Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới sáng 28/4

06:16' - 28/04/2020
BNEWS Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 sáng 28/4, trong tổng số 211.177 người đã thiệt mạng trên toàn thế giới, Mỹ có số người thiệt mạng lớn nhất với 56.624 trường hợp.

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 đến 5h45 sáng ngày 28/4 (giờ Việt Nam) trên trang worldometers.com cho thấy, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 211.177 người trên toàn thế giới, với 90% số ca tử vong là tại châu Âu và Mỹ.

Trong bảng cập nhật số liệu mới nhất dịch COVID-19, Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới với 1.007.514  ca mắc và 56.624 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 và tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ lần lượt chiếm hơn 33% và 27% tổng tổng số ca mắc và tổng số ca tử vong của thế giới.

Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 229.422 ca mắc bệnh và 23.521 ca tử vong. Italy có 199.414 ca mắc bệnh và 26.977  ca tử vong. 

Ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới là Pháp với 165.842 ca nhiễm và 23.293 ca tử vong. Đứng sau Pháp là Đức, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Đáng chú ý, số ca nhiễm COVID-19 tại Nga đã vượt Trung Quốc đại lục. Nga đã ghi nhận thêm gần 6.198 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm lên tới 87.147 ca, vượt Trung Quốc đại lục - hiện có 82.830   người.

Tính chung trên thế giới 24h qua đã có 65.290 ca nhiễm mới, đưa tổng số người nhiễm virus này lên 3.058.552 triệu người.

Thế giới cũng hiện có 919.727 bệnh nhân mắc COVID-19 được chữa khỏi trong khi vẫn còn khoảng 56.281 bệnh nhân nặng và nguy kịch, chiếm 3% tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị.

Còn tại Việt Nam, Tính từ 6h sáng ngày 16/4 đến 6h ngày 28/4: Việt Nam bước sang ngày thứ 12 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tổng số người mắc COVID-19 ở Việt Nam là 270 ca. Hiện 48 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 248 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh. 

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH DIỄN BIẾN MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TRONG 24 GIỜ QUA

* Nhiều nước ứng dụng công nghệ trong việc ngăn chặn dịch lây lan

Trung Quốc đã tăng cường sử dụng công nghệ cao, bao gồm giám sát video và máy bay không người lái, để truy tìm những đối tượng vượt biên bất hợp pháp trong nỗ lực ngăn chặn dịch lây lan.

Trong khi đó, nhằm ngăn chặn lây lan virus SARS-CoV-2, nhiều cửa hàng và công sở tại nhiều nước cũng đang lắp đặt các camera an ninh với phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng theo dõi việc tuân thủ các hướng dẫn y tế, bao gồm biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Đơn cử nhà sản xuất kim cương Samarth Diamond của Ấn Độ có kế hoạch triển khai phần mềm AI của Glimpse Analytics ngay khi nhà máy đánh bóng kim cương mở cửa trở lại ở Gujarat. Theo đó, phần mềm này  có thể điều chỉnh các quy trình khi phần mềm AI xác định những địa điểm nơi 4.000 nhân viên công ty đang tập trung tại những khu vực đông đúc. Những người bị phát hiện không đeo khẩu trang sẽ được đội ngũ giám sát cung cấp một chiếc. 

Trong khi đó, Quỹ Tín thác đầu tư bất động sản RPT Realty đã sử dụng phần mềm máy ảnh để đếm lượng khách hàng trong vài tháng qua tại 2 trong số 49 trung tâm mua sắm ngoài trời của mình ở Mỹ và đang hướng tới sử dụng công nghệ này để đánh giá việc tuân thủ của người thuê mở các gian hàng đối với các quy định giãn cách tại 5 trung tâm thương mại.

Công ty cũng có kế hoạch giúp người tiêu dùng quyết định thời điểm mua sắm bằng cách sử dụng công nghệ của công ty khởi nghiệp WaitTimes để phân tích dòng người xếp hàng chờ vào cửa hàng, một biện pháp nhằm thực hiện việc giãn cách xã hội đã trở nên phổ biến trong mùa dịch.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại Daegu, Hàn Quốc ngày 21/2/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hàn Quốc triển khai gói hỗ trợ lao động nghỉ không lương trị giá gần 400 triệu USD. Theo đó, 320.000 người lao động gặp khó khăn kinh tế khi phải nghỉ không lương do đại dịch COVID-19 sẽ được chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ 500.000 won/tháng (khoảng 407 USD) và kéo dài tối đa ba tháng. 

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI, ngân hàng trung ương) đã công bố chương trình thanh khoản đặc biệt trị giá 6,57 tỷ USD để giảm bớt khó khăn về thanh khoản của các quỹ tương hỗ (MF) trước sức ép thanh toán nợ trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 27/4 đã quyết định tăng cường các biện pháp nới lỏng tiền tệ, dỡ bỏ mức trần quy mô mua trái phiếu chính phủ, tăng quy mô mua các tài sản khác trong khi hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong nước.

ADB đã thông qua khoản vay 200 triệu USD để hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ Philippines trong việc cấp trợ cấp tiền mặt khẩn cấp cho những hộ gia đình dễ bị tổn thương do dịch COVID-19.

Trước đó, ngày 24/3, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký ban hành thành luật Đạo luật Cộng hòa số 11469, còn có tên là "Bayanihan to Heal as One Act", cho phép chính phủ triển khai chương trình trợ cấp khẩn cấp liên quan đến dịch COVID-19. Theo chương trình này, 18 triệu hộ gia đình thu nhập thấp của Philippines sẽ nhận được khoản trợ cấp từ 5.000-8.000 peso (khoảng 100-158 USD) mỗi tháng trong hai tháng.

*Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ điều tra quyết định của Tổng thống D. Trump ngừng tài trợ cho WHO

Uỷ ban này đã yêu cầu Bộ Ngoại giao trong vòng 1 tuần phải cung cấp danh sách tất cả các cuộc thảo luận kể từ tháng 12/2018 về vấn đề tài trợ cho WHO và chuyển những đánh giá chưa qua chỉnh sửa về tác động của quyết định này đối với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Theo Hạ nghị sĩ Engel, mặc dù WHO có những sai sót nhưng vai trò của tổ chức trực này là “vô giá”, đồng thời cáo buộc Tổng thống Trump đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận về những thất bại của mình trong công tác đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Trong khi đó, tâm dịch New York đã có thêm 337 ca tử vong vì COVID-19 trong 24h qua, thấp hơn 30 ca so với hôm 26/4, và đây là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4 đến nay.

Số liệu tiếp tục cho thấy những tín hiệu tích cực về việc đại dịch COVID-19 đang diễn biến chậm lại ở bang New York. Hiện nay, Thống đốc Andrew Cuomo đang bàn bạc với người đồng cấp của bang New Jersey lân cận để lên kế hoạch mở cửa trở lại hoạt động của toàn bộ khu vực này trong thời gian tới. 

Cùng ngày, Thị trưởng Bill de Blasio tuyên bố, New York sẽ cấm xe cộ lưu thông trên một số đường phố, mở rộng vỉa hè và thiết lập làn xe đạp tạm thời người dân ở thành phố này có thêm không gian ra ngoài trời mà vẫn thực hiện được quy định giãn cách.

*Các nước châu Âu từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa

Tình hình dịch ở châu Âu đang có xu hướng lắng dịu khi số ca tử vong giảm xuống ở một số quốc gia vốn được coi là tâm dịch của "Lục địa già". Nhiều nước châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa sau khi có những dấu hiệu tích cực, với số ca tử vong và nhiễm mới giảm mạnh trong những ngày qua, trong đó có nước mức tăng ca nhiễm và tử vong trong ngày đã giảm từ 20% xuống còn 2%.

Trước diễn biến tích cực của dịch COVID-19, Tây Ban Nha đang dần nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đó, các nhà máy và công ty bắt đầu mở cửa trở lại. Ngoài ra, ngày 26/4, lần đầu tiên sau 6 tuần, trẻ em Tây Ban Nha được phép ra khỏi nhà đi dạo phố. Trẻ em dưới 14 tuổi được phép rời nhà trong 1 giờ với sự giám sát của người lớn và không được phép đi quá phạm vi 1 km tính từ nhà và mỗi ngày chỉ ra khỏi nhà một lần trong cung giờ từ 9h00 sáng đến 21h00.

Tại Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte cam kết sẽ mở lại các trường học vào tháng 9, đồng thời sẽ cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại ngay trong tuần sau khi dừng lệnh phong tỏa được áp đặt gần như trên toàn quốc. 

Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, trong ngày 27/4, Italy có thêm 1.739 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 199.414 người - đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Tây Ban Nha. Đây là mức gia tăng số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày thấp nhất ở Italy kể từ hôm 10/3.

Tại Pháp, Thủ tướng Edouard Philippe sẽ đưa ra chiến lược quốc gia nhằm chấm dứt lệnh phong tỏa áp đặt từ ngày 17/3. Chiến lược sẽ được công bố sau cuộc thảo luận và bỏ phiếu tại quốc hội trong ngày 28/4.

Pháp đã nêu rõ 17 ưu tiên để từng bước đưa đất nước trở về trạng thái bình thường, theo tiến độ được kiểm soát kể từ ngày 11/5. Sau khi các trường học, công ty, giao thông công cộng được hoạt động trở lại, việc cung cấp khẩu trang, nước diệt khuẩn, xét nghiệm và hỗ trợ người cao tuổi sẽ được chú trọng.

Pháp cũng có kế hoạch cung cấp hơn 26 triệu khẩu trang (phần lớn có thể tái sử dụng 20 lần) ra thị trường vào cuối tuần này, trong bối cảnh quốc gia Tây Âu này chuẩn bị từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Pháp cũng đẩy mạnh sản xuất khẩu trang y tế và FFP2 hay N95 tăng lên 10 triệu chiếc mỗi tuần, so với chỉ 3,5 triệu chiếc thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại nước này hồi tháng Ba.

Tại Anh, Ngày 27/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau gần một tháng điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thủ tướng Boris Johnson sẽ thông báo nới lỏng lệnh phong tỏa trong tuần này sau khi số ca mắc COVID19 tại Anh đang có chiều hướng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, chính phủ sẽ tham vấn giới chức y tế và khoa học trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. 

Số liệu của Viện dịch bệnh truyền nhiễm Robert Koch cho thấy trong 3 ngày từ 25-27/4, số ca nhiễm mới tại Đức liên tục giảm ở con số lần lượt là 2.055 ca, 1.737 ca và 1.018 ca. Trước diễn biến khả quan của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp như các cửa hàng nhỏ, các đại lý bán xe ô tô và nhiều trường học đã mở cửa trở lại. 

           Video: Các tâm dịch lớn ở châu Âu từng bước nới lỏng phong toả

*Diễn biến mới nhất dịch COVID-19 tại châu Á

Nhật Bản sẽ đưa thêm 14 nước vào diện tạm cấm nhập cảnh công dân nước ngoài trong nỗ lực khống chế sự lây lan của dịch COVID-19, nâng tổng số nước bị cấm nhập cảnh lên 87 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 29/4 tới. Nhật Bản cũng tiếp tục gia hạn việc hoãn cấp thị thực (visa) cho các công dân nước ngoài đến cuối tháng 5 tới. 

Nhật Bản cũng sẽ sớm thông qua việc sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir trong điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 để từ tháng 5 tới, loại thuốc này sẽ được cấp phép để điều trị.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế Nhật Bản, trong ngày 27/4, Nhật Bản có thêm 144 ca mắc, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 13.585 ca, chưa bao gồm 712 ca mắc trên du thuyền Diamond Pricess được cách ly ở cảng Yokohama.  

>>>Nhật Bản sẽ sớm thông qua việc dùng Remdesivir trong điều trị COVID-19

Tại Ấn Độ, ngày 28/4 đánh dấu ngày thứ 35 liên tiếp nước này áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Lệnh phong tỏa được áp đặt vào ngày 25/3 và đã được quyết định kéo dài tới ngày 3/5

Tình hình dịch COVID-19 tại Đông Nam Á cũng đã có dấu hiệu tích cực và đến nay đã ghi nhận tổng cộng 40.766 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 1.445 người tử vong, số ca nhiễm và tử vong mới ở các nước thấp hơn hôm qua.

Singapore có thêm 799 ca dương tính với SARS-CoV-2 , giảm so với 931 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.423. Số người tử vong không tăng và hiện là 12, trong khi 1.060 người đã hồi phục. Quốc đảo 5,7 triệu dân hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Á.

Indonesia thông báo thêm 214 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 9.096. Nước này hiện ghi nhận 765 người chết do bệnh COVID-19, tăng 22 trường hợp trong 24 giờ qua. Quan chức chính phủ Indonesia hôm nay tỏ ý hy vọng cuộc sống của người dân sẽ  trở lại bình thường vào tháng 7.

Philippines - vùng dịch lớn thứ ba Đông Nam Á - ghi nhận thêm 198 ca nhiễm và 10 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 7.777 và 511. Bộ Y tế nước này thông báo có 932 bệnh nhân đã hồi phục, tăng 70 người so với hôm qua.

Malaysia ghi nhận 5.820 ca nhiễm và 99 ca tử vong sau khi báo cáo thêm 40 ca nhiễm và một người chết trong 24 giờ qua. Chính phủ Malaysia đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc, đi kèm với loạt biện pháp cách biệt cộng đồng để kiềm chế đại dịch.

Thái Lan ngày 27/4 báo cáo 9 ca mắc bệnh mới và lần đầu không ghi nhận ca nhiễm mới ở thủ đô Bangkok kể từ khi COVID-19 xuất hiện hồi tháng 1/2020. Tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này hiện là 2.931, trong đó 52 người đã tử vong, tăng thêm một trường hợp so với hôm qua.

Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó COVID-19 được ban bố từ ngày 26/3 sẽ gia hạn đến cuối tháng 5, song một số hạn chế với doanh nghiệp và các hoạt động công cộng sẽ được nới lỏng trong bối cảnh số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm.

Tuy nhiên, Cơ quan Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) dự định sẽ gia hạn thêm 15 ngày cấm các chuyến bay chở khách đến nước này, đề phòng khả năng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gia tăng lây lan, trong bối cảnh khoảng 1.000 công dân nước này trở về nước trong tuần này.

*Diễn biến mới nhất dịch COVID-19 tại Trung Đông-Châu Phi

Saudi Arabia thông báo các dịch vụ đường sắt, xe buýt và taxi tiếp tục bị đình chỉ, trong khi người lao động làm việc trong khu vực hành chính công vẫn tiếp tục làm việc tại nhà. Saudi Arabia tiếp tục đình chỉ các chuyến bay nội địa và quốc tế cho đến khi có thông báo mới, trừ các trường hợp khẩn cấp.

Saudi Arabia đã đạt thỏa thuận trị giá 265 triệu USD với công ty Beijing Genome Institute (BGI) của Trung Quốc trong việc cung cấp 9 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19, đồng thời thành lập 6 cơ sở xét nghiệm lớn tại các khu vực trên toàn quốc. Bên cạnh đó, 500 chuyên gia và kỹ thuật viên Trung Quốc sẽ đến Saudi Arabia để hỗ trợ công tác xét nghiệm.

Iran dự kiến sẽ mở lại các thánh đường Hồi giáo tại một số khu vực không có dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh các biện pháp hạn chế đang dần được nới lỏng. Iran cũng sẽ được phân chia thành 3 vùng, gồm trắng, vàng và đỏ, căn cứ số ca nhiễm và tử vong.

Theo đó các hoạt động tại mỗi vùng sẽ được áp đặt mức hạn chế khác nhau. Trong đó, vùng trắng là vùng liên tục không ghi nhận ca mắc COVID-19, có thể mở cửa các thánh đường và kể từ ngày 1/5 các tín đồ sẽ được tới hành lễ. Tuy nhiên, mỗi vùng có thể thay đổi mã màu tùy thuộc tình hình cụ thể. Hiện chưa biết chương trình đánh mã màu này khi nào mới có hiệu lực.

Jordan đã quyết định kéo dài thời gian nghỉ làm của phần lớn khu vực công cho tới hết tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Trong khi đó, tại Dải Gaza, các nhà hàng được phép mở cửa trở lại trong tháng thánh lễ Ramadan, song các biện pháp phòng dịch sẽ vẫn được duy trì.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 3 ngày tại 31 thành phố trên toàn quốc từ ngày 1/5, và các lệnh phong tỏa trong thời gian cuối tuần sẽ tiếp tục cho đến sau lễ Eid al-Fitr kỷ niệm kết thúc tháng Ramadan vào cuối tháng 5.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 3h30 sáng 28/4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 ở châu Phi đã lên tới 33.786 trường hợp, trong đó có 1.463 ca tử vong.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) - cơ quan y tế chuyên ngành của Liên minh châu Phi (AU) cho biết, hiện dịch bệnh đã xuất hiện ở 52/55 quốc gia của châu lục. 

Công tác điều trị cho những người nhiễm bệnh ở các nước châu Phi cũng đạt được những kết quả nhất định khi có khoảng gần 10.500 người đã hồi phục hoàn toàn.

Nam Phi hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ đại dịch COVID-19 ở châu Phi với 4.793 ca hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, tiếp đó là các quốc gia Bắc Phi như Ai Cập (4.782 trường hợp), Maroc (4.120 trường hợp) và Algeria (3.517 trường hợp). /.

CẬP NHẬT MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục