Cắt giảm tối đa số hồ sơ “dồn” về Bộ Xây dựng

19:22' - 18/04/2017
BNEWS Việc phân cấp cho các địa phương đã giúp giảm tới 70% số hồ sơ mà trước đây đều “dồn” hết về Bộ Xây dựng giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định đã cắt giảm tối đa số hồ sơ "chạy" về Bộ. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Tại cuộc họp chỉ đạo điều hành công tác của Bộ Xây dựng ngày 18/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, chuyển biến rõ nét nhất của ngành là thực hiện kịp thời các nhiệm vụ của Chính phủ giao.

Một trong những nội dung có sức ảnh hưởng lớn và được dư luận xã hội quan tâm là tạo những đổi mới về quản lý nhà nước, cụ thể là tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Khi xây dựng nội dung văn bản quy phạm phát luật này, bản thân cán bộ của Bộ Xây dựng cũng có nhiều tranh luận về quan điểm khác nhau.

Tuy nhiên, với tinh thần cao nhất là phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, Bộ Xây dựng đã đề xuất việc thực hiện phân cấp cho hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chia sẻ.

Việc phân cấp được thực hiện từ khâu lập chủ trương dự án. Cũng có ý kiến lo ngại việc phân cấp sẽ là quá sức với đơn vị.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay, Bộ đã phải họp đánh giá năng lực của các sở xây dựng tại địa phương này. Tuy vẫn còn những vấn đề bất cập nhưng không thể đối xử với 2 đô thị lớn như các địa phương khác mà cần phải trao cho họ đủ thẩm quyền; nhờ đó, cũng bỏ được nhiều quy định rườm rà.

Câu chuyện biến đổi về quản lý của Bộ Xây dựng được đánh giá rất tốt. Đặc biệt, việc phân cấp đã giúp giảm tới 70% số hồ sơ mà trước đây đều “dồn” hết về Bộ giải quyết.

Những thay đổi đã tạo ra không khí mới, tinh thần mới trong tổ chức thực hiện các hoạt động, thủ tục liên quan đến xây dựng, nhất là rút ngắn thời gian tiến độ.

Thể chế luôn được coi là việc quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và được bàn đầu tiên trong các phiên họp để phục vụ mục tiêu kiến tạo.

Quán triệt nội dung này, Bộ Xây dựng xác định phải chú trọng công tác này, nhằm đưa ra những công cụ quản lý sắc bén, hữu hiệu và kịp thời.

Nhiệm vụ mà Bộ Xây dựng đang hướng tới là phải đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn; điều chỉnh kịp thời những nội dung không còn phù hợp.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà yêu cầu các đơn vị chức năng sớm hoàn thành các Thông tư hướng dẫn; có thể điều chỉnh kế hoạch nhưng không thể lùi thời hạn mà phải làm sớm hơn. Nếu lãnh đạo đơn vị nào để chậm trễ sẽ bị nhắc nhở cụ thể.

Về quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng sẽ tập trung theo hướng kiểm tra, hướng dẫn hoạt động xây dựng tại các địa phương đi vào nề nếp, trật tự, đúng quy định. Thông qua kiểm tra, giám sát để xử lý ngay các bất cập liên quan đến hoạt động xây dựng.

Mặc dù Nghị định 42 đã tăng cường phân cấp rất lớn cho các đô thị nhưng không phải là phân cấp rồi thì không để ý, mà càng phải kiểm tra sát sao hơn – Bộ trưởng chỉ đạo.

Thêm một nội dung sẽ được Bộ Xây dựng thực hiện quyết liệt trong thời gian tới là sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới để thay thế các nội dung cũ.

Mặc dù cần có lộ trình thực hiện phù hợp nhưng Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng yêu cầu phải ưu tiên sửa đổi những quy chuẩn, định mức, đơn giá… quá lạc hậu; những vấn đề bức xúc thì cần làm ngay.

Cùng với việc kiểm soát tốt thị trường bất động sản, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trực thuộc.

Đề án này hiện đã được Chính phủ tán thành cơ bản các đề xuất của Bộ Xây dựng với kế hoạch và lộ trình phân nhóm rõ ràng. Mục tiêu của Bộ Xây dựng là năm 2019 thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp xuống mức dưới 51%. 

Đặc biệt, các yêu cầu lớn phải đảm bảo như: cổ phần hóa xong thì doanh nghiệp phải mạnh lên; phát triển được ngành nghề cốt lõi; tối đa hóa lợi ích của nhà nước và người lao động; chống tham nhũng, tiêu cực tại các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện cổ phần hóa…

Muốn vậy, các đơn vị chức năng phải rà soát liên tục, nghiêm túc. Chủ tịch hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị các doanh nghiệp trong ngành phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Bộ trưởng về việc tái cơ cấu và cổ phần hóa – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà yêu cầu rõ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục