Cắt giảm thủ tục rườm rà để nhà khoa học thương mại hóa sản phẩm thuận lợi

13:54' - 07/05/2025
BNEWS Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khuyến khích doanh nghiệp thông qua cơ chế thử nghiệm, tức là nếu nghiên cứu không thành công thì doanh nghiệp cũng không bị truy cứu trách nhiệm...

Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được nhiều đại biểu đề cập đến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Chủ trương là phải tháo gỡ nhanh, cắt giảm thủ tục rườm rà đồng thời cần hệ thống nghị định, thông tư cụ thể hóa các nguyên tắc mà Luật đề ra. Như vậy, mới thực sự giúp nhà khoa học thương mại hóa được sản phẩm một cách thuận lợi.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, sáng 7/5, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đã có trao đổi với Báo chí về vấn đề này.

Phóng viên:Thưa ông, Quốc hội vừa thảo luận về dự thảo về Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Vậy theo ông, đâu là những điểm đột phá của dự thảo lần này, đặc biệt là việc “cởi trói” và khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân tham gia đổi mới sáng tạo?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Luật lần này ra đời rất kịp thời, tiếp nối Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 193) nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Nghị quyết 57). Ngay sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, dư luận, cử tri, doanh nghiệp và giới khoa học đều mong chờ một hành lang pháp lý rõ ràng để thực hiện.

Nghị quyết 193 là bước đi đầu tiên, nhưng do giới hạn về hình thức văn bản, chưa thể bao trùm hết như một luật. Vì thế, sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 là cần thiết. Lần sửa đổi này mang tính bao quát hơn, đề cập rõ ràng đến vai trò của doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ. Về thủ tục hành chính, Luật mới đã đơn giản hóa mạnh mẽ: loại bỏ 9 đến 11 thủ tục cũ, chỉ giữ lại hai thủ tục bắt buộc và bổ sung 4 thủ tục mới để phù hợp với các hoạt động thực tiễn.

Ngoài ra, Luật lần này còn khuyến khích doanh nghiệp thông qua cơ chế thử nghiệm, tức là nếu nghiên cứu không thành công thì doanh nghiệp cũng không bị truy cứu trách nhiệm, trừ khi có vi phạm cố ý. Đây là bước tiến lớn giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn, như việc nên giữ tên luật là gì. “Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo” hay chỉ đơn giản là “Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi.” Vì khái niệm “khoa học” rất rộng, bao gồm cả khoa học xã hội, chính trị, pháp lý… còn phạm vi luật này chủ yếu là khoa học ứng dụng.

Phóng viên:Vậy, ông đánh giá thế nào về tính phù hợp của các chính sách trong Luật này với nhu cầu thực tế từ doanh nghiệp, nhất là khi họ đang hướng tới phát triển công nghệ xanh, tuần hoàn và chuyển đổi số?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Luật mới đã có bước tiến lớn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, chi phí dành cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được tính là chi phí hợp lý trước thuế – điều này trước đây chưa từng có. Ngoài ra, Luật khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nội bộ. Tuy nhiên, phát triển xanh và kinh tế số không chỉ nằm ở một luật. Những nội dung này còn được thể hiện rõ trong các Nghị quyết của Chính phủ và các luật khác. Doanh nghiệp nếu nắm bắt được xu thế công nghệ, nhất là hạ tầng số, thì có thể “đi tắt đón đầu,” bắt kịp trình độ các nước tiên tiến.

 

Phóng viên:Theo ông, về chính sách xác định các công nghệ chiến lược và cơ chế đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp, Luật lần này có những đột phá gì?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Một điểm then chốt là tạo ra thị trường khoa học công nghệ thực sự, kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. Trước nay, Nhà nước thường đầu tư nghiên cứu, nhưng kết quả lại không sát nhu cầu xã hội. Luật mới đang mở hướng cho doanh nghiệp tham gia ngay từ giai đoạn thử nghiệm – vì chính doanh nghiệp mới hiểu thị trường cần gì.

Tuy nhiên, vấn đề bản quyền và phân chia lợi ích giữa nhà khoa học và doanh nghiệp vẫn cần quy định rõ hơn. Điều 28 của Luật đã đề cập đến, nhưng còn khá chặt, có thể làm doanh nghiệp ngại đầu tư. Do đó, cần tạo cơ chế linh hoạt, để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào chế tạo, thử nghiệm, rồi sau đó thương mại hóa. Nhà nước cũng có thể cùng đầu tư với doanh nghiệp vào các đề tài lớn, có tính ứng dụng cao.

Phóng viên: Về hệ thống quỹ khoa học công nghệ hiện có, ông đánh giá việc tiếp cận các quỹ này hiện nay như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Chúng ta có nhiều quỹ như Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia…, nhưng thực tế để tiếp cận còn khó khăn do thủ tục. Luật không can thiệp trực tiếp vì quỹ không thuộc ngân sách nhà nước, nhưng Luật sẽ đưa ra định hướng. Việc cụ thể hóa sẽ do các nghị định, thông tư hướng dẫn sau đó.

Phóng viên: Thưa ông, thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các viện nghiên cứu, trường đại học – cơ chế tài chính hiện tại đã phù hợp chưa?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Đây vẫn là điểm đang được thảo luận. Chủ trương là phải tháo gỡ nhanh, cắt giảm thủ tục rườm rà để nhà khoa học không phải mất thời gian giải trình hồ sơ. Trong Luật đã thể hiện tinh thần đó, nhưng như tôi đã nói, Luật không thể quy định chi tiết mọi thứ. Chúng ta cần hệ thống nghị định, thông tư cụ thể hóa các nguyên tắc mà Luật đề ra. Như vậy mới thực sự giúp nhà khoa học thương mại hóa được sản phẩm của mình một cách thuận lợi.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục