Châu Phi và cơ hội tái thiết, tự chủ hậu COVID-19

06:00' - 22/04/2020
BNEWS Năng lực quản lý của nhà nước trong điều hành sản xuất hàng hóa và dịch vụ thiết yếu đã trở thành biện pháp can thiệp mang tính quyết định trong đại dịch COVID-19.
Siêu thị tại Johannesburg, Nam Phi ngày 2/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Trang mạng dailymaverick.co.za đăng bài của tác giả Mamphela Ramphele – đồng sáng lập tổ chức Tái dựng hình ảnh Nam Phi (ReimagineSA) và đồng Chủ tịch Câu lạc bộ Rome, về cơ hội tái thiết, tự chủ của châu Phi trước các lực lượng bên ngoài sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 qua đi.

Dịch bệnh đã và đang khiến ngay cả những người theo chủ nghĩa truyền thống bảo thủ nhất phải chấp nhận rằng các tổ chức nhà nước có vai trò thiết yếu trong việc huy động các nguồn lực quốc gia nhằm bảo vệ và thúc đẩy lợi ích chung.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, với Chính phủ trong nhiều năm đã không quan tâm tài trợ đúng mức cho khu vực công, phải công khai xác nhận điều này khi ông cảm ơn Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS, cơ quan y tế quốc gia) vì đã cứu sống ông sau khi phải nhập viện vì nhiễm COVID-19.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng được đánh giá cao trong việc huy động các nguồn lực công và tư nhân ở cấp độ quốc gia, lục địa và toàn cầu để tăng cường khả năng của châu Phi trong giải quyết đại dịch này. 

Sự hợp tác đáng ngưỡng mộ giữa các cơ sở y tế công cộng và tư nhân đã đặt nền tảng quan trọng cho hệ thống Bảo hiểm Y tế quốc gia Nam Phi (NHI) có nguồn lực và khả năng vận hành tốt. Nam Phi có thể học hỏi từ NHS (Anh) về những kinh nghiệm để có thể xây dựng hệ thống NHI riêng trên một nền tảng vững chắc hơn.

Sẽ chẳng khôn ngoan nếu theo đuổi các mô hình phát triển kinh tế - xã hội cũ kỹ vốn khiến chúng ta đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng toàn cầu nhiều tầng nấc (khí hậu, y tế và kinh tế xã hội) như hiện nay. 

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội hậu COVID-19 phải vượt ra ngoài quan niệm truyền thống về tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và chính phủ nhỏ gọn hơn. Toàn bộ hệ thống kinh tế - xã hội toàn cầu mà chúng ta dựa vào đã và đang bộc lộ rõ sự mong manh và là mối đe dọa chung cho cả người giàu và người nghèo trong xã hội. 

Không nền kinh tế nào có thể thịnh vượng nếu không tận dụng sự nhiệt huyết và tài năng của phần lớn dân số trẻ, như Nam Phi đã thực hiện từ năm 1994 đến nay.

Các quốc gia cần chuyển đổi các mối quan hệ kinh tế và xã hội để xây dựng một nền dân chủ thịnh vượng bao trùm, trong đó phúc lợi cho tất cả mọi người và hành tinh được phát huy bền vững. Một hệ thống như vậy sẽ phải loại bỏ các nhận thức tư tưởng truyền thống về việc đẩy khu vực tư nhân và khu vực công vào thế đối đầu. 

Cần tận dụng những điểm mạnh của khu vực tư nhân rất phát triển, đồng thời mở rộng nền tảng của khu vực này, thừa nhận rằng cơ sở hạn hẹp của khu vực tư nhân là một điểm yếu và sẽ khiến toàn xã hội bỏ lỡ các cơ hội.

Tương lai của nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của các cộng đồng địa phương, cũng như của quốc gia và rộng hơn nữa, theo những cách thức hỗ trợ lẫn nhau. 

Bài học từ Trung Quốc và các nước Đông Á thành công khác cho thấy cách tận dụng thế mạnh của cả khu vực tư nhân và công cộng cho phép những nước này xây dựng các hệ thống vững chắc có khả năng chống chịu trước các cuộc khủng hoảng.

Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đã phải vật lộn để phát triển mạnh trong xã hội Nam Phi. Điều này phần lớn là do sự thiên vị cả về pháp lý và thể chế đối với nhóm doanh nghiệp này, khiến họ bị hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng và các hỗ trợ thiết yếu khác. 

Tại sao các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chỉ được phép nắm giữ hợp pháp không quá 2,5% nhỏ bé của các tài sản thuộc sở hữu của các quỹ lớn, mặc dù nhóm doanh nghiệp này chiếm 98,5% nền kinh tế chính thức và cung cấp 28% việc làm? Nam Phi cần đánh giá lại phương pháp tiếp cận này khi tái cấu trúc nền kinh tế và tăng cường hỗ trợ sinh kế bền vững ở tất cả các cộng đồng địa phương trên cả nước.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 mang đến một cơ hội cho châu Phi trong việc tận dụng lợi thế của cộng đồng kiều dân và vượt trên nguy cơ một vòng vây khác của chủ nghĩa thực dân trong trật tự thế giới mới. 

Sự trỗi dậy của các quốc gia do tận dụng được cộng đồng kiều dân và trí tuệ toàn xã hội như người Do Thái trong sự phát triển của Israel; người Ấn Độ, đặc biệt là những người Ấn ở Mỹ, đi đầu trong cuộc cách mạng công nghệ của Ấn Độ; và người Hoa đang đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Trung Quốc hiện đại thông qua “Mạng lưới cây Tre”.

Các nhà lãnh đạo trẻ châu Phi trên khắp lục địa là một chất xúc tác nhạy bén sẵn sàng tham gia trong nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 toàn cầu. Khi trao đổi về bài học phong tỏa toàn cầu đối với châu Phi, doanh nhân người Nigeria Tim Akano cho rằng các nhà lãnh đạo châu Phi có nghĩa vụ tập trung thúc đẩy lợi ích lục địa. 

Châu Phi cần khai thác lợi thế so sánh của chính lục địa này - con người và tài sản tự nhiên - để định hình một tương lai nhảy vọt từ mô hình phát triển tuyến tính truyền thống vốn buộc lục địa phải phục vụ nhu cầu của những người khác trong nền kinh tế toàn cầu đầy bất công.

Doanh nhân Tim Akano đã lưu ý một số vấn đề nhằm giúp châu Phi thoát khỏi tình trạng khẩn cấp hiện nay một cách mạnh mẽ hơn. Đầu tiên, châu Phi phải củng cố và kích hoạt Hiệp định thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) và sử dụng hiệp định này làm cơ sở để đàm phán với Trung Quốc. 

52 quốc gia thành viên của AfCFTA không thể đơn lẻ đàm phán với Trung Quốc và hy vọng sẽ có được một thỏa thuận công bằng, bình đẳng. Trong tương lai, châu Phi phải đảm bảo các thỏa thuận thương mại công bằng và bình đẳng với Trung Quốc. Sự độc quyền của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã gây ra sự mất cân bằng rất lớn.

Mặt khác, theo nghiên cứu của Công ty tư vấn McKinsey (Mỹ), người Trung Quốc thích đi du lịch ở nước ngoài với khoản chi dự kiến là 250 tỷ USD trong năm 2020. Các nước châu Phi nên hướng tới mục tiêu có được 50% chi tiêu du lịch từ Trung Quốc bằng cách xây dựng các công viên giải trí và động vật hoang dã bền vững hiện đại trên khắp lục địa, trong khi hiện đại hóa cơ sở hạ tầng khác cho phù hợp.

Liên minh châu Phi (AU) phải đề nghị Trung Quốc xóa các khoản nợ trị giá 145 tỷ USD cho châu Phi sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát. Đây là cách duy nhất để châu Phi có thể vượt qua khó khăn. Làm sao châu Phi có thể kiếm được 8 tỷ USD hàng năm để trả lãi sau phong tỏa? 

Bên cạnh đó, châu Phi cần một loại tiền tệ duy nhất của lục địa (AFRO) - không phải đồng ECO của Tây Phi với sự liên quan đến sự kiểm soát của Pháp. Cuộc chiến tiền tệ thế giới sẽ bắt đầu sau phong tỏa, bởi Trung Quốc và Nga đang cố gắng lật đổ quyền thống trị của đồng USD. Điều cần thiết để củng cố nền kinh tế châu Phi là có tiền tệ riêng, thông qua đó lục địa có thể giao dịch ở một thị trường châu Phi thống nhất.

Cuộc chạy đua của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dành cho tất cả mọi người - bao gồm cả người châu Phi. Chưa có quốc gia nào đạt được thống trị. Thanh niên châu Phi đủ khát vọng và năng lực cần thiết để cạnh tranh với các đối tác Trung Quốc và Mỹ với điều kiện các chính phủ đầu tư đúng đắn vào cơ sở hạ tầng. 

“Sáng kiến Einstein tương lai” (NEI) với chi nhánh thứ sáu mới được triển khai tại Rwanda do Giáo sư vật lý Neil Turok, Viện Khoa học toán học châu Phi (AIMS) khởi xướng, là nền tảng tuyệt vời để thúc đẩy lĩnh vực này.

Điểm mạnh lớn nhất của châu Phi nằm ở sức mạnh kinh tế và bí quyết kỹ thuật của người châu Phi trong cộng đồng kiều dân. Châu Phi nên có kế hoạch xây dựng các thành phố hiện đại phù hợp phục vụ cư trú của cộng đồng kiều dân và khuyến khích họ trở về nước.

Châu Phi cần tận dụng một cách chiến lược lợi thế độc nhất của lục địa - nguồn lực dân số trẻ gồm 800 triệu người trong tổng số hơn 1,2 tỷ dân. Đầu tư vào tài năng và sự nhiệt huyết của những người trẻ tuổi là điều cần thiết để xây dựng một nền tảng lục địa vững mạnh đối với các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo, như là một phần của việc tái cấu trúc các nền kinh tế châu Phi thế kỷ 21 trong thời kỳ hậu COVID-19./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục