Câu chuyện về vụ bê bối tham nhũng lớn nhất lịch sử Malaysia (Phần 1)

05:30' - 07/10/2018
BNEWS Vụ bê bối liên quan đến Quỹ đầu tư nhà nước 1Malaysia (1MDB) đã đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các chính sách chống tham nhũng mà Kuala Lumpur đang thực hiện.
Sáng 4/7, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak (ảnh, giữa) có mặt tại Tòa án Kuala Lumpur. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan công tố Malaysia ngày 20/9 đã chính thức buộc tội cựu Thủ tướng Najib Razak vì tội danh lạm quyền và rửa tiền trong vụ bê bối làm thất thoát hàng trăm triệu USD của Quỹ đầu tư nhà nước 1Malaysia (1MDB).

Theo đó, ông Najib Razak bị buộc 4 tội danh lạm dụng quyền lực liên quan đến khoản tiền 2,3 tỷ ringgit (556,3 triệu USD) của 1MDB và 21 tội danh liên quan đến rửa tiền.

Quỹ đầu tư quốc doanh Malaysia 1MDB (1Malaysia Development Bhd.) được thành lập vào năm 2009, không lâu sau khi ông Najib Razak trở thành Thủ tướng Malaysia, với mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kể từ khi thành lập, ông Najib Razak chính là người đứng đầu Ban cố vấn của 1MDB và kiểm soát tất cả quyết định đầu tư của quỹ.

Tuy nhiên, khác với định hướng ban đầu là thu hút đầu tư nước ngoài, 1MDB lại trở thành một công cụ để thực hiện hành vi tham nhũng, rửa tiền với quy mô trên toàn cầu. Từ một tập đoàn đầu tư quốc doanh đóng vai trò chủ chốt trong chính sách kinh tế, 1MDB giờ đây đang ngập trong khối nợ trị giá khoảng 12 tỷ USD.

Theo một Uỷ ban trực thuộc nghị viện Malaysia, tổng số tiền giao dịch bất chính có liên quan đến 1MDB là trên 4,2 tỷ USD. Trong đó, khoản tiền trị giá 681 triệu USD đã được chuyển từ 1MDB vào tài khoản cá nhân được cho là thuộc quyền sở hữu của ông Najib Razak.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) đã chỉ ra những sai phạm lớn nhất của 1MDB, trong đó nổi bật là hợp đồng liên kết trị giá 2,5 tỷ USD với công ty dầu tư nhân của Saudi Arabia là PetroSaudi International (PSI).

Trong đó, 1MDB đã phê duyệt khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD, tuy nhiên theo DoJ, chỉ có 300 triệu USD là được chuyển vào tài khoản liên doanh với PetroSaudi, số tiền 700 triệu USD còn lại đã được chuyển đến tài khoản ngân hàng của một công ty ở Thụy Sỹ có tên Good Star Limited, được điều hành bởi Jho Low - người bạn thân của con trai ông Najib.

Theo giới chức Mỹ, chính các quan chức của 1MDB đã cung cấp thông tin sai lệch về quyền sở hữu tài khoản Good Star để “hợp pháp hoá” số tiền 700 triệu USD. 
Bên cạnh đó là những sai phạm liên quan đến hai khoản tiền 1,4 tỷ USD và 1,3 tỷ USD do Goldman Sachs huy động được từ việc phát hành trái phiếu của 1MDB và từ thị trường, được chuyển giao một cách bất hợp pháp đến các tài khoản ở Thuỵ Sỹ và Singapore. Theo DoJ, số tiền “đánh cắp” nói trên được chuyển qua các công ty bình phong để mua sắm bất động sản và các loại hàng hóa xa xỉ. 
Mặc dù vẫn một mực bác bỏ các cáo buộc song những hệ lụy của vụ bê bối 1MDB đã “thổi bay” chiếc ghế Thủ tướng của ông Najib Razak trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 vừa qua, bất chấp việc trước đó ông đã rất cố gắng sử dụng quyền lực của mình để “trấn an dư luận”.

Khi vẫn còn là Thủ tướng Malaysia, ông Najib đã cho sa thải tất cả nhân vật chỉ trích ông thông qua những lời cáo buộc liên quan đến 1MDB, đồng thời bịt miệng truyền thông và xoá bỏ các cuộc điều tra để tránh bị luận tội.

Tuy nhiên, gió đã đảo chiều kể từ khi chính phủ mới của tân Thủ tướng Mahathir Mohamad lên nắm quyền với quyết tâm đưa vụ bê bối 1MDB ra ánh sáng. Cảnh sát và các uỷ ban chống tham nhũng của Malaysia đã đưa ra tổng cộng 32 lời cáo buộc đối với vị cựu Thủ tướng này. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục