàn thế giới đã lên tới 2.403.623 ca, trong đó có 165.662 ca tử vong.

Số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch đang điều trị tại các cơ sở y tế là 54.225 người, chiếm 3% tổng số bệnh nhân đang được điều trị. Số người đã bình phục là 624.693 người.

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 tại Việt Nam, đến 6h sáng ngày 20/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca dương tính nCoV, đánh dấu bốn ngày qua không thêm ca nhiễm mới. 66 bệnh nhân đang điều trị.  Tổng số ca nhiễm 268. Số khỏi bệnh 202.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH DIỄN BIẾN MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TRONG 24 GIỜ QUA

*Số ca tử vong tại Mỹ vượt mốc 40.0000 ca

Số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ đã vượt mốc 40.000 ca trong khi số ca mắc COVID-19 chiếm hơn 31% trong tổng số ca nhiễm trên toàn cầu tính đến thời điểm này.

Theo trang worldometer.info, tính đến 5h30 sáng 20/4 (giờ Việt Nam), Mỹ có 762.896 ca mắc COVID-19 và 40.495 ca tử vong, tăng lần lượt 24.104 ca và 1.481 ca so với 24 giờ qua.

Tuy nhiên, làn sóng những người biểu tình yêu cầu mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ đang lan rộng trên nhiều bang, trong khi các quan chức liên bang và địa phương vẫn tiếp tục đưa ra cảnh báo thận trọng nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng trở lại của dịch COVID-19.

Giới chức New York ngày 19/4 tiếp tục kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ để tiểu bang này tiến hành xét nghiệm trên diện rộng virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và mở cửa hoạt động kinh tế, mặc dù số ca tử vong tại đây trong 24h qua tiếp tục giảm và tỷ lệ lây lan cũng giảm.

Số ca tử vong tại New York ngày 19/4 được ghi nhận là 504 ca, ít hơn 33 ca so với ngày hôm trước. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nhận định New York đã qua đỉnh dịch nhưng cảnh báo người dân vẫn phải hết sức cẩn thận khi mà vẫn có tới 1.300 người nhập viện vì nhiễm SARS-CoV-2 ngày hôm trước.

*Số ca tử vong mới tại Tây Ban Nha và Italy giảm mạnh 

Số ca tử vong tại Italy đã giảm xuống một nửa so với giai đoạn đỉnh điểm. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 18/4 công bố nước này hiện có 25.007 ca nhập viện với các triệu chứng mắc COVID-19, trong đó số ca phải điều trị tích cực là 2.733, giảm 79 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, Italy ghi nhận thêm 3.491 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 175.925 người, trong khi tổng số ca tử vong là 23.227 ca, tăng 482 ca và số ca hồi phục là 44.927 ca, tăng 2.220 ca.

Số ca tử vong vì COVID-19 ở Tây Ban Nha đã tăng thêm 410 trường hợp, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng lên 20.543 người. 

Tuy nhiên, số ca tử vong mới này là mức thấp nhất ở Tây Ban Nha kể từ ngày 22/3, và thấp hơn rất nhiều so với kỷ lục 950 bệnh nhân thiệt mạng trong ngày 2/4, qua đó cho thấy tín hiệu về tốc độ lây nhiễm chậm lại của dịch COVID-19 sau khi Tây Ban Nha áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt từ giữa tháng 3.

Mặc dù giới chức Tây Ban Nha cho rằng nước này đã đạt tới "đỉnh dịch" vào ngày 2/4 nhưng Thủ tướng Pedro Sanchez sẽ đề nghị quốc hội gia hạn lệnh phong tỏa thêm 2 tuần nữa đến ngày 9/5. 

Tuy nhiên, một số quy định hiện đang có hiệu lực sẽ được nới lỏng phần nào nhằm cho phép trẻ em có thể ra ngoài kể từ ngày 27/4.

Pháp: Tình hình đang cải thiện dần, chậm mà chắc

Thủ tướng Edouard Philippe khẳng định cuộc khủng hoảng y tế này "chưa kết thúc". Tuy vậy, tình hình đang cải thiện dần, chậm mà chắc.

Cuộc sống của người dân Pháp sau ngày 11/5 sẽ chưa thể ngay lập tức trở về nhịp điệu bình thường như trước.

Tính đến hết ngày 19/4, Pháp ghi nhận 19.718 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, bao gồm 12.069 ca tại bệnh viện (+227 trong 24 giờ) và 7.649 tại các và cơ sở y tế xã hội khác. Hiện 30.610 người đang nằm viện, trong đó 5.744 trường hợp nghiêm trọng được chăm sóc đặc biệt, giảm 89 bệnh nhân so với hôm trước và tiếp tục đà giảm từ 11 ngày nay.

Pháp tăng cường xét nghiệm tại các nhà dưỡng lão, với 50.000 lượt trong tuần qua. Từ nay đến cuối tháng 6, các bệnh viện tại Pháp không chỉ được trang bị 15.000 máy thở hồi sức tích cực, mà còn có 15.000 máy hỗ trợ thở khác.

Toà thị chính Paris đã phát hiện những "dấu vết" của virus SARS-CoV-2 trong hệ thống nước rửa đường phố thủ đô. Phòng thí nghiệm của Cơ quan quản lý nước Paris đã tìm thấy sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 ở 4/27 điểm lấy mẫu thử nghiệm. Tòa thị chính ngay lập tức đình chỉ sử dụng hệ thống nước không uống được này.

Đức có thể kiểm soát tốc độ lây lan dịch COVID-19 

Diễn biến mới nhất dịch COVID-19 tại Đức, sau 4 tuần áp dụng các biện pháp chống dịch, Đức đang lên kế hoạch để các cửa hàng nhỏ mở cửa trở lại vào tuần tới, đồng thời cũng dự định mở lại các trường học vào đầu tháng 5, trong khi vẫn đang duy trì các quy tắc nghiêm ngặt về cách ly xã hội.

Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), tỷ lệ lây nhiễm cho người khác ở Đức hiện chỉ là 0,8%.

Bang Sachsen và Mecklenburg-Vorpommern trở thành 2 bang đầu tiên tại Đức quy định phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Quy định trên sẽ được bắt đầu áp dụng từ ngày 20/4 ở bang Sachsen, trong khi bang Mecklenburg-Vorpommern yêu cầu đeo khẩu trang từ ngày 27/4. Ngoài ra, bang Sachsen còn quy định phải đeo khẩu trang, kể cả khẩu trang thường, khi vào các cửa hàng. Ngoài hai bang trên, một số thành phố ở các bang khác của Đức như Jena thuộc bang Thüringen, Wolfsburg thuộc bang Niedersachsen cũng đã yêu cầu tương tự.

Số ca tử vong trong ngày của Anh tăng thấp nhất trong gần 2 tuần

 

Cập nhật mới nhất đến hết ngày 18/4 (giờ địa phương), Anh có thêm 596 ca tử vong, mức gia tăng thấp nhất trong gần 2 tuần qua và nâng tổng số bệnh nhân tử vong do mắc COVID-19 lên 16.060 người.

>>>Dịch COVID-19: Số ca tử vong tại Anh thấp nhất trong gần 2 tuần

Anh đã áp đặt lệnh phong toả trong gần 4 tuần qua. Hiện nước này đang hoặc gần chạm "đỉnh dịch". Tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên tới hơn 114.217 người, trong đó có 15.464 ca tử vong.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Anh, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh đang “oằn mình” sau một thập kỷ thiếu đầu tư kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Chi tiêu dành cho NHS hiện ở mức tương đương 7,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước Anh, gần như không đổi so với mức của năm 2012.

Theo số liệu của OECD, Anh hiện chỉ có 2,5 giường trên 1.000 người dân, thấp hơn đáng kể so với 6 giường trên 1.000 dân ở Pháp và 8 giường trên 1.000 dân ở Đức.

Về số giường chăm sóc đặc biệt, nước Anh chỉ có khoảng 6,6 giường loại này trên 100.000 dân – chỉ tương đương một nửa mức của Pháp và thấp hơn 5 lần so với ở Đức.

Hiện nhiều bác sĩ, y tá và nhân viên y tế của nước Anh đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo hộ cá nhân, dù họ là những người trong tuyến đầu phòng dịch và chịu rủi ro lây nhiễm rất lớn.

Các bác sĩ và nhân viên y tế mới đây đã lên tiếng chỉ trích Chính phủ Anh, sau khi London nói rằng những thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) sử dụng trong khi điều trị bệnh nhân mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể được sử dụng lại vì thiếu hụt nguồn cung trên toàn quốc.

*Các ca nhiễm mới tại Trung Quốc vẫn chủ yếu từ nước ngoài

Ngày 19/4, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo nước này ghi nhận thêm 16 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Trung Quốc đại lục trong ngày 18/4.

Trong số các ca nhiễm mới có 9 ca là từ nước ngoài và 7 ca lây nhiễm trong nước gồm 6 ca ở tỉnh Hắc Long Giang và 1 ca ở tỉnh Quảng Đông. 

Cũng trong ngày 18/4, 33 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi phục hồi, nâng tổng số bệnh nhân được xuất viện lên 77.062 người. 

Tính đến hết ngày 18/4, Trung Quốc đại lục có 82.735 ca nhiễm và 4.632 ca tử vong.

         Video: Người dân Trung Quốc tăng cân khi ở nhà tránh dịch COVID-19.             

Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) có thêm 2 ca nhiễm là những người từ nước Anh trở về. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp Hong Kong ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm xuống ở mức một con số. Hiện tổng số ca nhiễm ở đặc khu này là 1.026 ca, trong đó có 601 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện. 

Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) có 22 ca nhiễm mới, trong đó có 21 thủy thủ trên 1 trong 3 con tàu hải quân từng thực hiện chuyến thăm hữu nghị tới Palau hồi tháng trước. Đến nay, vùng lãnh thổ này ghi nhận tổng cộng 420 ca mắc, trong đó có 6 ca tử vong.

*Hàn Quốc lần đầu tiên có số ca mắc mới dưới 10 người

Lân đầu tiên kể từ tháng 2, Hàn Quốc có số ca nhiễm mới trong ngày ở mức dưới 10 trong khi tỷ lệ khỏi bệnh ở nước này đạt trên 75%. Hàn Quốc hiện có khoảng trên 1.000 ca lây nhiễm từ nước ngoài.

Thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), trong số các ca tử vong tại Hàn Quốc vì COVID-19, 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước. 

Để đấu tranh với dịch bệnh COVID-19, Hàn Quốc tiếp tục giãn cách xã hội cho đến đầu tháng 5, song sẽ nới các quy định đối với một số tổ chức và trường hợp như lễ nghi tôn giáo hoặc thi tuyển.

Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ bắt đầu cho phép tiến hành kiểm tra trình độ chuyên môn hay thi tuyển.

Tại Hàn Quốc, các cơ sở công cộng ngoài trời, như công viên, có thể được phép mở cửa trở lại và các hoạt động thể thao ngoài trời có thể được nối lại một cách có hạn chế, miễn là những cơ sở này tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt.

Hàn Quốc sẽ xem xét cho phép các trường học mở cửa trở lại theo từng bước, tùy thuộc vào tình hình chung và trên nguyên tắc cẩn trọng. Các trường ở Hàn Quốc đã bắt đầu tổ chức giảng dạy trực tuyến, song học sinh và giáo viên đã gặp phải sự bất tiện do trục trặc kỹ thuật. 

Nga tuyên bố hoàn toàn kiểm soát đại dịch COVID-19

Hiện Nga có mọi cơ sở cần thiết để chống lại đại dịch như một nền kinh tế mạnh, tiềm năng khoa học, vật liệu cần thiết và cơ sở chuyên nghiệp cao trong lĩnh vực y tế.

Cùng ngày 19/4, Trung tâm ứng phó khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 của Nga thông báo 6.060 ca nhiễm mới - mức cao kỷ lục trong 24 giờ ở nước này, nâng tổng số ca lên 42.853 người. 

Số ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh trong tháng 4 dù Nga ghi nhận số ca nhiễm thấp hơn nhiều so với nhiều nước phương Tây trong giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh.

*Số ca nhiễm COVID-19 tại Trung Đông tăng mạnh

Với 86.306 trường hợp mắc COVID-19, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất ngoài châu Âu và Mỹ.

Trong 24 h giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện thêm 3.977 ca nhiễm mới và đã vượt qua Trung Quốc trong bảng thống kê các quốc gia và vùng lãnh thổ có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trên thế giới. 

Ngoài ra, nước này cũng thêm 127 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 2.017 người. 

Qatar phát hiện thêm 440 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên tới 5.448 trường hợp. Tại Qatar, đến nay mới có 8 trường hợp tử vong do COVID-19 trong khi số người được xét nghiệm là 62.538.

Oman có thêm 86 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này hiện là 1.266. Theo Bộ Y tế Oman, trong số 86 trường hợp nhiễm mới, có 15 người Oman, và tất cả các ca nhiễm mới phát hiện này đều liên quan tới hoạt động tiếp xúc trong cộng đồng. 

Ai Cập phát hiện thêm 112 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 15 trường hợp tử vong do COVID-19. Hiện Ai Cập đã có tổng cộng 3.144 người mắc COVID-19 và 239 người tử vong do dịch bệnh này. 

Iraq có 26 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này lên 1.539 người. Ngoài ra, tại Iraq đến nay đã có 82 bệnh nhân tử vong do COVID-19 trong khi số trường hợp khỏi bệnh là 1.009 người.

Syria có tổng số ca mắc COVID-19 hiện là 39, trong đó có 5 người đã khỏi bệnh và 3 trường hợp tử vong. Syria hiện bố trí 19 trung tâm cách ly và 14 cơ sở y tế để tiếp nhận hoặc điều trị cho các trường hợp nghi mắc COVID-19. Trước đó, Syrya đã có 2.115 người Syria đi cách ly tại các cơ sở y tế kể từ tháng 2 đến nay.

Jordan có tổng cộng 417 trường hợp mắc COVID-19 sau khi phát hiện thêm 4 ca nhiễm mới. Hiện Jordan đang sản xuất khoảng 150.000 khẩu trang/ngày và sẽ đạt hơn 1 triệu chiếc trong khoảng 10 ngày tới. 

*Các chủ nợ “đóng băng” thanh toán nợ cho 76 nước nghèo 

Các chủ nợ song phương và các chủ nợ tư nhân trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Câu lạc bộ Paris ngày 14/4 thông báo sẽ “đóng băng” trong một năm tính từ ngày 1/5/2020 đối với việc thanh toán nợ của 76 nước nghèo. 

Thoả thuận giãn nợ sẽ "giải phóng" khoảng 20 tỷ USD có thể được sử dụng để ứng phó với đại dịch.

>>>Dịch COVID-19: Cơ hội giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nước nghèo

Trong số này, khoản nợ của các chủ nợ song phương và chủ nợ tư nhân lần lượt là 12 tỷ USD và 8 tỷ USD. Ước tính tổng chi phí thanh toán nợ của những quốc gia được hoãn nợ trong năm nay là 32 tỷ USD. 

Trước đó, IMF thông báo sẽ cung cấp các khoản viện trợ khẩn cấp cho 25 nước nghèo nhất thế giới để giúp họ giảm nợ và đối phó tốt hơn với tác động của đại dịch (COVID-19).

Các khoản cứu trợ này sẽ được chuyển tới các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương nhất khi phải trả các khoản nợ trong 6 tháng tới và tài trợ cho các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ y tế./.

CẬP NHẬT MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục