Giải ngân vốn đầu tư công: Chậm từ năm này sang năm khác

12:39' - 03/08/2020
BNEWS Theo các chuyên gia kinh tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công có nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của dịch COVID-19, vướng về cơ chế chính sách, thủ tục giải phóng mặt bằng,…

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh suy giảm do dịch bệnh COVID-19, việc đẩy mạnh đầu tư công là giải pháp quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm các bộ, ngành mới giải ngân được gần 29% theo kế hoạch, trong khi đó năm 2020 là năm cuối cùng của năm kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020. Do đó, việc đẩy mạnh hoạt động đầu tư công gắn liền với kết quả giải ngân là nhiệm vụ cấp thiết trong thời điểm hiện nay.
Bài 1: Chậm từ năm này sang năm khác
Theo các chuyên gia kinh tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công có cả nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng cũng có cả yếu tố chủ quan như vướng về cơ chế chính sách, thủ tục giải phóng mặt bằng,…
*Có tiền mà không tiêu được
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312 nghìn tỷ đồng), bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu tăng được 1% đầu tư, thì sẽ góp phần tăng trưởng GDP thêm 0,06%, do đó, việc tiêu hết gần 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2020 và có thể được tăng thêm là nhiệm vụ không thể trì hoãn, là một trong những quả đấm thép để kinh tế phục hồi.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, đầu tư công là phần quan trọng của nền kinh tế đặc biệt thời gian sau dịch bệnh và đang đi vào tiến trình phục hồi. Đầu tư công là đầu tư vào cơ sở hạ tầng của quốc gia như cầu, đường, các cảng biển, …. Một quốc gia muốn phát triển bắt buộc hạ tầng cơ sở phải phát triển.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, bù đắp lại phần thiệt hại do dịch bệnh buộc nhà nước phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một cách quyết liệt, nhất quán và nhanh hơn, trong đó tập trung vào phần hạ tầng quan trọng sẽ có ý nghĩa tăng cầu cho nền kinh tế đồng thời tạo tiềm năng tăng trưởng.
Do đó, nhiều địa phương đã tích cực đẩy nhanh vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, điển hình như tại thành phố Đà Nẵng.
Dự án Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) có tổng vốn đầu tư hơn 275 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tư công trọng điểm của thành phố Đà Nẵng nhằm giải quyết tình trạng nước thải chảy tràn ra biển gây ô nhiễm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Để đảm bảo tiến độ thi công, thời gian qua, Ban Quản lý hạ tầng giao thông thành phố - chủ đầu tư dự án đã chủ động đẩy nhanh các thủ tục, bố trí nguồn vốn hỗ trợ nhà thầu kịp thời.
Tính đến 30/6/2020 giá trị giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Đà Nẵng ước đạt 4.468 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch. Theo ông Ngô Đình Tráng, Phó Trưởng phòng Kinh tế ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, thành phố đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các giải pháp của tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công và đã có nhiều diễn biến rất rõ nét. Đây là sự cố gắng nỗ lực của toàn thể thành phố nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 để phát huy vai trò vốn đầu tư công là vốn mồi cũng như là kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính, sau 6 tháng, ước thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công cả nước mới đạt hơn 169.348 tỷ đồng (đạt 28,94%). Đây là tỷ lệ rất thấp. Đáng chú ý, có đến 34 bộ, ngành trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%; trong đó, có 10 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Thậm chí, có một số ngành trung ương chưa giải ngân đồng vốn nào như Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ giải ngân hiện là 4,13%. Tuy nhiên, Thành phố đang có vướng mắc về việc hoàn ứng cho 3 dự án gồm, Metro 1 Bến Thành Suối Tiên, Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, trị giá 4.600 tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, nếu phối hợp giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị cấp phát cho tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên và hoàn thành các thủ tục hoàn ứng thì tỷ lệ giải ngân chung sẽ nâng lên mức khoảng 40%.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tình trạng nhận vốn nhưng không tổ chức thực hiện, chậm giải ngân đã diễn ra nhiều năm, nhiều nơi làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế; thêm gánh nặng nợ công; gây lãng phí, thất thoát nguồn lực của nền kinh tế, lãng phí của cải xã hội.
* Vướng từ chính sách
Ông Ngô Đình Tráng, Phó Trưởng phòng Kinh tế ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho rằng những tháng đầu năm thành phố phải giải ngân số vốn còn lại của năm 2019 cũng như phải lo thủ tục cho các dự án được bố trí mới cho năm 2020 nên dẫn đến việc giải ngân bị chậm.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn lúng túng do vướng nhiều thủ tục nhất là các dự án liên quan đến đầu tư xây dựng.

Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ đầu tư công (Bộ Tài chính) cho biết, cơ chế chính sách, quản lý xây dựng trong năm 2020 đã có một số thay đổi, thực hiện theo cơ chế quản lý chi phí đầu tư theo tinh thần Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Cụ thể, thay đổi thẩm quyền từ chủ đầu tư sang người quyết định đầu tư dẫn đến việc tăng thêm thời gian để thực hiện các thủ tục. Đồng thời, Nghị định 68 quy định các bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm ban hành định mức đặc thù để làm cơ sở xây dựng nên dự toán đơn giá. Tuy nhiên qua theo dõi của Bộ Tài chính thì hầu hết các địa phương đều chậm trễ trong khâu thực hiện ban hành này dẫn đến việc hoàn tất các thủ tục dự án bị vướng mắc .
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng, thời gian vừa qua, việc thực hiện các quy định theo Nghị định 68/2019/NĐ-CP đã gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn xác định định mức, đơn giá nhân công, giá ca máy, chỉ số giá xây dựng, đơn giá xây dựng công trình... Đây là vướng mắc mà nhiều bộ, địa phương đang gặp phải.
Do đó, theo đại diện Bộ Giao thông vận tải thì Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư hướng dẫn Nghị định 68 để khắc phục các khó khăn đang gặp phải.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Bộ Xây dựng chưa có hướng dẫn về quy trình, thủ tục cập nhật giá gói thầu; thẩm quyền quyết định sử dụng chi phí dự phòng của giá gói thầu khi cập nhật giá gói thầu... dẫn đến công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh dự án và cập nhật giá gói thầu để tổ chức lựa chọn nhà thầu của các dự án triển khai chậm. Những vướng mắc trong thực hiện trình tự, thủ tục phê duyệt đấu thầu còn kéo dài, hạn mức chỉ định thầu theo quy định hiện hành còn thấp (gói thầu xây dựng có giá trị không quá 1 tỷ đồng; gói thầu tư vấn có giá trị không quá 500 triệu đồng), ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn. Tình trạng này diễn ra tại Hậu Giang, Hà Nội và một số địa phương.
Ngoài ra, theo ông Lê Tuấn Anh, nếu việc phân bổ kế hoạch của các bộ ngành địa phương được thực hiện nhanh hơn chuẩn xác hơn ngay từ những tháng đầu năm thì kết quả sẽ tích cực hơn.
“Qua theo dõi chúng tôi thấy rằng hầu hết các bộ ngành địa phương đều có sự chậm trễ nhất định trong khâu phân bổ kế hoạch chi tiết. Đồng thời, việc bố trí vốn cho các dự án cụ thể không bám sát thực tiễn, ví dụ như các dự án ODA. Trong giai đoạn đầu của kỳ kế hoạch thì bố trí vốn không sát, không đủ với tiến độ dẫn đến dồn hết đến cuối kỳ đã gây ra áp lực, chênh lệch giữ thực tiễn và kế hoạch giải ngân”, ông Lê Tuấn Anh nói
Ngoài ra, ông Lê Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, yếu tố đóng vai trò quyết định của việc giải ngân là sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, địa phương và công tác tổ chức của cán bộ các cấp làm trực tiếp./.

>>>Nhiều bộ, ngành xin giảm, trả lại nguồn vốn ODA

>>>Ngành nông nghiệp nhận diện khó khăn, giải quyết từng dự án

>>> Giải ngân vốn đầu tư công: Không để dồn vào cuối năm ​

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục