Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới sáng 22/4

06:01' - 22/04/2020
BNEWS Số liệu cập nhật mới nhất dịch COVID-19 tính đến 5h30 sáng 22/4, thế giới đã có 177.230 ca tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo cập nhật mới nhất về dịch COVID-19 trên trang worldometers.info, đến 5h30 ngày 22/4 (giờ Việt Nam), thế giới có thêm 71.654 ca mắc mới COVID-19 và 6.883 ca tử vong so với sáng qua.

Như vậy, tổng số ca mắc bệnh trên toàn thế giới đã lên tới 2.552.157 ca, trong đó có 177.230 ca tử vong.

Số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch đang điều trị tại các cơ sở y tế là 57.254 người, chiếm 3% tổng số bệnh nhân đang được điều trị. Số người đã bình phục là 688.412 người.

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 tại Việt Nam, đến 6h ngày 22/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính nCoV. Như vậy, ngày thứ 6 liên tiếp Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Tổng số ca nhiễm tại thời điểm này là 268 ca, trong đó 216  người đã khỏi bệnh. Như vậy, kể từ ngày 18/4 đến nay, Việt Nam không có thêm ca mắc COVID-19 mới nào. 

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH DIỄN BIẾN MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TRONG 24 GIỜ QUA

*Tâm dịch New York có số ca tử vong giảm 5 ngày liên tiếp

Bang New York ngày 20/4 đã ghi nhận số ca tử vong thấp nhất do dịch COVID-19 kể từ đầu tháng 4 đến nay và tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại 2 bang lân cận là New Jersey và Connecticut. 

Số ca tử vong tại bang New York đã giảm trong 5 ngày liên tục, với 478 ca được ghi nhận trong 24h qua, nâng tổng số ca tử vong tại bang này lên 14.347 ca.

New York đã mua 3.000 máy hỗ trợ thở loại đơn giản trị giá 10 triệu USD nhằm có sự chuẩn bị chủ động trong trường hợp dịch có thể bùng phát một đợt mới.

Ngày 21/4, Thượng viện và Nhà Trắng đã đạt được thỏa thuận về việc bơm thêm 300 tỷ USD vào các chương trình khẩn cấp nhằm giải cứu các doanh nghiệp nhỏ đang chịu tác động của dịch COVID-19.

*Italy có số ca mắc COVID-19 giảm ngày thứ 2 liên tiếp

Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, trong ngày 21/4, Italy có thêm 2.729 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 183.957 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng lên 24.648 người (tăng 534 ca). Số ca hồi phục tăng lên 51.600 người (tăng 2.723 ca).

Trong đó, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 trong ngày 21/4 là 107.709, giảm 528 bệnh nhân so với mức 108.237 trong ngày 20/4. 

Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Italy ghi nhận số bệnh nhân mắc COVID-19 giảm, sau khi nước này lần đầu tiên ghi nhận số bệnh nhân giảm trong ngày 20/4 với 20 ca. 

Bên cạnh đó, số ca phải điều trị tích cực cũng tiếp tục giảm 104 ca xuống còn 2.471 bệnh nhân.

*Số ca nhiễm mới tại Trung Quốc thấp nhất từ đầu tháng 4 

Với 11 ca nhiễm mới và không có ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, Trung Quốc đã có số ca mắc COVID-19 thấp nhất từ đầu tháng 4. 

Trong số này, có 4 ca là người nhập cảnh từ nước ngoài và 7 ca mắc trong đại lục gồm 6 ca ghi nhận tại tỉnh Hắc Long Giang và 1 ca tại tỉnh Quảng Đông. Như vậy tính đến nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 82.758 ca mắc COVID-19 và 4.632 ca tử vong.

Trung Quốc đang tăng cường năng lực xét nghiệm và điều trị các ca mắc COVID-19 tại các khu vực biên giới như như thành phố Tuy Phân Hà thuộc tỉnh Hắc Long Giang trong bối cảnh nước này đối mặt với tình trạng gia tăng số ca mắc bệnh từ nước ngoài nhập cảnh vào.

*Nhật Bản gia hạn tạm ngừng cấp visa cho công dân nước ngoài 

Nhật Bản sẽ gia hạn việc tạm ngừng cấp thị thực (visa) cho các công dân nước ngoài đến cuối tháng 5 tới, và cho rằng hiện còn quá sớm để dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại. 

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo đình chỉ việc cấp thị thực và miễn thị thực ngắn hạn cho công dân của hơn 100 nước ít nhất đến hết tháng 4 này. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng cấm nhập cảnh những công dân đến từ bất kỳ nước nào trong số 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 hoành hành trong 2 tuần trở lại.   

Ngày 21/4, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự thảo bổ sung ngân sách tài khóa 2020, trong đó có khoản chi hỗ trợ mỗi người dân 100.000 yen (gần 930 USD) để khắc phục thiệt hại do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Theo quyết định mới này, mọi công dân Nhật Bản và kể cả những người nước ngoài sống trên 3 tháng tại Nhật Bản, có đăng ký trong danh sách dân cư tại địa phương cư trú sẽ được nhận mỗi người 100.000 yen không phân biệt thu nhập và quốc tịch.

Tính đến trưa 21/4, tổng số người mắc COVID-19 tại Nhật Bản là 11.157 người, không tính 712 người trên du thuyền Diamond Princess. Số người tử vong do dịch bệnh là 278 người, trong đó có 13 người trên du thuyền Diamond Princess.

* Tín hiệu tích cực trong phát triển vaccine 

Nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Bern (Thụy Sĩ) hy vọng sẽ là cơ sở đầu tiên sản xuất vaccine chống dịch bệnh nguy hiểm này và sẽ đưa vào chương trình tiêm chủng vào tháng 10 tới.

Hiện Đại học Bern có cơ hội để điều chế vaccine thành công nhờ đã có tương đương với 200 lít lên men sinh học vi khuẩn, cần thiết để có thể sản xuất 10-20 triệu liều. 

Vaccine được nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ phát triển sử dụng “các hạt giống virus” không lây nhiễm cung cấp phản ứng miễn dịch tốt. Một nguyên mẫu đã được phát triển vào tháng 2, chỉ vài tuần sau khi virus SARS-CoV-2 được xác định ở Trung Quốc, và đã cho thấy hiệu quả trong các thử nghiệm trên chuột.

Hầu hết các chuyên gia y tế và chính quyền các nước cho rằng để có vaccine sớm nhất cũng phải mất khoảng 1 năm đến 18 tháng. 

Liên quan đến tiếp cận vaccine phòng SARS-CoV-2, các nước thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết, theo đó kêu gọi cách tiếp cận "công bằng, hiệu quả và kịp thời" đối với bất kỳ loại vaccine nào trong tương lai được phát triển để phòng chống virus SARS-CoV-2.

 

*Hỗ trợ khẩn cấp hệ thống cung ứng khẩn cấp toàn cầu

Ngày 20/4, lãnh đạo 15 cơ quan thuộc Liên hợp quốc (LHQ) đã ra lời kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ khoản tiền ban đầu 350 triệu USD nhằm hỗ trợ ngay lập tức cho hệ thống cung ứng khẩn cấp toàn cầu để trợ giúp các nước có thể bị tổn thương trong dịch COVID-19.

Để việc cung ứng được thành công, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đang thiết lập một trục logistics thiết yếu nhằm giúp giảm thiệt hại về người và ngăn chặn sự lây lan của dịch. WFP hiện rất cần các khoản ngân sách bổ sung để thành lập các trung tâm vận tải cần thiết, tàu chở hàng thuê và máy bay vận tải, nhân viên y tế và trong những lĩnh vực thiết yếu khác.

Hiện các tổ chức từ thiện quốc tế đã cam kết khoảng 1/4 trong số 2 tỷ USD mà Tổng Thư ký LHQ kêu gọi trong kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu chống COVID-19. 

*WHO cảnh báo hậu quả của sớm dỡ bỏ phong tỏa 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/4 cảnh báo rằng bất kỳ quyết định dỡ bỏ tình trạng phong tỏa vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, phải thực hiện dần dần và nếu những hạn chế được dỡ bỏ quá sớm sẽ dẫn tới làn sóng tái bùng phát dịch bệnh. 

Cho đến khi tìm ra vaccine phòng ngừa COVID-19, quá trình thích ứng với đại dịch sẽ phải trở thành một tình trạng bình thường mới.

WHO tuyên bố chưa thể xác minh được nguồn gốc chính xác của virus SARS-CoV-2 vào thời điểm này nhưng có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật

Video: WHO cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19

CẬP NHẬT MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

                           

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục